Kết quả
Quan niệm nghệ thuật về con người
Nguyễn Quang Thiều là nhà văn nổi bật trong văn học đương đại. Thơ của Nguyễn Quang Thiều ngay từ khi ra mắt trên thi đàn đã đã gây nhiều tranh cãi và cho đến tận thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều sự nhìn nhận khác nhau. Đó là sự thường khi văn học bắt đầu chuyển mình thay đổi diện mạo mới. Thơ Nguyễn Quang Thiều chứa một quan điểm thẩm mỹ nhất quán “bất an mà không tuyệt vọng, bóng tối không thể chế ngự ánh sáng”. Nguyễn Quang Thiều hằng tin, thơ là một giá trị tinh thần có khả năng chữa lành và đánh thức lương tâm của con người. Đây là lõi cốt cổ điển trong quan niệm nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều ẩn sau những ngôn từ thơ ca.
Thơ của Nguyễn Quang Thiều lôi cuốn người đọc ở sự giàu chất triết lý. Nhưng điều đặc biệt, triết lý ở đây được hình thành trong quá trình nhận thức sau khi cảm thụ tác phẩm. Nguyễn Quang Thiều để người đọc tiếp xúc một bi kịch, chứng kiến cảnh đau thương, trải nghiệm nỗi buồn hiu hắt từ ấy sẽ tự hiểu được triết lý mà nhà thơ gửi gắm. Con người nhiều khi không nhận ra, họ là nạn nhân của chính bản thân mình. Họ chiến thắng hoàn cảnh hoặc chấp nhận cam chịu và chạy trốn trước hoàn cảnh: “Chạy trốn điện thoại, xa-lông mút - Chạy trốn lễ sinh nhật - Chạy trốn tiếng gõ cửa - Chạy trốn chìa khóa - Chạy chốn bát đĩa và sách dạy nấu ăn - Chạy trốn những tã lót, quần áo cũ phơi rợp trên những nóc nhà thành phố”.
Hay sự đổi thay trong quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả trong các bài như Bầy kiến qua bàn tiệc, Bầy chó của tôi, Hai con hải cẩu cũng vậy. Nguyễn Quang Thiều muốn độc giả vượt hẳn lên cảm xúc đơn thuần để đạt đến cung bậc của chiêm nghiệm, triết luận về cuộc đời, con người, xã hội… Cảm xúc của Nguyễn Quang Thiều trong những hình ảnh quen thuộc: làng quê, con người, sự vật hiện tượng… ở tập Sự mất ngủ của lửa cung bậc suy cảm được nâng lên một bậc, sâu sắc hơn, lý luận chiêm nghiệm hơn, trắc ẩn hơn. Còn khi qua đến tập Những người đàn bà gánh nước sông và những tập sau này, thì mạch cảm xúc suy nghĩ của Nguyễn Quang Thiều như chảy tràn, kèm với triết luận về cuộc đời, con người ở đây đã chuyển sang hướng đi tìm sự giải thoát. Đó chính là khát vọng tự do mà lúc nào tác giả cũng có cảm giác như một cái “ngưỡng”, “cái bậc cửa” mà chỉ cần con người vượt qua đó thì sẽ thấy ánh sáng.
Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Quang Thiều chất chứa những suy tư, trăn trở, nhưng không phải để thụ động, để bất lực mà là để khái quát thành những triết lý về cuộc sống và con người. Nguyễn Quang Thiều luôn hướng về cội nguồn của quê hương và dân tộc. Ông trở thành kẻ sầu xa xứ, lưu lạc, nhưng lại được giàu có trong ý nghĩa nhân văn của nhận thức và tư tưởng.
Đọc tiếp: Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 3