Thời gian nghệ thuật
Thời gian quá khứ
Nguyễn Quang Thiều đã sáng tạo thời gian nghệ thuật theo cách riêng của mình. Nhiều bài thơ, Nguyễn Quang Thiều lấy chính thời gian làm cảm hứng, làm tựa đề cho bài thơ (Bàn tay thời gian, Quyền phép của thời gian, Thời gian). Hoặc có lúc ông cắt đoạn thời gian quay về với tuổi hai mươi, tuổi ba mươi, lúc lại gợi nhớ bằng khoảng thời gian xa xăm, thời gian được cắt quãng khá xa của năm như triệu triệu năm, vọng từ xa xăm, thầm thì từ xa xăm, một phía thời gian, từng ấy năm (Nghe tiếng con chim cuốc, Tiếng cười, Những ngôi sao, Khúc VI, VII, X, - Mười một khúc cảm, Bài hát về cố hương).
Với cách sử dụng thời gian một cách ước giản, cắt xén và dồn nén, quay về quá khứ đến độ gấp khúc, tác giả tạo được âm trầm buồn, xa vắng và cô đơn trong thơ: Trời ơi từng ấy năm/... Từng ấy năm và từng ấy năm/ Ta nằm trong đêm co quắp/ Ta là chiếc lưỡi câu bị bỏ quên đau khổ/ Chỉ đợi run lên trước đôi môi em (Mười một khúc cảm) Cái tôi buồn bị bỏ quên trong từng ấy năm, như một lời thống thiết, trong thời gian quá khứ xa xăm ấy, nhà thơ tự cảm, tự nghiệm về mình, về cuộc đời, về những phận người mà ông đã thấy: Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươ i năm và nửa đời tôi thấy/ Sau những người đàn bà gánh nước sông là lũ trẻ cởi truồng / Chạy theo mẹ và lớn lên/ Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến/ Con trai lại vác cần câu và cơn biển ra khỏi nhà lặng lẽ. (Những người đàn bà gánh nước sông). Thời gian nghệ thuật được nhà thơ nén chặt, nhắc cách quãng “năm năm, mười lăn năm” lướt qua đời người nhẹ tênh vờ như không cảm nhận được họ đã làm gì, nghĩ gì, chỉ thoáng chốc một đời người đã trôi, thế hệ khác đã lớn. Vòng xoay của đời người cũng là vòng xoay của quy luật thời gian, trong đó, con người có thể là những ánh sao xanh, hay là những phận người lam lũ cơ cực nơi trần thế, mà Nguyễn Quang Thiều trăn trở.
Thời gian thiên nhiên
Để đo tính thời gian quay về trong kí ức, mùa (mùa hạ, mùa xuân, mùa đông, mùa thu), tháng (mười hai tháng trong Hồi tưởng) cũng là một cách thức thể hiện thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Quang Thiều (Bây giờ đang cuối mùa đông, Tháng Mười, Thời gian, Bức thư, Hồi tưởng).
Xa hơn nữa một mùa thu thắm đỏ/ Con rắn nâu bò qua vườn trên lớp lá vàng cong/ Xa hơn nữa… tôi khóc cùng mùa hạ/ Khi thấy có một tôi đâu đó quanh vườn (Thời gian).
Mùa hạ với đầy ánh sáng và hoa trên cánh đồng, thời gian như làm phép để giấu những trái tim biết yêu: Và mùa hạ đổ về cơn lũ khổng lồ ánh sáng/ Những chiếc tổ tung lên trời ngàn vạn cánh chim/ Một bàn tay vô hình xoay khẽ thời gian làm hai người biến mất/ Trên cánh đồng lấp lánh nước và hoa (Bàn tay của thời gian). Ngược dòng quá khứ, về với tiềm thức, nhà thơ như muốn đi xa hơn nữa để giữ lại tất cả, trong bước vận hành của thời gian. Nơi có một mùa thu thắm đỏ, một mùa hạ đổ về, một con rắn nâu buồn và một tôi khóc cùng mùa hạ. Thời gian lúc này êm như một tấm màn nhung, đầy huyền thoại, nhẹ nhàng xoay, và tách vỏ, để lộ những mẩu kí ức đã chìm đắm từ thuở nhỏ, những mẩu tình vụng trên cánh đồng hoa.
Nguyễn Quang Thiều có thời gian đêm và ánh sáng. Thời gian của mười hai “Hồi tưởng”. Mỗi tháng trong năm là mỗi thời gian tác giả hồi tưởng về con người, sự vật, sự kiện, ẩn ức. Tháng giêng nhớ về người đàn bà già hàng xóm góa chồng với con đường hoa tầm xuân trở về từ nghĩa địa: Trong chiếu chăn ẩm ướt/ Mơ con đường tràn hoa tầm xuân/ Chạy qua nghĩa đại/… Nhưng mùa xuân vẫn còn dấu giấu mặt/ Chỉ thả ra một cánh bướm thăm dò/… Người hàng xóm góa chồng/ Trở về từ nghĩa địa/ Cắm đầy hoa tầm xuân trong phòng ngủ nhà mình (Hồi tưởng) Tháng hai, là tháng nhớ về người bà, với khoảng không gian sực nức mùi thuốc bắc, những ngón tay xanh tái của bà lần ở mép giường. Tháng ba là tháng nhớ về mẹ, người mẹ đau viêm đại tràng mãn tính. Tháng tư, tháng năm, tháng sáu, tháng bảy là thời gian nhớ về cánh đồng với những vạt hoa loa kèn nở trong đêm, những lùm cây rũ rượi trong đêm, những giấc mơ đêm của những gã thợ xẻ. Tháng tám nhớ về hương thơm quả thị, cây thị vàng rũ rượi và giấc mơ trẻ thơ. Tháng chín, tháng mười, mười một, mười hai, là tháng nhớ về những gì đã qua (người mù, con người lạ quen), chiêm nghiệm về cuộc đời, con người: Đêm tháng Mười đi từ phía cánh đồng và biến mất trong những giấc ngủ người lớn tưởng không bao giờ tỉnh dậy (Hồi tưởng tháng Mười). Chưa hết, qua thời gian Hồi tưởng, tác giả bày biện thời gian trong Mười một khúc cảm, cũng là cách Nguyễn Quang Thiều dồn nén thời gian trong tâm tưởng ký ức thẳm sâu: Ta gặp mẹ ta năm người mười bảy/ Những răng lược gỗ mòn cắn ngập mái tóc người/ Ta gặp cha ta năm người hai mươi tuổi/ Dưới những nhát búa cùn/ Từng khúc xoan tươi toác ra tiếng cười của lửa(Khúc VI)
Đọc tiếp: Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 5