Không gian căn phòng của từng gia đình nhỏ
Căn nhà nhỏ của ông Bằng là nơi sinh hoạt của một đại gia đình lớn nói chung và ba gia đình nhỏ nói riêng.
Với căn phòng của Lý và Đông, đó là một căn buồng “tuềnh toàng và thiếu ngăn nắp”, “buồng rộng, đồ đạc có vẻ nhiều nhưng tất cả đều gói kín trong các bao tải, túi nilong, hòm gỗ, hòm sắt giúi dưới gầm giường, gầm tủ và chất đống ở một góc nhà”. Đó là một căn buồng “không có sự kê dọn, bài trí”. Dường như căn buồng cũng nói lên phần nào được tính cách của chủ nhân nó. Lý, bên ngoài là một người ưa đẹp, ưa sạch sẽ và khéo léo, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn chị chất chứa nhiều nỗi niềm, nhiều suy nghĩ chưa đúng đắn nhưng lại không có người giúp chị sắp xếp lại, không có ai định hướng chị đến con đường đúng đắn. Mối quan hệ của Đông và Lý dường như cũng lộn xộn như căn buồng nhỏ nơi hai người sinh sống.
Hay như căn buồng của gia đình Phượng và Luận, nơi mà với Phượng “tất cả những mệt nhọc, buồn phiền, kinh sợ đều dừng lại ở ngưỡng cửa căn buồng”. Căn buồng của gia đình Phượng Luận là một căn buồng nhỏ hẹp “ghép hai cái giường cá nhân thành một giường đôi, chỉ còn hở một lối vừa người đi. Khoảng trống phía trong là nơi làm việc bếp núc”, tất cả những gì cần có cho một gia đình đều hiện hữu trong không gian nhỏ hẹp ấy. Căn buồng là một vũ trụ thu nhỏ, nơi có “hai con người hiểu nhau, tôn trọng nhau, dắt dìu nhau”.
Căn buồng của ông Bằng cũng cho thấy rõ những nét tính cách, những suy tư quan niệm của ông về cuộc sống. Căn phòng ấy “có máy đánh chữ, hộp bút, mấy cuốn sách đang đọc, kê sát cái tủ sách ăm ắp từ điển, sách tra cứu và các cặp hồ sơ lưu giữ…”, không hề có đồ vật hiện đại nào “phản ánh được bước phát triển tân kì” của kỹ thuật điện tử. Con người ông Bằng cũng như chính căn phòng ấy vậy, trầm tĩnh, cổ kính và luôn gìn giữ những nét đẹp xưa cũ.
Qua việc miêu tả không gian riêng của từng gia đình nhỏ, nhà văn Ma Văn Kháng đã phần nào khắc hoạ được tính cách, tâm tư tình cảm cá nhân và số phận của mỗi người trong đại gia đình lớn. Từ đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về nhân vật và những thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.
Không chỉ có những căn phòng riêng được miêu tả rõ nét, không gian sinh hoạt chung cũng được tác giả hướng tới. Nhà ông Bằng có một khu vườn nhỏ, một nơi “biểu hiện sức sống cây xanh nhiệt đới và đậm đà phong cách tao nhã”. Khu vườn ấy trải qua bốn mùa xuân hạ thu đông với những sắc thái khác nhau. Dường như cây cối nơi đó cũng có cảm xúc, nó biết vui biết buồn theo tâm trạng của những người trong gia đình. Nó vui vẻ, râm ran khi mấy chị em dâu hoà thuận chăm sóc dàn mướp chị Hoài và Phượng gieo đêm ba mươi Tết. Nó quạnh quẽ thê lương sau cái chết của ông Bằng và sự bỏ đi của Lý. Mở đầu truyện là khoảng thời gian cây rụng lá, một sự khởi đầu có phần tàn phai héo úa, báo hiệu cho những biến cố của gia đình nhưng cho đến kết thúc truyện, khu vườn lại rụng lá, phải chăng đó là một dấu hiệu chuẩn bị cho mùa xuân mới, cây cối sẽ đâm chồi nảy lộc, và gia đình ông Bằng sẽ đón chào một năm mới tươi vui hạnh phúc hơn.
Kết luận
Tóm lại, không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” là không gian thế sự, không gian gắn với những con người cá nhân. Ở đó, con người bộc lộ rõ những suy tư, những tính cách, tâm tư tình cảm của mình. Ở đó, có những người luôn vững lòng bảo vệ các giá trị tư tưởng đạo đức tốt đẹp, cũng có những người đánh mất bản thân, chạy theo sự phù phiếm xa hoa của kim tiền, dục vọng. Thế nhưng cho đến cuối cùng ta vẫn nhận ra, gia đình và những giá trị đạo đức là bến đỗ cho mỗi con người, là nơi nuôi dưỡng con người, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 1