Không gian tâm tưởng
Không gian kí ức hoài niệm
Không gian hòa niệm được tạo nên từ kí ức nhân vật và sự linh hoạt trong sử dụng thời gian, đặc biệt là cái nhìn hồi cố thời gian với các thủ pháp tỉnh lược, ngưng nghỉ… trở thành một cặp song hành. Nguyễn Nhật Ánh đã di chuyển điểm nhìn không gian linh hoạt từ điểm nhìn bên ngoài vào điểm nhìn bên trong.
Không gian hoài niệm về tuổi thơ của Đông nhớ về thời thơ ấu gắn bó với ngôi làng Đo Đo. Không gian hoài niệm về hồi lên tám tuổi của cu Mùi (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ) gắn với các trò chơi ở sân nhà, khu vườn. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là một câu chuyện đầy ắp những điều hồn nhiên ngây thơ của trẻ thơ nhưng lại được viết bằng giọng văn, được nhìn qua lăng kính của người lớn (cu Mùi khi đã trưởng thành), chính vì thế không gian hoài niệm cũng trở thành không gian xuất hiện nhiều trong thiên truyện này.
Không gian hồi tưởng đối lập với không gian thực tại. Nếu không gian thực tại là không gian của người lớn, của những lo toan, suy nghĩ về cuộc sống và con người, là không gian mà con người phải bon chen, xô bồ thì không gian hồi tưởng về tuổi thơ lại hoàn toàn khác. Không gian hồi tưởng đó đơn giản là những sắc màu nhẹ nhàng, thuần túy, không chút pha tạp, ở đó chỉ có tiếng cười hồn nhiên ngây thơ của trẻ em. Đó là không gian mà người lớn nào cũng mong ước được trở về lần thứ hai trong đời.
Không gian miền cổ tích
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ những hạt giống của niềm tin, ước mơ và hi vọng thông qua những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, khung cảnh thần tiên- nơi thiên nhiên và con người giao hòa với nhau trong mối thân tình. Trong không gian ấy, những điều khó tin như trong truyện cổ tích diễn ra trong sự ngỡ ngàng của nhân vật, đem lại cái kết bất ngờ và xúc động, giọng điệu trần thuật thấm đẫm chất trữ tình.
Không gian khu rừng trong Ngồi khóc trên cây cảnh vật thiên nhiên, các con vật trong rừng hiện ra một cách sống động giống như cảnh thần tiên trong các câu chuyện cổ tích. Qua cách miêu tả không gian này, Nguyễn Nhật Ánh còn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Trong khi cô bé Rùa luôn tìm cách để bảo vệ các con vật trong khu rừng bằng cách phá bẫy của những người thợ săn, đổ nước vào ống thuốc súng của thợ săn, dẫn những con vật đáng yêu đến nơi trú ẩn an toàn thì những người thợ săn kia vẫn tiếp tục vào rừng săn thú. Tuy nhiên, sự thức tỉnh lương tri của con người đã được Nguyễn Nhật Ánh thể hiện trong đoạn cuối của truyện với một cái kết ý nghĩa và nhân văn.
Không gian mơ ước
Nguyễn Nhật Ánh đã đưa người đọc đến với không gian mơ ước, nơi những điều tốt đẹp nảy nở, nơi sự sống và niềm tin gieo mầm giữa cuộc sống vất vả, nghèo khó.
Hình ảnh Thiều (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) khi chứng kiến sự hồi phục kì diệu của con Nhi bắt gặp hình ảnh những cánh hoa vàng li ti trên thảm cỏ xanh biếc dự báo mùa hè khắc nghiệt sắp qua. Ánh mắt ấm áp, nụ cười hạnh phúc của Tường, của Nhi đã khép lại câu chuyện thú vị của tuổi thơ. Cái kết hạnh phúc chính là cách Nguyễn Nhật Ánh thể hiện ước mơ về một tương lai cho những đứa trẻ trong thiên truyện của mình, hay cũng thể hiện niềm tin về cuộc sống hạnh phúc của con người.
Không gian khu rừng xuất hiện cuối tác phẩm Ngồi khóc trên cây cũng chính là không gian ước mơ. Khu rừng đã cứu sống, Nguyễn Nhật Ánh vẫn vẽ ra một tia ánh sáng hi vọng để nhân vật của mình tìm được hạnh phúc.
Nguyễn Nhật Ánh luôn thể hiện không gian ước mơ dưới nhiều hình thể khác nhau. Ước mơ của trẻ thơ được thể hiện qua trò chơi “đặt tên cho thế giới” như trong truyện Cho tôi một vé đi tuổi thơ. Nguyễn Nhật Ánh vẫn để cho nhân vật nhỏ tuổi của mình mơ ước dù ước mơ đó có xa vời. Hoặc Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh đem đến điều kì diệu về ước mơ tuổi thơ. Niềm tin vào sự kì diệu của giấc mơ cổ tích tuổi thơ đã khiến Tường hồi phục sau tai nạn do anh trai vô tình gây ra khiến cậu bị liệt hai chân. Tường là cậu bé luôn tin vào những câu chuyện cổ tích, tin sự tồn tại của công chúa. Như thế, lòng tin vào những câu chuyện cổ tích, niềm tin vào những điều tốt đẹp đã tạo nên điều kì diệu trong cuộc sống.
Những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn mở ra những điều tốt đẹp, khuyến khích trẻ thơ ước mơ và khát khao cho tương lai tươi sáng hơn. Với những câu chuyện về bao điều tốt đẹp được kể một cách tự nhiên, nhà văn đã trở thành người nâng niu giữ
gìn những ước mơ trong trẻo của tuổi thơ.
Không gian nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh được thể hiện ở hai cấp độ: Không gian bối cảnh xã hội, thiên nhiên và không gian tâm tưởng. Những không gian này thường gắn liền với cuộc sống của trẻ em: Không gian làng quê yên bình, không gian học đường, không gian thiên nhiên rộng mở... Không gian ấy hiện lên vừa chân thực vừa thể hiện thái độ, quan niệm của nhà văn. Bên cạnh đó, không gian tâm tưởng giúp Nguyễn Nhật Ánh đi sâu phân tích tính cách nhân vậy, làm nổi bật nội tâm, những suy nghĩ, âu lo của nhân vật về con người và cuộc đời.
Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 7