Mối quan hệ giữa thời gian và không gian nghệ thuật
Thời gian và không gian nghệ thuật có tương quan chặt chẽ trong tính chỉnh thể của hình tượng nghệ thuật. Khi nhà văn lựa chọn một kiểu thời gian nghệ thuật cũng có nghĩa xây dựng kiểu không gian tương ứng. Cụ thể, trong truyện Nguyễn Nhật Ánh:
Thời gian quá khứ gắn liền với không gian hoài niệm:
Khi một phần kí ức của nhân vật được dùng trong tạo dựng tác phẩm, việc kể câu chuyện chính là làm sống lại những gì đã thuộc về quá khứ với hành trình thời gian trở ngược. Ví dụ: trong Cô gái đến từ hôm qua, sử dụng cụm từ “hồi nhỏ” để trở về với tuổi thơ của cậu bé năm tuổi.
Công thức “hồi + x” trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, “hồi tôi tám tuổi”, “hồi tám tuổi” mở ra cả một khoảng không gian rộng lớn, ngập tràn kí ức những trò chơi thú vị thời thơ ấu.
Thời gian hiện tại gắn liền với không gian thiên nhiên và bối cảnh xã hội: Không gian thiên nhiên trong hiện tại có những nét mới mà thiên nhiên trong quá khứ không có, đó là những trải nghiệm về mối tình đầu, những bài học về tình anh em, về các mối quan hệ giữa người với người.
Không gian trong truyện Nguyễn Nhật Ánh luôn có sự thay đổi, luân phiên: chuyển không gian từ không gian hẹp, thân quen (khu vườn, sân nhà) đến không gian mở, khơi gợi sự khám phá (cánh đồng, khu rừng); đối lập không gian làng quê - thành thị.
Ví dụ: nhân vật Đông trong Ngồi khóc trên cây tìm về ngôi làng Đo Đo thời thơ ấu để tìm bình yên trốn tránh sự ồn ào, náo nhiệt nơi thành phố. Cô gái đến từ hôm qua đi từ không gian sân nhà sang không gian trường học. Ngồi khóc trên cây từ không gian khu vườn, sân nhà sang không gian khu rừng. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh từ không gian sân chơi nhà chị Vinh, không gian nghĩa địa, không gian nhà con Xin sang không gian đồi Cỏ Úa.
Sự thay đổi điểm nhìn không chỉ mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho nhân vật mà còn thể hiện sự trưởng thành trong tư duy, nhận thức của từng nhân vật. Nguyễn Nhật Ánh không giam hãm những đứa trẻ của mình trong “vòng giới hạn” mà để chúng tự do khám phá những khu vực cấm địa. Sự luân chuyển không gian được Nguyễn Nhật Ánh sử dụng như một đôi cánh, giúp nhân vật trải nghiệm, khám phá, mở rộng tầm mắt của nhân vật.
Thời gian thường đan xen giữa quá khứ và hiện tại, ban ngày đối lập với ban đêm.
Sự trái ngược của không gian nghĩa địa trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (địa điểm vui chơi lí tưởng >< “buổi tối ngồi trong nhà nhìn ra những đốm nhang lập lòe mẹ tôi vẫn thắp hằng đêm trước mộ, anh em tôi đứa nào cũng thấy rờn rợn”).
KẾT LUẬN
Về thời gian nghệ thuật, Nguyễn Nhật Ánh xây dựng rất đơn giản, từ hiện tại, từ quá khứ đến hiện tại và hướng tới tương lai. Khác với các nhà văn hiện đại khác lựa chọn kỹ thuật như xáo trộn thời gian, dòng kí ức. Nhà văn tổ chức thời gian ở ba chiều: hiện tại
gắn với các trò chơi, trải nghiệm thú vị của tuổi thơ, quá khứ với những dòng hồi tưởng miên man, tương lai của mơ ước và niềm tin.
Về không gian nghệ thuật, nhà văn xây dựng kiểu không gian bối cảnh xã hội và làng quê yên bình, không gian tâm tưởng và không gian cổ tích. Không gian làng quê, thiên nhiên hay học đường đều được nhà văn miêu tả bằng những nét giản dị, tinh tế. Đi liền với không gian là những cảm xúc của con người, đặc biệt là những đứa trẻ. Bên cạnh đó, không gian tâm tưởng chia thành không gian hoài niệm trong cái nhìn hồi cố về thời gian, không gian miền cổ tích và không gian mơ ước.
Về mối quan hệ không – thời gian, truyện Nguyễn Nhật Ánh không gian - thời gian là những tín hiệu nghệ thuật hoà quyện làm một chỉnh thể cụ thể cảm tính và mang tính tổ chức cao và Nguyễn Nhật Ánh luôn không ngừng tìm kiếm những hình thức cấu trúc phù hợp nhất với sáng tác của mình thể hiện qua việc sử dụng những kiểu thời gian và không gian nghệ thuật khác nhau.
Nhà văn đã tận dụng những chất liệu về không gian và thời gian nghệ thuật để không chỉ đưa người lớn trở về với tuổi thơ mà còn đưa trẻ em sống lại những năm tháng vô tư đầy kỷ niệm. Bằng khả năng quan sát tinh tế và vốn tiếng Việt phong phú, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên những dòng văn sinh động, nhẹ nhàng và giàu sức gợi. Mỗi em nhỏ khi bước vào trang văn của ông là chúng được ca hát, nhảy múa vui đùa, được vẽ nên những gam màu của tự nhiên mà chúng yêu thích, được thả hồn vào những hình ảnh giàu chất thơ. Mỗi câu chuyện đều truyền tải đến các em một bài học, ý nghĩa nhất định. Đó là tất cả những gì Nguyễn Nhật Ánh đã trao tặng cho lớp lớp thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Đó là tài sản của một tình yêu lớn, một trái tim lớn và một trí tuệ tuyệt vời.
Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 1