Tác phẩm tạo ra các cặp sóng đôi: hai con người, hai bức tranh, hai dòng suy ngẫm. Bức tranh thứ nhất là sự hối lỗi của người họa sĩ, bức tranh thứ hai là bức tranh của chính bản thân mình: tự họa chân dung của chính mình, tự suy ngẫm, nhìn thẳng vào mặt khuất lấp của mình. Dường như nhà văn tạo ra một cuộc hội thoại giả tưởng giữa hai con người trong tâm trí của người họa sĩ nói chuyện với nhau, chất vấn nhau: nhận lỗi thẳng thắn hay lảng tránh. Nguyễn Minh Châu còn đem đến cho người đọc cảm nhận một cách chi tiết về sự dè chừng, đắn đó trong lần quay trở lại để thú tội của ông họa sĩ “Tôi có cảm giác hồi hộp của một anh bộ đội giữa trận đánh đồn vừa vượt qua lớp lớp hàng rào để bám được vào cái đột phá khẩu. Lúc ban nãy, khi đạp xe vừa chớm đến quãng đường phố ngang với bức mành, chỉ chút xíu nữa là tôi đã nhấn mạnh chân vào bàn đạp cho bánh xe lăn thật nhanh như mọi lần”. Cuối cùng ánh sáng của chân lý cũng chiến thắng, ông họa sĩ đã dũng cảm nhận sai lầm của chính bản thân mình “luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và phía trên đầu chiếu thẳng xuống”. Có lẽ đây chính là ánh sáng của cái thiện, của vẻ đẹp đạo đức. Đến đây, Nguyễn Minh Châu đã dẫn dắt người đọc đi tìm lại chính con người thật, bản tính thật, đạo đức thật của mình. Không chỉ vậy, ta còn thấy được vẻ đẹp trong con người chiến sĩ, người chiến sĩ ấy vẫn nhiệt tình, vẫn chu đáo quan tâm ông họa sĩ, dù biết rằng người mà mình đang cắt tóc chính là ông họa sĩ đã vẽ chân dung mình năm xưa nhưng lại không gửi bức tranh về để báo tin cho gia đình. Nguyễn Minh Châu đã xây dựng nhân vật người chiến sĩ với phẩm chất tốt để từ đó ta thấy được sự hổ thẹn của ông họa sĩ. Người chiến sĩ vẫn trò chuyện với họa sĩ, không có ý định vạch trần, vẫn nương theo dòng suy ngẫm của ông họa sĩ và cũng chính vì lẽ đó mà ông họa sĩ càng trở nên đắn đo, dằn vặt. Kết luận Qủa thực sự đổi mới văn học giai đoạn sau 1975 đã khơi dậy được sự sáng tạo mới mẻ của các nhà văn, khai thác con người dưới nhiều góc độ khác nhau thể hiện về tự do, dân chủ trong sáng tác ghi đậm dấu ấn cá nhân và cá tính sáng tạo trong các tác phẩm văn nghệ của mình. Tuy vậy mục tiêu của văn học vẫn hướng tới bảo vệ những phẩm chất truyền thống của con người Việt Nam, lên án cái xấu, hạn chế tật xấu của con người, đồng thời phát triển thêm giá trị mới. Và Nguyễn Minh Châu giống như viên ngọc sáng, đem tới quan niệm nghệ thuật về con người thật sâu sắc: Hãy nhìn con người từ nhiều góc độ khác nhau, để ta thấy được những mặt khuất lấp trong tâm hồn họ, để rồi ta đồng cảm, thấu hiểu họ. Bản thân mỗi chúng ta cần nhìn nhận lại, suy ngẫm lại về chính mình từng giờ, từng ngày để tránh bỏ lỡ, bỏ quên những điều quan trọng trong cuộc sống. Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Bức tranh phần 1
Bằng sự sáng suốt và nhanh nhẹn của mình, Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam đặc biệt thời kì đổi mới, Nguyên Ngọc đánh gía là “người mở đường tinh anh và tài năng”. Giai đoạn trước, ngòi bút của Nguyễn Minh Châu mang khuynh hướng sử thi, đậm chất chiến đấu và thiên hướng trữ tình lãng mạn. Thời kì sau, đặc biệt sau năm 1975 chuyển sang cảm hứng thế sự cùng những vấn đề mang tính triết lí nhân sinh cao cả. Nguyễn Minh Châu ghi dấu ấn ngòi bút của mình trong thời kì kháng chiến chống Mỹ và qua các tác phẩm Dấu chân người lính (1972), Cửa sông (1966), Những vùng trời khác nhau (1970). Nhà văn đã đem đến cho thế hệ trẻ Việt Nam về nguồn cảm hứng yêu nước, số phận của con người trong chiến tranh. Tác giả đã vẽ lên một bức tranh sinh động về cuộc sống của người chiến sĩ, sự hi sinh, chiến đấu anh dũng, hào hùng. Thế nhưng khi bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với cuộc sống đời thường, Nguyễn Minh Châu đã cảm nhận được cần có sự thay đổi trong sáng tác. Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Quan sát những người ở xung quanh mình, tôi thấy người tốt vẫn chiếm đa số, Nhưng hình như họ luôn phải cưỡng lại một thứ gì đó ở bên trong bản thân, thiện và ác, lý trí và dục vọng, cái riêng và cái chung ở bên trong từng con người. Người ta vẫn tốt nhưng cái tốt hình như ít đi hơn xưa. Người ta phải luôn giữ mình để khỏi làm điều xấu và ác”. Và đến với “Bức tranh” nằm trong tập “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” năm 1983 đã cho người đọc thấy được sự thay đổi về quan niệm một cách rõ nhất. Câu chuyện kể về người họa sĩ được triệu tập đem những bức tranh của mình để trưng bày chuẩn bị triển lãm ở nước ngoài. Ông họa sĩ cần có người hỗ trợ để cùng ông vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển ông đã bắt gặp người chiến sĩ nhiệt tình, chu đáo đã cứu ông thoát khỏi khe nước. Và người chiến sĩ luôn có một ước ao được chụp một tấm ảnh để gửi về gia đình báo tin rằng anh vẫn còn sống. Nghe được mong ước của người chiến sĩ ông đã vẽ bức tranh trong thời gian 30 phút và xin địa chỉ để gửi về cho gia đình. Thế nhưng bức tranh khi ông họa sĩ vẽ người chiến sĩ lại đạt giải nhất và trở nên nổi tiếng vì thế đã quên mất việc đem bức tranh đến nhà người chiến sĩ. Sau 8 năm ông họa sĩ tình cờ gặp người chiến sĩ và trở nên áy náy về việc làm của mình đã quên gửi bức tranh về nhà người chiến sĩ. Câu chuyện dường như không có gì gay cấn, không có xung đột giữ người chiến sĩ và ông họa sĩ, thế nhưng ta lại thấy được xung đột trong chính con người của ông họa sĩ. Trước đó là trạng thái vui vẻ khi gặp được người chiến sĩ ân cần, thế nhưng sau 8 năm, vẫn là người chiến sĩ đó, ông họa sĩ lại cảm thấy sợ hãi, áy náy, xấu hổ. Cuộc đời của con người luôn biến thiên, quả thực ông họa sĩ đã không ngờ tới mình lại gặp người chiến sĩ năm xưa. Và cũng chính sự tình cờ này đã đẩy ông họa sĩ vào tình thế khó xử. Một là người lính sẽ tố cáo, trách móc, lên án vì chính việc làm của ông họa sĩ đã gián tiếp dẫn tới đôi mắt của mẹ người chiến sĩ bị mù. Hai là sẽ bỏ qua và tha thứ cho ông. Nguyễn Minh Châu đã đặt nhân vật vào tình huống tự chất vấn bản thân, giữa hai giá trị hoặc là cái thiện, cái cao đẹp hay là cái ác, cái thấp hèn để mọi chuyện được êm đẹp. Bằng giọng văn sâu lắng, Nguyễn Minh Châu đã khiến người đọc đắm chìm trong từng dòng suy nghĩ của nhân vật, đắm chìm trong cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng, người đọc cũng không biết rõ chính bản thân mình nên ứng xử ra sao trong tình huống này. Sẽ có độc giả lựa chọn coi như chuyện chưa từng xảy ra, vẫn lựa chọn con đường giấu mình, giấu cảm xúc, giấu đi cái hổ thẹn để không phải nhận trách nhiệm lớn lao kia. Thế nhưng cũng sẽ có độc giả lựa chọn con đường “thú tội” để nhận mọi lỗi lầm về chính bản thân mình. Nguyễn Minh Châu đã hướng người đọc đến nhiều dòng suy ngẫm. Có lẽ đấu tranh nội tâm là điều khiến con người đau đớn nhất, khó xử nhất. Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Bức tranh phần 3
Tóm tắt: Quan điểm nghệ thuật về con người của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 có nhiều chuyển biến. Qủa thực đến với tác phẩm “Bức tranh”, quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn đã đem lại dấu ấn đặc sắc trong lòng độc giả về vẻ đẹp khuất lấp của con người. Qua tác phẩm “Bức tranh” Nguyễn Minh Châu, một lần nữa khẳng định: Hãy nhìn con người từ nhiều góc độ khác nhau, để ta thấy được những mặt khuất lấp trong tâm hồn họ, để rồi ta đồng cảm, thấu hiểu họ. Bản thân mỗi chúng ta cần nhìn nhận lại, suy ngẫm lại về chính mình từng giờ, từng ngày để tránh bỏ lỡ, bỏ quên những điều quan trọng trong cuộc sống. Từ khóa: Nguyễn Minh Châu, quan niệm nghệ thuật về con người, ánh sáng, chân lý. Mở đầu Đối với nghề viết văn, Nguyễn Minh Châu quan niệm rằng: “Văn học và cuộc sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện”. Qủa thực Nguyễn Minh Châu coi con người là tâm điểm, nhà văn luôn coi con người để khám phá, đặc biệt là thế giới bên trong của họ để rồi bạn đọc chiêm nghiệm về chính bản thân mình trong đó. “Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về mình” (Trích Bức tranh – Nguyễn Minh Châu). Nội dung Quan niệm nghệ thuật về con người là cách cắt nghĩa, lý giải, cảm nhận về con người của nhà văn thể hiện trong tác phẩm văn học thông qua một hệ thống các phương tiện nghệ thuật. Bởi vậy đối tượng trung tâm của văn học ắt hẳn là con người, câu chuyện nhà văn hướng đến là câu chuyện về cõi nhân sinh. Quan điểm nghệ thuật về con người không đứng yên mà luôn vận động không ngừng qua từng thời kì. Sự vận động đó cho ta thấy được sự chuyển biến của nền văn học cũng như phong cách, quan niệm sáng tác của mỗi nhà văn. Quan niệm sáng tác của Nguyễn Tuân có sự thay đổi được đánh dấu mốc trước Cách mạng Tháng 8 và sau Cách mạng Tháng 8. Nếu trước Cách mạng Tháng 8, Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp của thời xưa còn xót lại, vẻ đẹp trong “vang bóng một thời”, cái đẹp chỉ có trong con người tài hoa, nghệ sĩ (hình ảnh Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù). Sau Cách mang Tháng 8, Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp đời thường, cái đẹp hiện hữu ngay cả trong những người dân lao động, (hình ảnh ông lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà). Thế nhưng dù hệ thống nhân vật phong phú đến đâu đều chịu sự chi phối chung của quan niệm con người, Nguyễn Tuân cả đời đi tìm chất vàng mười trong con người. “Điểm nổi bật của văn học đổi mới là xóa bỏ các khuôn sáo cũ của văn học giai đoạn trước, giảm bớt con người chính trị giai cấp, trở về con người nhân bản, tự nhiên, có cá tính, có tình yêu, có bản năng, vô thức, tính dục, có mặt tối, mặt sáng.” (Dẫn luận thi pháp học văn học – Trần Đình Sử). Đặc biệt sau năm 1986, nghệ thuật thời kì này đề cập tới những nhân cách kiểu mới, con người đoạn tuyệt với cái cũ, cái lạc hậu. Văn học luôn đấu tranh với giữa cái mới và cái cũ, cái ác dường như đang thắng thế, cái xấu đang gặm nhấm và hủy hoại nhân cách của con người. Cái ác và cái xấu luôn đấu tranh qua lại, giằng co trong tâm trạng của con người. Bởi vậy chủ đề về đạo đức xã hội được các tác giả quan tâm. Con người trở về với thực tại, đối mặt với cuộc sống hiện thực, phát hiện những cái khuất lấp chìm sâu, mỗi con người là một cuộc đời, có thế giới tâm hồn riêng, cá tính, suy nghĩ riêng biệt, không ai giống ai cả, quả thực cuộc sống không bao giờ dễ dàng đến vậy. Con người qua lăng kính của văn học giai đoạn này có nhiều sự chuyển biến, các tác giả quan tâm nhiều hơn về thế giới tâm hồn, đi sâu vào những trạng thái, tâm lý, nay cả những suy nghĩ ẩn lấp của con người. Và từ sự đổi mới trong văn học, đã thu hút độc giả khám phá về cuộc đời của con người, đôi khi đặt chính bản thân mình vào dòng suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật để từ đó suy ngẫm về chính cuộc đời mình. Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Bức tranh phần 2
Thi pháp thể loại Về thi pháp thể loại trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đã có nhiều nhà nghiên cứu nói về thể thơ tự do ông sử dụng. Thơ tự do và thơ văn xuôi vẫn là điểm mạnh của Nguyễn Quang Thiều. Trong tuyển tập Châu thổ, có hai bài viết với thể lục bát (110,tr.23-24). “Con đường”(Lễ tạ), dòng 6 tiếng được nhà thơ ngắt ra làm 3 dòng, lơ lửng, diễn tả cảm xúc lửng lơ của người tìm về với cội rễ. Có 12 bài viết theo thể thơ 7, 8 từ, và 9 bài viết theo thể thơ văn xuôi, còn lại 114 bài viết theo thể tự do. Cho thấy, thơ tự do là điểm mạnh của ông. Điều này thể hiện sự tự do hóa hình thức thơ, tác giả muốn giải phóng cho thơ những niêm luật, những ràng buộc vốn gò bó của thơ, và thâm nhập vào địa hạt của thơ văn xuôi để bùng phát tư duy. Đó là lối tư duy vực dậy từ vô thức, có tính ngẫu hứng, đứt rời không liền mạch, sự ngắt quãng của thời - không gian, sự xuất hiện chất chồng của hình ảnh biểu tượng, tạo độ sâu, tầng bậc của cảm xúc trong thơ thể thơ tự do và thơ văn xuôi, đã làm nên phong cách cho thơ Nguyễn Quang Thiều. Vừa lắng sâu lặng lẽ vừa nồng nàn nhiệt huyết, vừa muốn phá vỡ để xây dựng và gìn giữ. Trái tim của người sáng tạo phản ánh đời sống chân thực bao nhiêu thì Nguyễn Quang Thiều phản ánh hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật sâu sắc hơn bấy nhiêu. Ông giống như một người cầm máy quay lia góc kính xuống cận cảnh đến độ thấp nhất, để có độ xác thực cao nhất. Trong quá trình trở về với “cận cảnh” ấy, ông soi được những gì gồ ghề nhất, sỏi đá, khô cằn và thậm chí xấu xí nhất đồng thời cũng tinh chọn những tốt đẹp, những giá trị, thẩm mỹ nhất, khát vọng nhất trong thơ. Đó là một quá trình thơ đi đến tận cùng của cái thực nhất để đạt được đến cái siêu. Kết luận Thơ Nguyễn Quang Thiều thể hiện một quan niệm nghệ thuật mới mẻ, vượt qua khuôn khổ truyền thống, mang một làn gió mới đến với thi đàn văn học đương đại Việt Nam. Với một lối tư duy độc đáo, phù hợp với xu thế hiện đại cùng tài năng sử dụng thể thơ văn xuôi và đổi mới trong cấu trúc, Nguyễn Quang Thiều đã thể hiện thành công hình tượng cái tôi mang nét riêng, một cái tôi trữ tình với nhiều cung bậc, nhiều trăn trở, nhiều cảm xúc và tâm trạng, đặt trong tương quan với không gian, thời gian cụ thể, trong từng bài thơ - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều luôn hiện hữu trong quan hệ thiêng liêng, máu thịt với quê hương. Thơ của Nguyễn Quang Thiều giàu ý nghĩa tích cực, tốt đẹp; hình tượng thơ của ông là sự phối hợp hài hòa giữa tình cảm và ý chí, nhận thức và hành động. Điều đó là nguyên nhân cơ bản nhất tạo nên vẻ đẹp riêng biệt và sức sống của thơ Nguyễn Quang Thiều. Đọc tiếp: Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 1
Thời gian buổi đêm Thời khắc bóng đêm thường biểu tượng cho sự bất hạnh, trừng phạt, sa đọa và cái chết. Theo cách nhìn của phân tâm học thì thời gian đêm, bóng đêm gợi lên cảnh hỗn mang, hư vô, nỗi lo sợ, nỗi buồn, trạng thái vô thức và cái chết. Nhưng thời gian cũng tượng trưng cho sự thai nghén, nảy mầm, thích hợp cho việc thanh tẩy trí tuệ, vươn tới những khát vọng cao nhất đó là ánh sáng. Trong thời gian nghệ thuật, những đêm và đêm gần sáng luôn dịch chuyển vươn về nơi ánh sáng trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đó là sự vận động của quy luật thời gian trong quỹ đạo trời đất và cõi lòng con người từ tâm thức. Hay đó cũng chính là triết lý về thế giới nhân sinh: sự sống - cái chết thể hiện trong tác phẩm của ông. Tuổi thơ của Nguyễn Quang Thiều gắn liền với sông Đáy, với mẹ. Thời gian và cuộc đời vất vả của mẹ, đã được Nguyễn Quang Thiều tái tạo vào trong tác phẩm. Trong đêm, sự kiện thời gian một ngày kết thúc, cũng là thời gian của cái tôi thổn thức được gắn với hình bóng người mẹ tần tảo vất vả. Ở đó có cái tôi buồn nhớ thương mẹ nhớ quê da diết: Tôi dụi vào lưng áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm/ Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt/ Cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc/ Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn (Sông Đáy). Cảm giác như không gian đêm cùng với thời gian những đêm xa “đựng” cái tôi buồn, xa vắng, trống trải đến đơn côi. Bởi thời gian lúc bấy giờ nhanh như chớp mắt “tuổi hai mươi”, “bao năm sau” trở về đã “trắng tóc”. Đời người đã già, năm tháng thời gian là cột mốc neo đời người trên cao: Cha đã mang tuổi hai mươi lên đò không ngoảng lại/ Mẹ con đứng vùi chân trong cát/ Nước mắt buồn bay ướt một triền sông/ Bao năm sau cha trở về trắng tóc/ Đêm đêm ngồi hút thuốc lào/ Tiếng điếu rít lên muốn khoan thủng nỗi buồn/ Khoang vào phận con buốt nhức (Tiếng cười). Dừng ở thời gian đêm, tĩnh lặng và cô đơn, cái tôi buồn đi tìm cha mẹ, tìm anh chị em, vợ và các con. Sức suy tưởng bắt nguồn từ vô thức cá nhân nhà thơ, vực dậy miền thời gian xưa cũ, thời của năm tháng tuổi trẻ, thời sum vầy của gia đình. Nhưng còn đâu, chỉ thấy trắng trời, người ngồi trên mây trắng, người đã lên đường với bầy ngựa nâu. Từ tâm thức, cội nguồn tổ tiên dòng họ, cội nguồn của sức suy cảm nặng trĩu trước bóng thời gian dày: Tôi đi tìm cha mẹ tôi/ Cha mẹ tôi phất chiếc quạt heo may/ Ngồi khoan thai trên chiếc xe mây trắng/ Một bánh mặt trời/ Một bánh mặt trăng/ nóng và lạnh/ đi về nơi gió ngủ/…Tôi đi tìm anh chị em tôi/ Tất cả lên đường với bầy ngựa nâu/… Tôi đi tìm vợ tôi/ Người đàn bà cài chiếc cúc đoan trang/ Tôi đi tìm các con tôi. (Con bống đen đẻ trứng) Và cuối cùng, “tôi” đi tìm chính “tôi”, trong khoảng thời gian và không gian kí ức,“tôi” nằm lại như một trầm tích cuộc đời để phát hiện ra rằng nó đã “hóa vỏ ốc mòn ngậm cát gọi u … oa”. Cũng trong thời gian kí ức, ta nghe trong khoảng không trầm tích, tiếng thổn thức của đôi trai gái yêu nhau dưới sao trời trong đêm hoang sơ và băn khoăn của tuổi trẻ Ta sẽ bắt đầu điều gì khi bình minh thức dậy/ Đi về phía biển khơi hay trở lại rừng (Những ngôi sao), lời hẹn thề thuở để chỏm vụt bay qua chỉ còn lại tiếc nuối (Một bài hát tình yêu của làng Chùa): Đêm đã trải tấm khăn của tình yêu xuống rồi/ Sao xanh/ Sao xanh/ Bay về đồng cỏ/ Nụ cười trinh trắng của em/ Nước mắt trinh trắng của em. Đêm với không gian tâm tưởng, cái tôi buồn đi lạc vào vùng kí ức, Nguyễn Quang Thiều vực dậy những hình bóng người thân một cách tường tận. Không gian cá nhân và thời gian từ vùng kí ức ùa về đậm đặc chất thơ, chất ca dao, cổ tích, đã mang lại cho thơ ông nét riêng. Đó là sự duyên dáng mà thâm trầm, mạnh mẽ yêu thương mà lặng lẽ. Nói như vậy để thấy rằng thời gian trong thơ Nguyễn Quang Thiều là thời gian luôn được ông cắt xén, xé lẻ, dồn nén để quay về quá khứ, vực dậy những trầm tích đã ngủ quên trong đáy rương ký ức, mà tự cảm, tự buồn tự khóc, tự chiêm nghiệm và đắng đót cho cuộc đời, con người. Hình tượng tác giả Trên thi đàn, Nguyễn Quang Thiều là người sinh ra cho những cuộc cãi vã. Ngay từ khi xuất hiện, đã có nhiều tranh luận về thơ của ông. Rất nhiều quan điểm trái chiều xung quanh nhà thơ này, nhưng dù thế nào Nguyễn Quang Thiều vẫn là một đại biểu sáng giá của nền văn học đương đại. Hình tượng tác giả trong thơ Nguyễn Quang Thiều được xác định dưới chủ thể lúc là “tôi” trong bài Sông Đáy, Ban Mai, Bầy chó của tôi…, lúc là “ta” trong các bài như Mười một khúc cảm, Xô-nát hoàng hôn biển, Dòng sông…, lúc lại là “con” trong bài Dâng trà, Những con thuyền sông Đáy, Tiếng cười, … còn lại, hình tượng tác giả được ẩn giấu trong các chủ thể như chúng ta, họ hoặc sự vật, con vật, hoặc không cần xưng danh, xưng họ, mà chỉ là những chủ thể rất chung. Nguyễn Quang Thiều vẫn trầm mình vào, để đau đáu, để xẻ chia, để tạ ơn, để hối lỗi, để trăn trở, tiếc nuối và khát khao về cuộc đời. Đọc tiếp: Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 7
Thời gian nhân vật Nguyễn Quang Thiều đi tìm thời gian để quay về tâm thức, một khoảng sân vườn với cây trái và bầy mòng két tháng mười di chuyển đi ăn giữa hai dãy núi đá vôi Hà Tây và Hòa Bình, một cánh đồng rộng thênh thang mùa ngũ cốc, để vô vàn thi ảnh, câu chữ trong thơ chật ních đứng/ nằm rậm rịch kéo nhau đi (Chuyển dịch màu đen, Nhịp điệu châu thổ mới, Bàn tay thời gian, Bài ca những con chim đêm, Cây ánh sáng…). Những khoảnh khắc tính bằng giây phút và chớp lóe của sấm, của lời nguyền man rợ, của những bất trắc bất ngờ chợt đến cắt ngang cuộc đời con người: H ngủ muộn. 10h13 phút chưa dậy/ Những sự sống trôi qua chiếc giường/ Những cái chết trôi qua chiếc giường Hay thời gian tích tắc được đo đếm bằng ánh sáng, với sự ra đi nhẹ nhàng của cậu bé Hạnh Nguyên, khi căn bệnh máu trắng bất ngờ giáng xuống cho cậu bé và gia đình: Cậu bé chạy trong ban mai/ Xuyên qua dòng thác ánh sáng/ Kiêu hãnh và đẹp hơn sự nảy mầm/ Chưa đến giờ bị phủ ngập bóng tối/ Chiếc xe, đóa hoa biếc/ Cậu Bé không nhận ra/ Những bông hoa Cát đằng trôi trong buổi trưa/ Theo một hơi thở dịu dàng nhất thế gian/ Và đôi mắt đẹp hơn hồ nước trên núi cao (Đố ai tìm thấy tôi ở đây) Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, ông dành một khoảng thời gian không nhỏ được tính bằng giây phút này cho hiện thực bộn bề cuộc sống. Ở đó có một người sắp lìa đời, chỉ còn một khoảng khắc nữa thôi, (Giọng của H) họ sẽ không còn tồn tại trên cõi đời này. Nó trở nên quý giá, vờ như họ có thể nắm bắt được thời khắc ấy trong lòng tay, để giữ chặt lại không cho vụt mất. Nguyễn Quang Thiều là người chịu đau, chịu khổ, chịu đựng tất cả nỗi buồn, vật vã, chia xa, ly tán, tàn lụi và hụt hẫng, tiếc nuối. Và phạm trù thời gian nghệ thuật trong thơ ông đã nói hộ điều đó: Tôi mang đớn hèn tôi, thiêng liêng em về sông Đáy/ Sông không an ủi nổi tôi, đò dọc đò ngang mái chèo đang bó bột/ Hoa cải vàng không nhớ nổi tên mình/ Chìa vôi non không mượn cánh tay tôi/ Và những người đàn bà xóm trại vẫn tìm diêm trong bóng tối/ Tôi buông tiếng thở dài - chiếc cần câu không lưỡi, không phao vào miền nước ốm/ Trái tim tôi thút sâu đáy vực đau buồn (Sông Đáy). Với thời gian xa xăm, thời gian được tính bằng mùa, bằng tháng, bằng những mốc thời gian khắc nghiệt nhỏ nhất: giây, phút, ngày, đêm, Nguyễn Quang Thiều đã vực dậy tâm thức, kỷ niệm về người thân, người không quen biết, cảnh vật, con đường, sự kiện, sự việc, gắn với thời gian cuộc đời, số phận của con người trong tác phẩm. Mỗi bài thơ quay về với những mốc thời gian, lúc thế này lúc thế khác, thời gian trở thành phương tiện để nhà thơ giãi bày nỗi ẩn ức, sâu thẳm của mình đối với làng Chùa - sông Đáy, quê hương cội nguồn Đọc tiếp: Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 6
Thời gian nghệ thuật Thời gian quá khứ Nguyễn Quang Thiều đã sáng tạo thời gian nghệ thuật theo cách riêng của mình. Nhiều bài thơ, Nguyễn Quang Thiều lấy chính thời gian làm cảm hứng, làm tựa đề cho bài thơ (Bàn tay thời gian, Quyền phép của thời gian, Thời gian). Hoặc có lúc ông cắt đoạn thời gian quay về với tuổi hai mươi, tuổi ba mươi, lúc lại gợi nhớ bằng khoảng thời gian xa xăm, thời gian được cắt quãng khá xa của năm như triệu triệu năm, vọng từ xa xăm, thầm thì từ xa xăm, một phía thời gian, từng ấy năm (Nghe tiếng con chim cuốc, Tiếng cười, Những ngôi sao, Khúc VI, VII, X, - Mười một khúc cảm, Bài hát về cố hương). Với cách sử dụng thời gian một cách ước giản, cắt xén và dồn nén, quay về quá khứ đến độ gấp khúc, tác giả tạo được âm trầm buồn, xa vắng và cô đơn trong thơ: Trời ơi từng ấy năm/... Từng ấy năm và từng ấy năm/ Ta nằm trong đêm co quắp/ Ta là chiếc lưỡi câu bị bỏ quên đau khổ/ Chỉ đợi run lên trước đôi môi em (Mười một khúc cảm) Cái tôi buồn bị bỏ quên trong từng ấy năm, như một lời thống thiết, trong thời gian quá khứ xa xăm ấy, nhà thơ tự cảm, tự nghiệm về mình, về cuộc đời, về những phận người mà ông đã thấy: Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươ i năm và nửa đời tôi thấy/ Sau những người đàn bà gánh nước sông là lũ trẻ cởi truồng / Chạy theo mẹ và lớn lên/ Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến/ Con trai lại vác cần câu và cơn biển ra khỏi nhà lặng lẽ. (Những người đàn bà gánh nước sông). Thời gian nghệ thuật được nhà thơ nén chặt, nhắc cách quãng “năm năm, mười lăn năm” lướt qua đời người nhẹ tênh vờ như không cảm nhận được họ đã làm gì, nghĩ gì, chỉ thoáng chốc một đời người đã trôi, thế hệ khác đã lớn. Vòng xoay của đời người cũng là vòng xoay của quy luật thời gian, trong đó, con người có thể là những ánh sao xanh, hay là những phận người lam lũ cơ cực nơi trần thế, mà Nguyễn Quang Thiều trăn trở. Thời gian thiên nhiên Để đo tính thời gian quay về trong kí ức, mùa (mùa hạ, mùa xuân, mùa đông, mùa thu), tháng (mười hai tháng trong Hồi tưởng) cũng là một cách thức thể hiện thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Quang Thiều (Bây giờ đang cuối mùa đông, Tháng Mười, Thời gian, Bức thư, Hồi tưởng). Xa hơn nữa một mùa thu thắm đỏ/ Con rắn nâu bò qua vườn trên lớp lá vàng cong/ Xa hơn nữa… tôi khóc cùng mùa hạ/ Khi thấy có một tôi đâu đó quanh vườn (Thời gian). Mùa hạ với đầy ánh sáng và hoa trên cánh đồng, thời gian như làm phép để giấu những trái tim biết yêu: Và mùa hạ đổ về cơn lũ khổng lồ ánh sáng/ Những chiếc tổ tung lên trời ngàn vạn cánh chim/ Một bàn tay vô hình xoay khẽ thời gian làm hai người biến mất/ Trên cánh đồng lấp lánh nước và hoa (Bàn tay của thời gian). Ngược dòng quá khứ, về với tiềm thức, nhà thơ như muốn đi xa hơn nữa để giữ lại tất cả, trong bước vận hành của thời gian. Nơi có một mùa thu thắm đỏ, một mùa hạ đổ về, một con rắn nâu buồn và một tôi khóc cùng mùa hạ. Thời gian lúc này êm như một tấm màn nhung, đầy huyền thoại, nhẹ nhàng xoay, và tách vỏ, để lộ những mẩu kí ức đã chìm đắm từ thuở nhỏ, những mẩu tình vụng trên cánh đồng hoa. Nguyễn Quang Thiều có thời gian đêm và ánh sáng. Thời gian của mười hai “Hồi tưởng”. Mỗi tháng trong năm là mỗi thời gian tác giả hồi tưởng về con người, sự vật, sự kiện, ẩn ức. Tháng giêng nhớ về người đàn bà già hàng xóm góa chồng với con đường hoa tầm xuân trở về từ nghĩa địa: Trong chiếu chăn ẩm ướt/ Mơ con đường tràn hoa tầm xuân/ Chạy qua nghĩa đại/… Nhưng mùa xuân vẫn còn dấu giấu mặt/ Chỉ thả ra một cánh bướm thăm dò/… Người hàng xóm góa chồng/ Trở về từ nghĩa địa/ Cắm đầy hoa tầm xuân trong phòng ngủ nhà mình (Hồi tưởng) Tháng hai, là tháng nhớ về người bà, với khoảng không gian sực nức mùi thuốc bắc, những ngón tay xanh tái của bà lần ở mép giường. Tháng ba là tháng nhớ về mẹ, người mẹ đau viêm đại tràng mãn tính. Tháng tư, tháng năm, tháng sáu, tháng bảy là thời gian nhớ về cánh đồng với những vạt hoa loa kèn nở trong đêm, những lùm cây rũ rượi trong đêm, những giấc mơ đêm của những gã thợ xẻ. Tháng tám nhớ về hương thơm quả thị, cây thị vàng rũ rượi và giấc mơ trẻ thơ. Tháng chín, tháng mười, mười một, mười hai, là tháng nhớ về những gì đã qua (người mù, con người lạ quen), chiêm nghiệm về cuộc đời, con người: Đêm tháng Mười đi từ phía cánh đồng và biến mất trong những giấc ngủ người lớn tưởng không bao giờ tỉnh dậy (Hồi tưởng tháng Mười). Chưa hết, qua thời gian Hồi tưởng, tác giả bày biện thời gian trong Mười một khúc cảm, cũng là cách Nguyễn Quang Thiều dồn nén thời gian trong tâm tưởng ký ức thẳm sâu: Ta gặp mẹ ta năm người mười bảy/ Những răng lược gỗ mòn cắn ngập mái tóc người/ Ta gặp cha ta năm người hai mươi tuổi/ Dưới những nhát búa cùn/ Từng khúc xoan tươi toác ra tiếng cười của lửa(Khúc VI) Đọc tiếp: Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 5
Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật Không gian nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều đã sáng tạo ra một không gian nghệ thuật từ trong ngôn từ thơ đương đại, vượt qua những khuôn mẫu truyền thống, trở thành một trong nhưng nhà thơ dẫn đầu cho phong trào thơ được không ít nhà nghiên cứu gọi là “Thời kì Phục hưng” của văn học. Thơ của Nguyễn Quang Thiều gần gũi với ruộng đồng, với xóm làng, những không gian bình dị, thân quen. GS Trần Đình Sử có viết: “Hình tượng động và không gian động là điểm cách tân, khác hẳn không gian tĩnh của thi ca truyền thống”. Không gian xuất hiện nhiều nhất trong thơ Nguyễn Quang Thiều là làng Chùa – nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả, nơi mà ông- với tư cách một nhà thơ đã tự cho phép mình phải tuyên ngôn về nó như một mệnh lệnh và tình cảm mà ông đặt cho nó cái tên là Bản tuyên ngôn của giấc mơ. Một điểm chung trong các bài thơ của Nguyễn Quang Thiều là làng Chùa lặp đi lặp lại trong những bài thơ, trở thành không gian hình tượng của thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những mảnh vườn, là ông bà và bố mẹ, là thế giới của côn trùng và loài vật, là nơi của cỏ cây hoa lá, là những người đàn bà quê tần tảo và những đứa trẻ có nước da nâu, là dòng sông Đáy dạt dào trong tâm thức... “Dẫn ta về hồ nước cũ/ Phăng phắc một lá sen già” (Lễ tạ) hay “Ta đi về đường quê cỏ nát/ Ngực ta gầy, rạc mãi tiếng quê hương” (Nghe tiếng con chim cuốc). Đó chính là không gian thế giới hiện thực hiển minh và trầm tích, được nâng lên thành văn hóa, phong tục trong thơ Nguyễn Quang Thiều mà ông gọi là “nỗi buồn - báu vật cố hương tôi”. Một không gian nghệ thuật không thể không nhắc đến, hiện diện đa dạng trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đó là dòng sông. Dòng sông là nơi được nhà thơ nhắc đến nhiều (sông Đáy, Dòng sông, Những con thuyền sông Đáy, Cánh buồm), cũng là nơi miền không gian được nhà thơ ký thác tình cảm sâu sắc. Miền không gian tâm tưởng cùng với thời gian những chiều xa quê, chiều nay trở lại, tác giả vẽ nên bức tranh bảng lảng mưa sương và nỗi nhớ quay quắt: Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên/ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ/ nơi những chú bống đến làm tổ được dàn dụa nước mưa sông/ Sông Đáy ơi! Chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi (Sông Đáy). Có lúc đó là con sông Đáy có thực tron g quan hệ thiêng liêng, cụ thể của thi nhân, có lúc đó lại là dòng sông tâm tưởng trong tiềm thức, trong những quan hệ vô thức. Có khi dòng sông lại là những mảnh vỡ của tâm trạng nhà thơ. Từ dòng sông thật đến dòng sông tâm tưởng, Nguyễn Quang Thiều đã đi tìm hình bóng một người xa trong gập ghềnh nỗi nhớ: “Trong tiếng thở dài như dòn g sông cạn - Trong tiếng ho như con đường xóc - Tôi đi tìm em” (Cánh buồm). Nhưng rồi cuối cùng, dòng sông Đáy - con sông thật quê ông - lại đồng hiện trong dòng suy tưởng của ông. Để giờ đi xa còn nhói buốt những nỗi buồn. Dòng sông tượng trưng cho những gì mát mẻ, trôi chảy, sinh sôi; nhưng dòng sông trong thơ Nguyễn Quang Thiều có gì như uất nghẹn, quặn đau do cuộc sống khổ nghèo và do chiến tranh dai dẳng làm cho con người càng vất vả, gian lao. Một không gian nữa xuất hiện trong thơ Nguyễn Quang Thiều, chính là không gian cánh đồng trong một buổi ban mai trong trẻo, không gian được Nguyễn Quang Thiều cảm nhận. Nét đẹp thuần khiết trong lành như nếm được vị của ánh sáng ban mai, nơi không gian dành cho người nông dân cày cấy, với những công việc thuần nông hằng ngày: Bóng tối đêm gần sáng như một con mèo nhung khổng lồ/ bước đi uyển chuyển/ Cái đuôi mềm của nó chạm vào tôi làm tôi tỉnh giấc/ Tôi cựa mình như búp non mở lá/ Ý nghĩ mỉm cười trong vắt trước ban mai/ Những xôn xao lùa qua hơi ấm/ Vọng về từ cánh đồng rộng lớn mờ sương/ Tiếng bánh xe trâu lặng lẽ qua đêm/ Chất đầy hương cỏ tươi lăn về nơi hừng sáng (Ban mai). Trong quan niệm của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng “vạn vật hữu linh” (vạn vật đều có linh hồn). Vạn vật và con người khi chết đi, thể xác tan rữa, nhưng còn linh hồn tồn tại tụ tán, vẫn đi,về tham gia vào đời sống con người. Nguyễn Quang Thiều là người đem tâm thức làng vào thơ, không gian tâm linh của làng vào thơ, được bắt nguồn từ cuộc sống bình dị thường ngày: Trong ban mai đàn bò mỗi lúc vàng rực/ Và tan vào ánh sáng/ Những tiếng rống vọng lại/ Dàn kèn đồng trong xóm đạo nhỏ/ đang tập buổi cuối cùng/ để đón lễ phục sinh/ giờ chỉ còn những đám mây/ linh hồn của đàn bò/ bay trên cánh đồng/ của những con bò khác (Linh hồn những con bò) Đến với những trang thơ của Nguyễn Quang Thiều, ta đến với không gian làng Chùa - sông Đáy, cánh đồng là nơi cư ngụ của miền ký ức quá khứ sâu thẳm, miền tâm linh huyền ảo, huyễn hoặc. Người ta tìm thấy nét đẹp tinh thần trong ký ức của Nguyễn Quang Thiều. Đó là sức sống muốn phục sinh, luôn dịch chuyển về nơi ánh sáng, hướng về tự do. Nơi đó có cuộc sống con người xôm tụ, quần cư với nhiều nét văn hóa giàu truyền thống dân gian, đậm đà bản sắc dân tộc. Đọc tiếp: Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 4
Kết quả Quan niệm nghệ thuật về con người Nguyễn Quang Thiều là nhà văn nổi bật trong văn học đương đại. Thơ của Nguyễn Quang Thiều ngay từ khi ra mắt trên thi đàn đã đã gây nhiều tranh cãi và cho đến tận thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều sự nhìn nhận khác nhau. Đó là sự thường khi văn học bắt đầu chuyển mình thay đổi diện mạo mới. Thơ Nguyễn Quang Thiều chứa một quan điểm thẩm mỹ nhất quán “bất an mà không tuyệt vọng, bóng tối không thể chế ngự ánh sáng”. Nguyễn Quang Thiều hằng tin, thơ là một giá trị tinh thần có khả năng chữa lành và đánh thức lương tâm của con người. Đây là lõi cốt cổ điển trong quan niệm nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều ẩn sau những ngôn từ thơ ca. Thơ của Nguyễn Quang Thiều lôi cuốn người đọc ở sự giàu chất triết lý. Nhưng điều đặc biệt, triết lý ở đây được hình thành trong quá trình nhận thức sau khi cảm thụ tác phẩm. Nguyễn Quang Thiều để người đọc tiếp xúc một bi kịch, chứng kiến cảnh đau thương, trải nghiệm nỗi buồn hiu hắt từ ấy sẽ tự hiểu được triết lý mà nhà thơ gửi gắm. Con người nhiều khi không nhận ra, họ là nạn nhân của chính bản thân mình. Họ chiến thắng hoàn cảnh hoặc chấp nhận cam chịu và chạy trốn trước hoàn cảnh: “Chạy trốn điện thoại, xa-lông mút - Chạy trốn lễ sinh nhật - Chạy trốn tiếng gõ cửa - Chạy trốn chìa khóa - Chạy chốn bát đĩa và sách dạy nấu ăn - Chạy trốn những tã lót, quần áo cũ phơi rợp trên những nóc nhà thành phố”. Hay sự đổi thay trong quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả trong các bài như Bầy kiến qua bàn tiệc, Bầy chó của tôi, Hai con hải cẩu cũng vậy. Nguyễn Quang Thiều muốn độc giả vượt hẳn lên cảm xúc đơn thuần để đạt đến cung bậc của chiêm nghiệm, triết luận về cuộc đời, con người, xã hội… Cảm xúc của Nguyễn Quang Thiều trong những hình ảnh quen thuộc: làng quê, con người, sự vật hiện tượng… ở tập Sự mất ngủ của lửa cung bậc suy cảm được nâng lên một bậc, sâu sắc hơn, lý luận chiêm nghiệm hơn, trắc ẩn hơn. Còn khi qua đến tập Những người đàn bà gánh nước sông và những tập sau này, thì mạch cảm xúc suy nghĩ của Nguyễn Quang Thiều như chảy tràn, kèm với triết luận về cuộc đời, con người ở đây đã chuyển sang hướng đi tìm sự giải thoát. Đó chính là khát vọng tự do mà lúc nào tác giả cũng có cảm giác như một cái “ngưỡng”, “cái bậc cửa” mà chỉ cần con người vượt qua đó thì sẽ thấy ánh sáng. Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Quang Thiều chất chứa những suy tư, trăn trở, nhưng không phải để thụ động, để bất lực mà là để khái quát thành những triết lý về cuộc sống và con người. Nguyễn Quang Thiều luôn hướng về cội nguồn của quê hương và dân tộc. Ông trở thành kẻ sầu xa xứ, lưu lạc, nhưng lại được giàu có trong ý nghĩa nhân văn của nhận thức và tư tưởng. Đọc tiếp: Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 3
Tóm tắt Bài viết này bàn về đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều – một số phương diện cơ bản góp phần quan trọng làm nên giá trị, đặc trưng và sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Nguyễn Quang Thiều. Việc tìm hiểu và khám phá yếu tố thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều không phải là điều đơn giản, không phải tự nhiên những sáng tác của Nguyễn Quang Thiều luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng độc giả. Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của giai đoạn văn học đương đại, thơ Nguyễn Quang Thiều phản ánh về cuộc sống qua quan niệm nghệ thuật về con người, đặc điểm không gian, thời gian hay hình tượng tác giả, thi pháp. Chính những điều ấy làm nên những nét đẹp đặc thù, riêng biệt không lẫn vào ai của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Từ khóa: Nguyễn Quang Thiều, quan niệm nghệ thuật, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, hình tượng tác giả, thi pháp thể loại, thi pháp. Abstract PROSODY CHARACTERISTICS IN NGUYEN QUANG THIEU'S POETRY This article discusses the poetic characteristics of Nguyen Quang Thieu's poetry – some basic aspects that make an important contribution to the value, characteristics and special appeal of Nguyen Quang Thieu's poetry. Understanding and exploring the poetic elements in Nguyen Quang Thieu's poetry is not simple, but Nguyen Quang Thieu's works always hold a special place in the hearts of readers. As one of the typical poets of the contemporary literary period, Nguyen Quang Thieu's poetry reflects on life through his artistic conception of people, spatial characteristics, time or images of authors, poetics. It is these things that make up the specific and distinct beauty of Nguyen Quang Thieu's poetry. Mở đầu Trong giai đoạn văn học đương đại, bắt đầu từ năm 1986, Nguyễn Quang Thiều là một tên tuổi nổi bật với vẻ đẹp, sự sáng tạo riêng biệt đã tạo dấu ấn riêng, phá vỡ quan niệm thông thường. Điều đó được tạo nên từ sự hòa phối của nhiều phương diện, trong đó nổi bật là quan niệm nghệ thuật mới mẻ, cách sử dụng thời gian theo kiểu của riêng mình, không gian làng Chùa, sông Đáy dung dị, gần gũi; hình tượng tác giả, thi pháp thể loại sáng tạo, giàu tính tư tưởng và thẩm mỹ. Đó là những căn nguyên cơ bản làm nên chân dung thi nhân Nguyễn Quang Thiều luôn nổi bật, tươi sáng giữa những gương mặt tiêu biểu của thi nhân Việt Nam đương đại, cũng như sức sống trường tồn không chỉ quá khứ, hiện tại mà cả tương lai của thơ Nguyễn Quang Thiều. Tổng quan tình hình nghiên cứu Nguyễn Quang Thiều (1957) là một nhà thơ đương đại Việt Nam tiêu biểu. Ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Từ những năm 1990, thơ Việt Nam đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi phá p và có thể nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên, bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt. Thơ văn Nguyễn Quang Thiều bay bổng, ưu tư với những phiền muộn thi ca. Do vậy, từ trước đến nay đã có một số bài viết nghiên cứu về thơ Nguyễn Quang Thiều với những đóng góp đáng kể. Kể từ khi tập thơ Sự mất ngủ của lửa được xuất bản năm 1992, đã có nhiều tác giả như, Trần Mạnh Hảo, Lê Vũ, Đỗ Hoàng, Đoàn Ánh Dương, Lê Thiếu Nhơn, Trần Đăng Khoa, Đào Duy Hiệp… bàn luận về thơ của Nguyễn Quang Thiều trên nhiều phương diện. Trong công trình Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, tập hợp hơn 20 bài viết từ Hội thảo cùng tên, do Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học tổ chức tại Hà Nội đã có những tổng kết và đánh giá tương đối đầy đủ về sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều như đánh giá của Nguyễn Đăng Điệp, Vũ Văn Sỹ, Đông La, Nguyễn Quyến… Trong công trình này, khai thác những hướng tiếp cận, hướng tìm tòi mới mẻ, khả thi từ thế giới ngôn từ của Nguyễn Quang Thiều của các tác giả khác nữa như Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Mạnh Tiến, Hồ Thế Hà, Phạm Khải, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn, Nguyễn Đức Tùng, … Trong cuốn sách Vọng từ con chữ, Nguyễn Đăng Điệp khẳng định Nguyễn Quang Thiều với những thành công và những vần thơ đang ở mức thể nghiệm đã để lại dấu ấn của mình trong tiến trình đổi mới thơ ca, góp phần đưa thơ Việt Nam tiến thêm một bước nữa trên con đường hiện đại. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về thơ Nguyễn Quang Thiều đã có nhiều nhà nghiên cứu phê bình đánh giá, nhiều bài viết của tác giả báo chí có tên tuổi, bạn đọc yêu thơ đón nhận, những người nghiên cứu khoa học cũng lấy thơ ông làm đối tượng nghiên cứu. Nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu về quan niệm và không gian, thời gian nghệ thuật, hình tượng nhà thơ và thi pháp thể loại trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Do vậy, trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của những nhà nghiên cứu đi trước, bài viết này của chúng tôi tập trung làm rõ bốn vấn đề cơ bản trong thi pháp thơ Nguyễn Quang Thiều. Qua đó, góp phần làm rõ thêm các giá trị độc đáo và ý nghĩa to lớn của tư tưởng nghệ thuật thơ Nguyễn Quang Thiều. Phương pháp nghiên cứu Trong bài viết này, chúng tôi sử sụng các phương pháp nghiên cứu: phương pháp hệ thống, phương pháp phân tích – tổng hợp và phương pháp so sánh - đối chiếu. Phương pháp hệ thống được sử dụng trong việc nghiên cứu toàn bộ thơ Nguyễn Quang Thiều tính tới thời điểm hiện tại, trong một hệ thống nhất quán để làm rõ tính thống nhất trong thi pháp của thơ Nguyễn Quang Thiều. Phương pháp so sánh - đối chiếu được sử dụng trong việc so sánh thơ Nguyễn Quang Thiều với thơ của một số nhà thơ tiêu biểu khác ở những phương diện có liên quan mà người viết bài này đặt ra để xem xét, khẳng định đóng góp riêng của Nguyễn Quang Thiều. Phương pháp phân tích - tổng hợp được sử dụng trong việc phân tích một số bài thơ, ý thơ tiêu biểu; phân tích hình tượng thơ bao trùm trong toàn bộ thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều. Trên cơ sở đó, tổng hợp những ý nghĩa cơ bản, giá trị trong quan niệm, không gian, thời gian nghệ thuật và hình tượng tác giả, thi pháp thể loại trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Đọc tiếp: Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 2
Mối quan hệ giữa thời gian và không gian nghệ thuật Thời gian và không gian nghệ thuật có tương quan chặt chẽ trong tính chỉnh thể của hình tượng nghệ thuật. Khi nhà văn lựa chọn một kiểu thời gian nghệ thuật cũng có nghĩa xây dựng kiểu không gian tương ứng. Cụ thể, trong truyện Nguyễn Nhật Ánh: Thời gian quá khứ gắn liền với không gian hoài niệm: Khi một phần kí ức của nhân vật được dùng trong tạo dựng tác phẩm, việc kể câu chuyện chính là làm sống lại những gì đã thuộc về quá khứ với hành trình thời gian trở ngược. Ví dụ: trong Cô gái đến từ hôm qua, sử dụng cụm từ “hồi nhỏ” để trở về với tuổi thơ của cậu bé năm tuổi. Công thức “hồi + x” trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, “hồi tôi tám tuổi”, “hồi tám tuổi” mở ra cả một khoảng không gian rộng lớn, ngập tràn kí ức những trò chơi thú vị thời thơ ấu. Thời gian hiện tại gắn liền với không gian thiên nhiên và bối cảnh xã hội: Không gian thiên nhiên trong hiện tại có những nét mới mà thiên nhiên trong quá khứ không có, đó là những trải nghiệm về mối tình đầu, những bài học về tình anh em, về các mối quan hệ giữa người với người. Không gian trong truyện Nguyễn Nhật Ánh luôn có sự thay đổi, luân phiên: chuyển không gian từ không gian hẹp, thân quen (khu vườn, sân nhà) đến không gian mở, khơi gợi sự khám phá (cánh đồng, khu rừng); đối lập không gian làng quê - thành thị. Ví dụ: nhân vật Đông trong Ngồi khóc trên cây tìm về ngôi làng Đo Đo thời thơ ấu để tìm bình yên trốn tránh sự ồn ào, náo nhiệt nơi thành phố. Cô gái đến từ hôm qua đi từ không gian sân nhà sang không gian trường học. Ngồi khóc trên cây từ không gian khu vườn, sân nhà sang không gian khu rừng. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh từ không gian sân chơi nhà chị Vinh, không gian nghĩa địa, không gian nhà con Xin sang không gian đồi Cỏ Úa. Sự thay đổi điểm nhìn không chỉ mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho nhân vật mà còn thể hiện sự trưởng thành trong tư duy, nhận thức của từng nhân vật. Nguyễn Nhật Ánh không giam hãm những đứa trẻ của mình trong “vòng giới hạn” mà để chúng tự do khám phá những khu vực cấm địa. Sự luân chuyển không gian được Nguyễn Nhật Ánh sử dụng như một đôi cánh, giúp nhân vật trải nghiệm, khám phá, mở rộng tầm mắt của nhân vật. Thời gian thường đan xen giữa quá khứ và hiện tại, ban ngày đối lập với ban đêm. Sự trái ngược của không gian nghĩa địa trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (địa điểm vui chơi lí tưởng >< “buổi tối ngồi trong nhà nhìn ra những đốm nhang lập lòe mẹ tôi vẫn thắp hằng đêm trước mộ, anh em tôi đứa nào cũng thấy rờn rợn”). KẾT LUẬN Về thời gian nghệ thuật, Nguyễn Nhật Ánh xây dựng rất đơn giản, từ hiện tại, từ quá khứ đến hiện tại và hướng tới tương lai. Khác với các nhà văn hiện đại khác lựa chọn kỹ thuật như xáo trộn thời gian, dòng kí ức. Nhà văn tổ chức thời gian ở ba chiều: hiện tại gắn với các trò chơi, trải nghiệm thú vị của tuổi thơ, quá khứ với những dòng hồi tưởng miên man, tương lai của mơ ước và niềm tin. Về không gian nghệ thuật, nhà văn xây dựng kiểu không gian bối cảnh xã hội và làng quê yên bình, không gian tâm tưởng và không gian cổ tích. Không gian làng quê, thiên nhiên hay học đường đều được nhà văn miêu tả bằng những nét giản dị, tinh tế. Đi liền với không gian là những cảm xúc của con người, đặc biệt là những đứa trẻ. Bên cạnh đó, không gian tâm tưởng chia thành không gian hoài niệm trong cái nhìn hồi cố về thời gian, không gian miền cổ tích và không gian mơ ước. Về mối quan hệ không – thời gian, truyện Nguyễn Nhật Ánh không gian - thời gian là những tín hiệu nghệ thuật hoà quyện làm một chỉnh thể cụ thể cảm tính và mang tính tổ chức cao và Nguyễn Nhật Ánh luôn không ngừng tìm kiếm những hình thức cấu trúc phù hợp nhất với sáng tác của mình thể hiện qua việc sử dụng những kiểu thời gian và không gian nghệ thuật khác nhau. Nhà văn đã tận dụng những chất liệu về không gian và thời gian nghệ thuật để không chỉ đưa người lớn trở về với tuổi thơ mà còn đưa trẻ em sống lại những năm tháng vô tư đầy kỷ niệm. Bằng khả năng quan sát tinh tế và vốn tiếng Việt phong phú, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên những dòng văn sinh động, nhẹ nhàng và giàu sức gợi. Mỗi em nhỏ khi bước vào trang văn của ông là chúng được ca hát, nhảy múa vui đùa, được vẽ nên những gam màu của tự nhiên mà chúng yêu thích, được thả hồn vào những hình ảnh giàu chất thơ. Mỗi câu chuyện đều truyền tải đến các em một bài học, ý nghĩa nhất định. Đó là tất cả những gì Nguyễn Nhật Ánh đã trao tặng cho lớp lớp thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Đó là tài sản của một tình yêu lớn, một trái tim lớn và một trí tuệ tuyệt vời. Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 1
Không gian tâm tưởng Không gian kí ức hoài niệm Không gian hòa niệm được tạo nên từ kí ức nhân vật và sự linh hoạt trong sử dụng thời gian, đặc biệt là cái nhìn hồi cố thời gian với các thủ pháp tỉnh lược, ngưng nghỉ… trở thành một cặp song hành. Nguyễn Nhật Ánh đã di chuyển điểm nhìn không gian linh hoạt từ điểm nhìn bên ngoài vào điểm nhìn bên trong. Không gian hoài niệm về tuổi thơ của Đông nhớ về thời thơ ấu gắn bó với ngôi làng Đo Đo. Không gian hoài niệm về hồi lên tám tuổi của cu Mùi (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ) gắn với các trò chơi ở sân nhà, khu vườn. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là một câu chuyện đầy ắp những điều hồn nhiên ngây thơ của trẻ thơ nhưng lại được viết bằng giọng văn, được nhìn qua lăng kính của người lớn (cu Mùi khi đã trưởng thành), chính vì thế không gian hoài niệm cũng trở thành không gian xuất hiện nhiều trong thiên truyện này. Không gian hồi tưởng đối lập với không gian thực tại. Nếu không gian thực tại là không gian của người lớn, của những lo toan, suy nghĩ về cuộc sống và con người, là không gian mà con người phải bon chen, xô bồ thì không gian hồi tưởng về tuổi thơ lại hoàn toàn khác. Không gian hồi tưởng đó đơn giản là những sắc màu nhẹ nhàng, thuần túy, không chút pha tạp, ở đó chỉ có tiếng cười hồn nhiên ngây thơ của trẻ em. Đó là không gian mà người lớn nào cũng mong ước được trở về lần thứ hai trong đời. Không gian miền cổ tích Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ những hạt giống của niềm tin, ước mơ và hi vọng thông qua những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, khung cảnh thần tiên- nơi thiên nhiên và con người giao hòa với nhau trong mối thân tình. Trong không gian ấy, những điều khó tin như trong truyện cổ tích diễn ra trong sự ngỡ ngàng của nhân vật, đem lại cái kết bất ngờ và xúc động, giọng điệu trần thuật thấm đẫm chất trữ tình. Không gian khu rừng trong Ngồi khóc trên cây cảnh vật thiên nhiên, các con vật trong rừng hiện ra một cách sống động giống như cảnh thần tiên trong các câu chuyện cổ tích. Qua cách miêu tả không gian này, Nguyễn Nhật Ánh còn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Trong khi cô bé Rùa luôn tìm cách để bảo vệ các con vật trong khu rừng bằng cách phá bẫy của những người thợ săn, đổ nước vào ống thuốc súng của thợ săn, dẫn những con vật đáng yêu đến nơi trú ẩn an toàn thì những người thợ săn kia vẫn tiếp tục vào rừng săn thú. Tuy nhiên, sự thức tỉnh lương tri của con người đã được Nguyễn Nhật Ánh thể hiện trong đoạn cuối của truyện với một cái kết ý nghĩa và nhân văn. Không gian mơ ước Nguyễn Nhật Ánh đã đưa người đọc đến với không gian mơ ước, nơi những điều tốt đẹp nảy nở, nơi sự sống và niềm tin gieo mầm giữa cuộc sống vất vả, nghèo khó. Hình ảnh Thiều (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) khi chứng kiến sự hồi phục kì diệu của con Nhi bắt gặp hình ảnh những cánh hoa vàng li ti trên thảm cỏ xanh biếc dự báo mùa hè khắc nghiệt sắp qua. Ánh mắt ấm áp, nụ cười hạnh phúc của Tường, của Nhi đã khép lại câu chuyện thú vị của tuổi thơ. Cái kết hạnh phúc chính là cách Nguyễn Nhật Ánh thể hiện ước mơ về một tương lai cho những đứa trẻ trong thiên truyện của mình, hay cũng thể hiện niềm tin về cuộc sống hạnh phúc của con người. Không gian khu rừng xuất hiện cuối tác phẩm Ngồi khóc trên cây cũng chính là không gian ước mơ. Khu rừng đã cứu sống, Nguyễn Nhật Ánh vẫn vẽ ra một tia ánh sáng hi vọng để nhân vật của mình tìm được hạnh phúc. Nguyễn Nhật Ánh luôn thể hiện không gian ước mơ dưới nhiều hình thể khác nhau. Ước mơ của trẻ thơ được thể hiện qua trò chơi “đặt tên cho thế giới” như trong truyện Cho tôi một vé đi tuổi thơ. Nguyễn Nhật Ánh vẫn để cho nhân vật nhỏ tuổi của mình mơ ước dù ước mơ đó có xa vời. Hoặc Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh đem đến điều kì diệu về ước mơ tuổi thơ. Niềm tin vào sự kì diệu của giấc mơ cổ tích tuổi thơ đã khiến Tường hồi phục sau tai nạn do anh trai vô tình gây ra khiến cậu bị liệt hai chân. Tường là cậu bé luôn tin vào những câu chuyện cổ tích, tin sự tồn tại của công chúa. Như thế, lòng tin vào những câu chuyện cổ tích, niềm tin vào những điều tốt đẹp đã tạo nên điều kì diệu trong cuộc sống. Những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn mở ra những điều tốt đẹp, khuyến khích trẻ thơ ước mơ và khát khao cho tương lai tươi sáng hơn. Với những câu chuyện về bao điều tốt đẹp được kể một cách tự nhiên, nhà văn đã trở thành người nâng niu giữ gìn những ước mơ trong trẻo của tuổi thơ. Không gian nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh được thể hiện ở hai cấp độ: Không gian bối cảnh xã hội, thiên nhiên và không gian tâm tưởng. Những không gian này thường gắn liền với cuộc sống của trẻ em: Không gian làng quê yên bình, không gian học đường, không gian thiên nhiên rộng mở... Không gian ấy hiện lên vừa chân thực vừa thể hiện thái độ, quan niệm của nhà văn. Bên cạnh đó, không gian tâm tưởng giúp Nguyễn Nhật Ánh đi sâu phân tích tính cách nhân vậy, làm nổi bật nội tâm, những suy nghĩ, âu lo của nhân vật về con người và cuộc đời. Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 7
Một số kiểu không gian khác Không gian ngôi làng Đầu tiên phải kể đến đó là ngôi làng Đo Đo với quán nhỏ, triền đê, ngôi nhà bé lụp xụp, đằng sau bức tranh ấy có những cảnh đời vất vả lo toan gánh nặng cơm áo. Chính trong bối cảnh ấy, thế giới trẻ thơ được tái hiện sinh động với các trò chơi thú vị, những cuộc khám phá, chuyến phiêu lưu kì thú và cả những trải nghiệm sâu sắc để qua đó, các nhân vật đồng cảm, yêu thương chia sẻ với nhau, loại bỏ những ích kỉ cá nhân và thanh lọc tâm hồn hướng đến cách sống nhân văn hơn. Nguyễn Nhật Ánh thường xuyên nhắc đến ngôi làng Đo Đo trong những tác phẩm của mình. Mắt biếc, Hoa hồng xứ khác, Còn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Đi qua hoa cúc, Ngồi khóc trên cây…đều xây dựng trên khung cảnh làng Đo Đo yên bình mà thơ mộng. Hình ảnh làng quê có lẽ được xây dựng lên từ nỗi nhớ quê hương da diết của Nguyễn Nhật Ánh. Quê nhà đã xa luôn trở đi trở lại như nỗi niềm day dứt, trăn trở khôn nguôi. Nhà văn “thỏa nỗi nhớ quê của mình theo cách của những người hành nghề bằng con chữ. Những kỉ niệm, những vùng đất, những gương mặt bạn bè ấu thơ thi nhau hiện lên trong hết cuốn sách này đến cuốn sách khác” Cuộc sống tuổi thơ của Thiều, Tường gắn liền với khung cảnh làng quê trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với những câu văn đặc tả khung cảnh làng quê đã. Khung cảnh làng quê này khác với làng Đo Đo của Ngồi khóc trên cây, nhưng lại có những đặc điểm chung với mọi làng quê khác trên đất nước Việt Nam, đó là được bao trùm bởi màu xanh của cánh đồng, của cỏ, của cây cối, rực rỡ sắc màu và vô cùng yên bình. Bất cứ một nhà văn viết truyện thiếu nhi nào cũng biết rằng yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên là bản chất của tuổi thơ. Có thể nhận thấy điểm nhìn không gian trong nhiều truyện Nguyễn Nhật Ánh là điểm nhìn không gian mở. Nó không bị bó buộc trong không gian chật hẹp mà rộng mở thoáng đãng giao hòa với cây cỏ. Không gian ấy phù hợp với tâm lý hiếu động của trẻ nhỏ, hoạt động tinh nghịch và sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của các em. Từ đó tác giả khéo léo xây dựng những cuộc khám phá, phiêu lưu thú vị qua mỗi phần, mỗi chương. Không gian cánh đồng, đồi cỏ Cánh đồng, đồi cỏ là những không gian rộng nơi đó trẻ thơ có thể sống hết mình với các trò chơi khám phá, tung tăng bay nhảy, hòa mình vào thiên nhiên khoáng đạt, không còn lo âu về những phép tắc của người lớn. Trên những cánh đồng, đồi cỏ, nhân vật trong truyện còn phát hiện các bí mật thú vị, điều kì diệu của cuộc sống. Bãi cỏ um tùm nhà ông Cả Hớn đã trở thành địa điểm lý tưởng để hai anh em Tường và Thiều ra tay trừng trị thằng Sơn trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tuổi thơ của hai anh em Tường và Thiều gắn với những bãi cỏ xanh mướt và um tùm. Trẻ em thôn quê luôn tìm cách biến mọi địa điểm có thể thành sân chơi của mình, bãi cỏ đằng nhà ông Cả hớn, sân thóc rộng nhà chị Vinh, hay thậm chí là nghĩa địa cũng trở thành địa điểm vui chơi lý tưởng. Không gian khu rừng Nếu không gian đồi cỏ, cánh đồng: vui tươi, trẻ thơ thì không gian khu rừng là một thế giới vắng bóng người, với đầy sự biệt lập, tĩnh mịch. Không gian khu rừng trong Ngồi khóc trên cây không chỉ góp phần bộc lộ những nét tính cách mới lạ của cô bé Rùa mà còn mở ra trước mắt Đông một thế giới diệu kỳ. Bé Rùa bị những đứa trẻ cùng tuổi cô lập vì tính cách quái dị nhưng lại là một người bạn thân thiết của những con vật trong rừng. Nhìn ở góc độ nào đó, bé Rùa giống như một “phiên bản người” của khu rừng. Không gian dòng sông Nguyễn Nhật Ánh miêu tả dòng sông dưới con mắt trẻ thơ thật thú vị. Dòng sông Kiếp Bạc chính là một ví dụ điển hình “mùa hạ, sông Kiếp Bạc khô cạn. Lòng sông phơi những tảng đá đen, bây giờ đã mượt rêu xanh”. Dòng sông Kiếp Bạc xuất hiện ngay đầu truyện dài Ngồi khóc trên cây như biểu tượng đầu tiên về làng quê Đo Đo yêu dấu trong lòng Đông. Trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, không gian dòng suối gắn với một “tích dân gian” mà đứa trẻ nào cũng nghĩ đó là thật, cho chuồn chuồn cắn rốn thì sẽ biết bơi. Thiều và Tường rủ nhau ra dòng suối để kiểm chứng tính hiệu nghiệm của lời tương truyền này và cuối cùng công cuộc tập bơi của hai anh em kết thúc bằng một câu chuyện buồn cười nhưng cũng rất thú vị. Như vậy, không gian dòng sông, dòng suối đóng vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành của những đứa trẻ nơi thôn quê. Trên phông nền này, những đứa trẻ cảm nhận sự ấm áp, vỗ về của mẹ thiên nhiên và cũng có những trải nghiệm thú vị nhưng không kém phần sâu sắc. Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 6
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGUYỄN NHẬT ÁNH Không gian xã hội và thiên nhiên Không gian giản dị, quen thuộc Khu vườn, sân nhà là những không gian thân quen, gắn bó với trẻ thơ, đó là thế giới thu nhỏ để trẻ em thỏa sức với các trò chơi, cuộc khám phá đi tìm kho báu, cùng nhau ôn bài, chơi với các con vật (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Cô gái đến từ hôm qua)… Đây là kiểu không gian phổ biến trong truyện Nguyễn Nhật Ánh – nơi lưu giữ những dấu chân kí ức tuổi thơ tươi đẹp. Không gian sân nhà Trong thế giới nghệ thuật truyện Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn xây dựng lên những không gian sân nhà, khu vườn để các em thỏa sức chơi những trò chơi tuổi thơ. Tình bạn của hai đứa trẻ trong Cô gái đến từ hôm qua bắt đầu và cứ thế lớn dần lên cùng những trò chơi ấu thơ. Không gian sân nhà là nơi Tiểu Li và “tôi” làm quen và cũng chính là nơi tình bạn của hai đứa trẻ lớn dần lên qua năm tháng. Trong câu chuyện quá khứ của Tiểu Li và Thư thì không gian sân nhà xuất hiện đến 6 chương trong 10 chương truyện. Trong Ngồi khóc trên cây, tác giả cũng mang đến không gian căn nhà, vào buổi trưa hè, lúc đêm vắng và buổi trưa hè, nơi mà Đông đọc sách, ngồi lặng để ngắm khung cảnh thiên nhiên bên ngoài hay nhớ về mối tình đầu. Qua lăng kính đó Đông cảm nhận khung cảnh làng quê yên bình, nơi mà cậu không hề có được trong những tháng ngày sống trên thành phố. Không gian khu vườn Không gian khu vườn sau hè nhà Rùa là nơi chứng kiến toàn bộ mối tình của Đông và cô bé Rùa. Không gian khu vườn này được nhắc lại 6 lần trong toàn bộ thiên truyện Ngồi khóc trên cây Qua khung gian khu vườn, Nguyễn Nhật Ánh đều muốn đưa người đọc đến một thế giới với những không gian bay bổng và nên thơ, ở đó khu vườn thực tại đã biến thành một khu vườn trong mỗi tâm hồn còn người. Không gian trường học Không gian trường lớp được Nguyễn Nhật Ánh miêu tả hết sức sống động với các trò chơi nghịch ngợm, những tiết học, giờ ra chơi, các mối quan hệ bạn bè thân thiết…Tác giả đưa người đọc những chiếc vé trên hành trình trở về tuổi thơ một cách tự nhiên, chân thật. Cô gái đến từ hôm qua là câu chuyện diễn ra trên cái nền là không gian học đường. Đặc biệt, trường học trong văn Nguyễn Nhật Ánh là không gian gắn với những mối tình tuổi học trò. Nguyễn Nhật Ánh đã có những trang viết chân thực về mối tình của Việt An và Thư. Nếu như trong Cô gái đến từ hôm qua, không gian lớp học xuất hiện dày đặc và gần như trở thành phông nền cho mọi câu chuyện diễn ra trong tác phẩm, thì trong 12 chương của Cho tôi một vé đi tuổi thơ, không gian lớp học chỉ xuất hiện 2 lần. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ không thể tái dựng đầy đủ cuộc sống của đứa trẻ nơi thôn quê nếu thiếu đi không gian học đường. Không gian học đường góp phần thể hiện sự biến đổi trong tình cảm và nhận thức của Thiều. Bắt chước chú Đàn, Thiều tỏ tình với con Xin nhưng lá thư tình “nửa mùa” đó bị thầy Nhãn đọc được; rồi Thiều và bé Mận cứ ngày càng thân thiết sau mỗi giờ ra chơi. Ngày càng trưởng thành, không gian hoạt động của những đứa trẻ lại càng được mở rộng. Bên cạnh không gian làng quê bình yên thì không gian học đường chính là dạng “không gian mở rộng” mà bất kì đứa trẻ nào cũng sẽ được trải nghiệm. Trên không gian đó, những đứa trẻ không chỉ bị hấp dẫn bởi những điều mới mẻ, những bài học thú vị, những người bạn, những thầy cô giáo mà trong tâm hồn của những đứa trẻ còn xuất hiện những rung động đầu đời nhẹ nhàng, xao xuyến đến khó tả. Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 5
Thời gian quá khứ Thời gian quá khứ với những hồi tưởng Thời gian quá khứ là thời gian "đã xảy ra" khi so sánh với thực tại của nhân vật, và được thể hiện thông qua những kí ức hồi tưởng của nhân vật. Hồi tưởng quá khứ cũng là biểu hiện của cuộc sống nội tâm. Trong nhiều sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn có xu hướng hồi tưởng những kỉ niệm quá khứ thời niên thiếu, nổi bật trong số đó phải kể đến như Ngồi khóc trên cây, Cho em một vé đi tuổi thơ và Cô gái đến từ hôm qua. Người kể chuyện trong đó thường là nhân vật chính "tôi" kể lại thời còn niên thiếu của mình. Trong nhiều tác phẩm như: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc, Lá nằm trong lá…nhà văn lựa chọn người kể chuyện đồng thời là nhân vật, ngược thời gian kể lại câu chuyện tuổi thơ của chính mình. Thời gian hồi tưởng quá khứ không chỉ khiến nhân vật ngoảnh nhìn lại một lần nữa hồi ức tươi đẹp của mình mà còn giúp nhân vật bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình về những kỉ niệm ngày thơ ấu. Người kể chuyện thường bắt đầu kể với một giọng điệu của cổ tích, với sự xuất hiện của những dấu hiệu ngôn từ mang tính phiếm chỉ của thời gian: "hồi còn nhỏ, nhỏ xíu", "dạo ấy"… Bởi thế, những câu chuyện dù được kể dưới một người kể chuyện xưng tôi, hay kể bởi người kể chuyện ẩn tàng thì đều tựa như một câu chuyện cổ tích về tuổi thần tiên. Mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại Với cách kể chuyện theo dòng hồi ức, tác phẩm sẽ có sự chênh lệch giữa thời gian trần thuật và thời gian sự kiện, người kể chuyện cũng có thể dễ dàng sử dụng các phương thức tỉnh lược, ngưng nghỉ, căng kéo… theo cơ chế của tâm lí hồi tưởng. Nét độc đáo trong cách tổ chức thời gian nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh là kiểu thời gian song hành giữa quá khứ và hiện tại tạo nên một chuỗi đối sánh không rời. Ví dụ: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là hai mạch truyện song song, quá khứ thời tám tuổi của cu Mùi, Hải Cò, Tủn và Tí sún với bao trò chơi nhằm kiến tạo lại thế giới và hiện tại là nhà văn cu Mùi viết lại câu chuyện thời thơ ấu với khát vọng như một tấm vé trở về tuổi thơ. Thời gian của tương lai Thời gian tương lai là thời gian thể hiện qua dự kiến, ước mơ của nhân vật về điều “chưa xảy ra”. Vì thế thời gian thường gắn với những biến đổi tâm lý của nhân vật trong những tình huống và hoàn cảnh cụ thể. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh không xuất hiện nhiều thời điểm của tương lai nhưng gieo vào lòng độc giả niềm tin vào tương lai tươi sáng, tương lai của những điều tốt đẹp kì diệu qua dự cảm của nhân vật. Những từ ngữ ám chỉ tương lai xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh: Một ngày nào đó, mai mốt, ngày mai, tuần sau, hôm sau…thể hiện ước mơ của ông về một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em. Một khía cạnh ý nghĩa khác, đó là lời khẳng định những đứa trẻ giàu trí tưởng tượng, tốt bụng và luôn biết quan tâm đến mọi người và luôn tin tưởng vào một tương lai tương sáng với niềm hi vọng mãnh liệt. Như vậy, thời gian trong truyện Nguyễn Nhật Ánh có hai mặt cơ bản là quan niệcủa nhà văn về thời gian và việc nhà văn tổ chức thời gian trong tác phẩm. Thời gian trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh có thể nhận diện qua ba bình diện chính: thời gian hiện tại, thời gian quá khứ, thời gian tương lai. Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 4
THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGUYỄN NHẬT ÁNH Thời gian hiện tại Thời gian hiện tại là khung thời gian đang diễn ra các sự kiện hoặc những suy nghĩ, hành động của nhân vật. Đây là thời gian của sự sống nhân vật, được cảm nhận với hiện tại của phát ngôn, hiện tại của người đọc. Trong những sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, thời gian hiện tại được thể hiện thông qua nhân vật khi họ xuất hiện những suy nghĩ và hành động. Thời gian hiện tại với những trò chơi Thời gian hiện tại Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh giúp tác giả nói lên cuộc sống thơ ấu của Thiều. Đó là bức tranh chân thực về cuộc sống của những đưa trẻ. Thời gian hiện tại mở đầu tác phẩm bắt đầu từ thời điểm chú Đàn xem hoa tay cho Thiều, tiếp đó hàng loạt các nhân vật xuất hiện với những câu truyện riêng về họ: chị Vinh, thằng Tường, thầy Nhãn, thằng Sơn, con Mận, căn gác nhà con Mận; những vất vả lo toan của người mẹ trong cảnh nghèo; sự hiểu lầm của Thiều với Tường và Mận; chuyện Nhi nhà ông Tám Tàng bị điên…và kết thúc là phần 81. Và trong suốt 81 chương truyện, các trò chơi thú vị của tuổi thơ: bắt ve, chơi u, chơi thả đỉa ba ba, chơi ô ăn quan, chơi nhảy lò cò,….đều đi cùng với thời gian hiện tại. Thế giới tuổi thơ của những đứa trẻ được Nguyễn Nhật Ánh thể hiện đầy tinh tế qua cách tác giả đưa vào những trò chơi gắn liền với ký ức mỗi người vào trong tác phẩm. Là hồn cu Mùi, hay chính là tâm hồn của nhiều đứa trẻ khác và cũng chính là tâm hồn của chính bản thân độc giả khi còn là một đứa trẻ được giãi bày đầy thấm thíc qua “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Những trò chơi ấy cũng trở thành chiếc cầu nối tình bạn, là thứ có thể vun vén cho tình bạn giữa Thư và Tiểu Li trong “Cô gái đến từ hôm qua”. Tình bạn của hai đứa trẻ ấy được bắt đầu và vun đắp dần qua những trò chơi ấy. Thậm chí, sự hòa giải, hàn gắn được từ phía đôi bạn cũng bắt nguồn từ những trò chơi đầy đáng yêu. Truyện Nguyễn Nhật Ánh, những thời gian sự kiện, biến cố lớn lao xuất hiện ít mà chủ yếu là các câu chuyện vụn vặt xoay quanh thế giới tuổi thơ gắn với các trò chơi thú vị, những cảm nhận hồn nhiên của các em về cuộc sống, những rung cảm trong sáng chớm nở… Đặc biệt, thời gian của trẻ thơ được đo bằng một thước đo kì lạ mà chưa có nhà khoa học nào có thể chế tạo ra được. Tác giả không còn đo thời gian bằng ngày bằng tháng, bằng 4 mùa mà đo bằng những định lượng độc đáo mùa giấy kính”, “mùa nắp keng”, “mùa cọng dừa”, “mùa bao thuốc lá”, “mùa thả diều”, “mùa chong chóng”. Tất cả đều được kí hiệu hóa, mã hóa bằng những tên gọi đáng yêu qua lăng kính trẻ thơ. Thời gian hiện tại với những trải nghiệm Trong Cho tôi một vé đi tuổi thơ thời gian hiện tại được thể hiện qua suy nghĩ, hành động nhân vật cu Mùi khi đã trưởng thành. Nhân vật đã tự viết về chính bản thân mình lúc tám tuổi để trở lại chuyến tàu tuổi thơ. Thời gian hiện tại trong tác phẩm này còn thể hiện ở với những cuộc trò chuyện các nhận vật khác đã trưởng thành, khi họ đã có gia đình, có địa vị xã hội riêng và bất chợt nhận ra rằng “đã đánh rơi một kỉ niệm đẹp” sau khi đọc xong cuốn sách của nhân vật “tôi”. Thời gian hiện tại còn giúp tác giả tái hiện rõ nét hơn về cuộc sống và suy nghĩ của người lớn về tuổi thơ mỗi người. Thời gian hiện tại trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã giúp Thiều rút ra được bài học đầy ý nghĩa về tình yêu, tình bạn và tình anh em. Thời gian hiện tại đã giúp nhà văn thành công trong việc khắc hoạ nhiều nét tính cách của một đứa trẻ. Ở Thiều, chúng ta thấy không chỉ có nét tính cách ngây thơ, trong sáng mà còn có cả nét tinh quái, khôn ranh trong các trò chơi với em trai và cả nỗi ân hận, đau khổ, ăn năn khi lần đầu tiên mắc phải sai lầm lớn nhất trong cuộc đời. Suy nghĩ người lớn nhiều lần xuất hiện trong đầu Thiều, nhưng khi trải qua nhiều chuyện hơn, nhiều biến cố hơn thì Thiều mới chuyển hoá được suy nghĩ ấy thành hành động. Đó là những biến đổi tâm lý mà chỉ có những người thấu hiểu trẻ em mới có thể nhận ra được (hành động đánh Tường). Sự biến đổi tâm lý từ trẻ con sang suy nghĩ chững chạc và trưởng thành hơn của Thiều được bộc lộ rất rõ ràng trong các sự kiện xảy ra trong đời sống của đứa bé này. Thời gian hiện tại của nhân vật vừa góp phần khẳng định những nét tính cách khác nhau của Thiều, đồng thời khắc họa rõ nét hơn về tuổi thơ của nhân vật. Đặc biệt, thời gian trong truyện Nguyễn Nhật Ánh thường là thời gian tuyến tính. Kiểu thời gian này dễ hiểu, không phức tạp và đặc biệt hơn là nó rất thích hợp với tư duy của độc giả nhỏ tuổi, câu chuyện cứ trôi đi lặng lẽ, lúc nhanh, lúc chậm khiến người đọc hồi hộp theo dõi câu chuyện cho tới cuối tác phẩm. Nó cho phép tác giả kể tường tận, chi tiết và dễ hiểu về từng biến cố xung quanh cuộc đời của nhân vật. Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 3
Dịu dàng, ấm áp và nhẹ nhàng, là những cảm nhận chung khi nói về các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Không quá ồn ào, vội vã hay những tình tiết bất ngờ vẫn làm người đọc phải bồi hồi, đan xen vào trong những câu chuyện vui buồn, của tuổi mới lớn, mong manh và trong sáng như những hạt sương sa, những ký ức tuổi thơ, thời cắp sách tới trường, tình cảm gia đình, bạn bè, và cả những rung động đầu đời ngây ngô. Mỗi câu chuyện, dù được đặt trong bối cảnh nào, dù là những ngày đầu tựu trường, dù là một sớm mùa hè bất chợt, dù là khoảng sân, mảnh vườn, sân trường, lớp học, thì những khun g cảnh đó cũng chưa bao giờ ngừng làm nao lòng người đọc bởi những nét gợi nhớ, nét man mác buồn mà chúng đã ghi tạc lại. Trong phạm vi của nghiên cứu này, bài viết sẽ tìm hiểu về không gian và thời gian nghệ thuật trong những sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, từ đó lý giải về sức hút mãnh liệt của các tác phẩm đó. KHÁI NIỆM VỀ THỜI GIAN, KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT Khái niệm thời gian nghệ thuật “Thời gian nghệ thuật trong văn học không phải giản đơn chỉ là quan điểm của tác giả về thời gian mà là một hiện tượng thời gian sinh động, gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian được dùng làm hình thức nghệ thuật để phản ánh và tổ chức tác phẩm”- Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử quan niệm Thời gian nghệ thuật là phạm trù nghệ thuật, là một hình tượng nghệ thuật và là phương thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Đó là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ để thể hiện quan niệm về thế giới. Là thế giới mà người đọc có thể cảm nhận được, trải nghiệm được ở trong tác phẩm với độ dài ngắn khác nhau, tốc độ nhanh chậm khác nhau, với chiều dài hiện tại - quá khứ - tương lai khác nhau. Khái niệm không gian nghệ thuật “Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan điểm nhất định về cuộc sống, do đó không thể quy nó về không gian địa lý, hay không gian vật lý, vật chất” - Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử quan niệm Không gian nghệ thuật là mô hìn h không gian của thế giới nghệ thuật. Sự đối lập và liên hệ của các yếu tố thời gian (các miền, các chiều, các phương vị,…) tạo thành ngôn ngữ nghệ thuật để biểu hiện thế giới quan của tác phẩm Không gian nghệ thuật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc miêu tả cuộc sống, bộc lộ tư tưởng, tình cảm, tâm hồn con người của tác giả. Vai trò của không gian nghệ thuật vừa để xác định nơi chốn, địa điểm diễn ra các sự kiện, có thể liên kết đường dây cốt truyện, nó còn là một kí hiệu đặc biệt để diễn đạt những phạm trù ngoài thời gian, hoặc để thể hiện tâm trạng của nhân vật, đánh giá nhân vật đó về mặt đạo đức, thẩm mỹ. Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 2
Không gian căn phòng của từng gia đình nhỏ Căn nhà nhỏ của ông Bằng là nơi sinh hoạt của một đại gia đình lớn nói chung và ba gia đình nhỏ nói riêng. Với căn phòng của Lý và Đông, đó là một căn buồng “tuềnh toàng và thiếu ngăn nắp”, “buồng rộng, đồ đạc có vẻ nhiều nhưng tất cả đều gói kín trong các bao tải, túi nilong, hòm gỗ, hòm sắt giúi dưới gầm giường, gầm tủ và chất đống ở một góc nhà”. Đó là một căn buồng “không có sự kê dọn, bài trí”. Dường như căn buồng cũng nói lên phần nào được tính cách của chủ nhân nó. Lý, bên ngoài là một người ưa đẹp, ưa sạch sẽ và khéo léo, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn chị chất chứa nhiều nỗi niềm, nhiều suy nghĩ chưa đúng đắn nhưng lại không có người giúp chị sắp xếp lại, không có ai định hướng chị đến con đường đúng đắn. Mối quan hệ của Đông và Lý dường như cũng lộn xộn như căn buồng nhỏ nơi hai người sinh sống. Hay như căn buồng của gia đình Phượng và Luận, nơi mà với Phượng “tất cả những mệt nhọc, buồn phiền, kinh sợ đều dừng lại ở ngưỡng cửa căn buồng”. Căn buồng của gia đình Phượng Luận là một căn buồng nhỏ hẹp “ghép hai cái giường cá nhân thành một giường đôi, chỉ còn hở một lối vừa người đi. Khoảng trống phía trong là nơi làm việc bếp núc”, tất cả những gì cần có cho một gia đình đều hiện hữu trong không gian nhỏ hẹp ấy. Căn buồng là một vũ trụ thu nhỏ, nơi có “hai con người hiểu nhau, tôn trọng nhau, dắt dìu nhau”. Căn buồng của ông Bằng cũng cho thấy rõ những nét tính cách, những suy tư quan niệm của ông về cuộc sống. Căn phòng ấy “có máy đánh chữ, hộp bút, mấy cuốn sách đang đọc, kê sát cái tủ sách ăm ắp từ điển, sách tra cứu và các cặp hồ sơ lưu giữ…”, không hề có đồ vật hiện đại nào “phản ánh được bước phát triển tân kì” của kỹ thuật điện tử. Con người ông Bằng cũng như chính căn phòng ấy vậy, trầm tĩnh, cổ kính và luôn gìn giữ những nét đẹp xưa cũ. Qua việc miêu tả không gian riêng của từng gia đình nhỏ, nhà văn Ma Văn Kháng đã phần nào khắc hoạ được tính cách, tâm tư tình cảm cá nhân và số phận của mỗi người trong đại gia đình lớn. Từ đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về nhân vật và những thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Không chỉ có những căn phòng riêng được miêu tả rõ nét, không gian sinh hoạt chung cũng được tác giả hướng tới. Nhà ông Bằng có một khu vườn nhỏ, một nơi “biểu hiện sức sống cây xanh nhiệt đới và đậm đà phong cách tao nhã”. Khu vườn ấy trải qua bốn mùa xuân hạ thu đông với những sắc thái khác nhau. Dường như cây cối nơi đó cũng có cảm xúc, nó biết vui biết buồn theo tâm trạng của những người trong gia đình. Nó vui vẻ, râm ran khi mấy chị em dâu hoà thuận chăm sóc dàn mướp chị Hoài và Phượng gieo đêm ba mươi Tết. Nó quạnh quẽ thê lương sau cái chết của ông Bằng và sự bỏ đi của Lý. Mở đầu truyện là khoảng thời gian cây rụng lá, một sự khởi đầu có phần tàn phai héo úa, báo hiệu cho những biến cố của gia đình nhưng cho đến kết thúc truyện, khu vườn lại rụng lá, phải chăng đó là một dấu hiệu chuẩn bị cho mùa xuân mới, cây cối sẽ đâm chồi nảy lộc, và gia đình ông Bằng sẽ đón chào một năm mới tươi vui hạnh phúc hơn. Kết luận Tóm lại, không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” là không gian thế sự, không gian gắn với những con người cá nhân. Ở đó, con người bộc lộ rõ những suy tư, những tính cách, tâm tư tình cảm của mình. Ở đó, có những người luôn vững lòng bảo vệ các giá trị tư tưởng đạo đức tốt đẹp, cũng có những người đánh mất bản thân, chạy theo sự phù phiếm xa hoa của kim tiền, dục vọng. Thế nhưng cho đến cuối cùng ta vẫn nhận ra, gia đình và những giá trị đạo đức là bến đỗ cho mỗi con người, là nơi nuôi dưỡng con người, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 1
Không gian “tha hương” Không gian “tha hương” là không gian gắn liền với nhân vật Cừ - một con người được xem như cái mầm hư hỏng của gia đình ông Bằng – người đã từ bỏ tổ quốc, lên tàu trốn ra nước ngoài cùng một người phụ nữ. Đó là không gian được kể trong bức thư cuối cùng Cừ gửi về nhà, cũng là bức thư cuối trước khi anh từ bỏ cõi đời để trở về với những giá trị tinh thần mà anh đã trót từ bỏ. Không gian ấy gắn liền với sự “trốn chui trốn lủi”, đó là một chiếc tàu cũ “chạy được hơn một ngày đã hết dầu”, là nơi có những con người “chỉ biết phó mặc đời cho sóng bể”, “hơn hai chục con người, bới lục từng cọng rau tới thanh gỗ mục để nhét vào mồm cho dạ dày đỡ lép”. Là nơi người ta tìm thấy hi vọng được cứu nhưng cuối cùng lại thất vọng và nhục nhã ê chề khi nhìn thấy trên chiếc tàu tới “cứu” họ lại nhảy xuống “bảy thằng Thái Lan trần trùng trục, xăm đầy ngực hình đàn bà loã thể”. Cuối cùng Cừ cũng trải qua những ngày lênh đênh trên biển, anh tới được “xứ sở” mà anh định tới, nhưng đó cũng là lúc Cừ nhận ra, đó “không phải là nơi mình định tới”. Ở đất nước Canada xa xôi, Cừ sống trong “một trại tị nạn. Công việc là xúc tuyết và đổ xăng nhớt. Lương đủ sống”. Thế nhưng, lời nói của thằng lính nguỵ, việc Ngọc Liên – người phụ nữ cùng Cừ trốn ra nước ngoài – đi làm điếm, một chuyện “cay đắng với tâm lý người có lương tâm nhưng được nhiều người cho là bình thường ở đất nước này” và ngọn nến đêm 30 Tết đã gợi lại cho Cừ những giá trị đạo đức, những kỷ niệm xưa. Ở một xứ sở xa lạ, Tết không có hoa đào, pháo đỏ, bánh chưng xanh, Tết chỉ có duy nhất một ngọn nến và nỗi nhớ gia đình, Cừ đã nhận ra rằng “mỗi người chỉ có thể thuộc về một dân tộc nhất định, từ trong tâm hồn”, và rằng “cuộc sống là sự phát hiện liên tục. Hành trình của một đời người nếu làm sáng tỏ một chân lý nho nhỏ thôi thì cũng là có ích”. Đến cuối cùng, Cừ chọn cho mình thuốc ngủ liều mạnh, như một cách giải thoát bản thân khỏi những điều thất vọng, nhục nhã, một cách để sám hối cho những tội lỗi mình đã tạo ra và cũng là một cách để bảo toàn những giá trị đạo đức mà cha anh vẫn luôn muốn truyền đạt đến con cháu. Tóm lại, không gian xã hội trong truyện không được miêu tả quá nhiều nhưng chỉ qua một vài nét bút chấm phá, người đọc cũng có thể thấy được thực trạng xã hội đương thời với rất nhiều khó khăn khi đất nước bước vào thời kì đổi mới. Trước hoàn cảnh ấy, con người phải thay đổi, phải nỗ lực thích nghi và đồng thời cũng luôn phải tự nhắc nhở bản thân để không đánh mất các giá trị đạo đức đáng quý của dân tộc. Không gian gia đình Nếu không gian xã hội trong tác phẩm chỉ được hiện lên với những nét miêu tả chấm phá thì không gian gia đình được tác giả tập trung khắc hoạ với không gian truyền thống của những ngày Tết đến xuân về, không gian căn phòng của từng gia đình ứng với đặc điểm tính cách của từng nhân vật. Không gian gia đình ngày Tết Mở đầu tác phẩm, tác giả Ma Văn Kháng miêu tả căn nhà của ông Bằng là một căn nhà ở cuối phố, “một căn nhà gác nhỏ trong một khu vườn nhỏ, có cổng sắt. Một căn nhà không toàn vẹn, sau một trận hoả hoạn cáhc đây chục năm”. Đó là một căn nhà yên ắng gần như suốt ngày và quanh năm. Căn nhà đó, vào cữ đông rét mướt của chuỗi ngày cuối năm, cũng nhộn nhịp mỗi người một việc đón chờ năm mới đến. Từ chị Lý vừa đi sắm lỉnh kỉnh những đồ đạc nào gạo, nào mì, nào thịt, nào rau, … tất cả để chuẩn bị cho mâm cúng ngày cuối năm của gia đình. Đến cả ông Bằng, người cha già của gia đình cũng khệ nệ, ì ạch “bê một chậu cúc đại đoá từ ngoài sân vào” trang trí ở góc nhà mặc lời ngăn cản và muốn giúp đỡ của hai người con dâu. Trong không khí giáp Tết, ngôi nhà nhỏ của ông Bằng đã được trang hoàng với “mâm ngũ quả, một chai rượu chanh, lấp lánh mấy khung ảnh”. Không khí dường như ngày càng tất bật với sự náo động trong căn bếp nhỏ. Lần lượt các món xào, nấu, hầm, luộc, rán, quay,… “hiện ra trên hai cái mâm đồng đánh sáng choang” dưới sự chỉ huy đâu vào đấy của Lý. Đúng giờ, lễ cúng gia tiên diễn ra trong sự trang trọng, kính cẩn, với không gian thờ cúng linh thiêng: “Hương cháy, uốn cong một đoạn tàn, bốc toả một làn khói ảo mờ. Hai cái bánh chưng bọc lá xanh tươi, buộc lạt điều, xếp cạnh mâm ngũ quả và những chén rượu xinh xắn đặt rải hàng ngang trước bệ thờ. Ngọn đèn dầu lim dim in cái chấm vàng vào dãy khung ảnh đặt sát tường. Ảnh song thân ở chính giữa; bên trái, ảnh bà Bằng mặt hoa da phấn, tóc vấn khăn nhung, phía trái, ảnh anh cả Tường áo trấn thủ ô quả trám, mũ calo nghiêng, nét trắng đen đã phôi pha”. Qua ngòi bút của mình, Ma Văn Kháng đã thành công khắc hoạ không khí tươi vui của một gia đình khi Tết đến xuân về, và ông cũng đã thành công ghi lại phong tục truyền thống lâu đời rất đáng trân trọng của dân tộc. Nhưng đến kết thúc truyện, khi một lần nữa mùa lá rụng quay lại để chờ đợi Tết đến xuân về, không khí đón chào năm mới của gia đình nhỏ trầm hẳn đi sau những biến cố đã xảy ra. Dù “căn phòng vẫn được bày biện, trang trí y hệt năm ngoái. Hai góc phòng đặt hai chậu hoa cúc đại đoá” nhưng sau khi ông Bằng qua đời, Lý bỏ vào Sài Gòn, cái không khí của “buổi chiều ba mươi làm cơm cúng tất niên. Lý la hét, sai bảo Phượng và say mê chế tác các món ăn dành cho ba ngày tết và bữa ăn tối ba mươi sum họp cả gia đình lớn” giờ chỉ còn lại trong kí ức của Phượng. Chẳng ai có thể ngờ, chỉ trong thời gian một năm ngắn ngủi mà bao nhiêu biến cố hãi hùng đã xảy ra với gia đình nhỏ nơi đầu phố yên tĩnh này. Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 4
Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” Không gian xã hội Sau năm 1975, khi đất nước giành lại độc lập sau cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài, nền văn học Việt Nam cũng bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Văn chương không còn là những tác phẩm mang hơi hướng sử thi, xoay quanh cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc nữa, mà thay vào đó văn học bắt đầu tập trung chú ý vào cuộc sống thường nhật của con người. Không gian nghệ thuật của các tác phẩm cũng vì vậy mà thoát khỏi bom đạn chiến tranh, quay về cuộc sống bình yên, hối hả khi đất nước đang nỗ lực mỗi ngày một phát triển. Ma Văn Kháng sau một khoảng thời gian dài gắn bó với vùng đất biên ải xa xôi, nay ông quay trở về với cuộc sống đô thị đầy nhộn nhịp. Cuộc sống ấy đi vào trang văn của ông với không gian phố thị cùng đủ loại người, đủ loại cung bậc cảm xúc; với không gian công việc tại các xí nghiệp nghiêm túc, cần mẫn, giản dị nhưng cũng ẩn giấu đầy những mâu thuẫn, lo toan,… Không gian phố thị Với bối cảnh xã hội Hà Nội trong những ngày tháng chật vật, bí bức thời hậu chiến nghèo nàn và chế độ bao cấp nghiêm ngặt, “Mùa lá rụng trong vườn” viết về cuộc sống thành thị với lắm điều phức tạp rối ren. Thành phố Hà Nội đương thời được miêu tả qua những nét chấm phá, qua lời kể, tả của các nhân vật trong truyện. Đó là một Hà Nội đông đúc, chật hẹp, là một Hà Nội “lộn xộn” trong mắt ông Bằng với những đứa trẻ “hư”, những xe những người đi ẩu vào giờ cao điểm. Những hàng quán ăn uống xa xỉ, phung phí, nơi mà “gánh hàng xuềnh xoàng đặt trên vỉa hè. Cạnh cái cống nước chảy sùng sục”, quan khách toàn là “các ông, bà, các cô cậu béo tốt, phây phây, môi nhờ bóng, quen ăn ngon mặc đẹp” chẳng để ý đến cảnh quan ngoại cảnh, “bâu quanh gánh hàng, ngồi trên ghế dài, ghế ngắn, ngồi cả trên hòn gạch, bệt trên vỉa hè và cả dưới lòng đường”. Nơi đó bày bán những bát bún sang” giá bằng gần nửa tháng lương của Phượng, thứ mà “còn lâu, còn lâu nữa, những người lao động bình thường như Phượng mới biết được những món ăn dành cho kẻ lắm tiền nhiều của như cái món bún mọc, tức bún giò sống này”. Đó là một thành phố “đã dần hình thành một lớp tư sản mới, phá phách, khuynh đảo xã hội” theo lời của Luận, là một nơi “đường thì hẹp mà người, xe lại quá nhiều. Nhất là ở cái ngã tư Luận vừa phải dừng lại đây: người, xe cứ xô lấn chen đẩy nhau, lấn chiếm mặt đường, bất kể một quy tắc tối thiểu, mà chẳng ai chịu đứng ra chỉ huy, xếp sắp lại”. Không chỉ vậy, nơi ấy còn có những người “rõ ràng là có biển báo đường một chiều mà ba tên mặc áo phông vàng in hình tây đầm ôm nhau vẫn cứ nghễu nghện bá vai nhau đạp xe ngược chiều”… Không còn bom đạn chiến tranh, cuộc sống hối hả của những ngày đổi mới khiến cho người ta bị cuốn theo nó, thay đổi để phù hợp với nó. Nhưng rõ ràng, không phải sự thay đổi nào cũng là điều tốt, vì trong không gian phố thị, ta bắt gặp những con người đang dần đánh mất những nét đẹp truyền thống của dân tộc, đánh mất các giá trị đạo đức xưa cũ. Ví như đứa trẻ suýt va vào ông Bằng mà còn quay lại quát: “Bố già về mổ gà ăn mừng đi nhé”, hay người lái xe bò mà Phượng bắt gặp khi tan tầm đã nhẫn tâm đánh đập “phương tiện di chuyển” của mình mà không hề nhìn thấy sự khổ sở của nó. Ở không gian phố thị ấy, dòng người hối hả ngược xuôi để lại trong lòng người đọc rất nhiều suy ngẫm. Không gian công sở Không gian công sở hiện lên trong tác phẩm là không gian của “xí nghiệp in cỡ trung bình, nằm ở phía tây thành phố” nơi mà Phượng làm việc. Trong suy nghĩ của Phượng, đó là một nơi “cần mẫn, giản dị” nhưng cũng là “một thế giới của phụ nữ với bao chuyện hết sức pha tạp và vui vẻ”. Nơi ấy là nơi Phượng bị công việc thu hút, say mê mải miết với những nhiệm vụ được giao, là nơi đồng nghiệp vui vẻ ầm ĩ, khăng khăng đòi kéo Phượng tham dự vào “các trò chơi tuổi trẻ của các cô”. Đó cũng là nơi có những câu chuyện trời ơi đất hỡi, những chuyện có vẻ “ngồi lê đôi mách” được kể trong giờ hành chính, có những lời yêu cầu, những lúc căng thẳng với tính nết thất thường của bà trưởng phòng, những lúc các cô “tản ra để chia len đan thuê cho mậu dịch”… Không gian công sở còn là toà soạn báo, nơi Luận công tác. Toà soạn Luận làm việc không được miêu tả nhiều, nhưng ở đó, ta có thể thấy hình ảnh người “nhân viên thường trực đeo kính lão số 4” đang đều đặn “đánh máy thuê trong giờ hành chính và đánh bằng máy cơ quan”. Không chỉ vậy, toà soạn ấy còn là nơi diễn ra cuộc chuyện trò đầy tính triết lý giữa Luận và ông Tổng biên tập, khiến cho Luận nhận ra nhiều điều về những biến cố, những mặt khác nhau của vấn đề đang diễn ra quanh mình. Rõ ràng, qua việc miêu tả không gian công sở đương thời, ta có thể thấy được đời sống sau chiến tranh ở đất nước ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, đồng lương ít ỏi của công nhân viên chẳng thể đáp ứng được cho cuộc sống của họ. Không gian của công việc vẫn chưa thật sự nghiêm túc và hiệu quả vì họ còn phải tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ những công việc khác như đan len, đánh chữ thuê,… để lo cho gia đình mình. Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 3