Một số kiểu không gian khác
Không gian ngôi làng
Đầu tiên phải kể đến đó là ngôi làng Đo Đo với quán nhỏ, triền đê, ngôi nhà bé lụp xụp, đằng sau bức tranh ấy có những cảnh đời vất vả lo toan gánh nặng cơm áo. Chính trong bối cảnh ấy, thế giới trẻ thơ được tái hiện sinh động với các trò chơi thú vị, những cuộc khám phá, chuyến phiêu lưu kì thú và cả những trải nghiệm sâu sắc để qua đó, các nhân vật đồng cảm, yêu thương chia sẻ với nhau, loại bỏ những ích kỉ cá nhân và thanh lọc tâm hồn hướng đến cách sống nhân văn hơn.
Nguyễn Nhật Ánh thường xuyên nhắc đến ngôi làng Đo Đo trong những tác phẩm của mình. Mắt biếc, Hoa hồng xứ khác, Còn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Đi qua hoa cúc, Ngồi khóc trên cây…đều xây dựng trên khung cảnh làng Đo Đo yên bình mà thơ mộng.
Hình ảnh làng quê có lẽ được xây dựng lên từ nỗi nhớ quê hương da diết của Nguyễn Nhật Ánh. Quê nhà đã xa luôn trở đi trở lại như nỗi niềm day dứt, trăn trở khôn nguôi. Nhà văn “thỏa nỗi nhớ quê của mình theo cách của những người hành nghề bằng con chữ. Những kỉ niệm, những vùng đất, những gương mặt bạn bè ấu thơ thi nhau hiện lên trong hết cuốn sách này đến cuốn sách khác”
Cuộc sống tuổi thơ của Thiều, Tường gắn liền với khung cảnh làng quê trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với những câu văn đặc tả khung cảnh làng quê đã. Khung cảnh làng quê này khác với làng Đo Đo của Ngồi khóc trên cây, nhưng lại có những đặc điểm chung với mọi làng quê khác trên đất nước Việt Nam, đó là được bao trùm bởi màu xanh của cánh đồng, của cỏ, của cây cối, rực rỡ sắc màu và vô cùng yên bình. Bất cứ một nhà văn viết truyện thiếu nhi nào cũng biết rằng yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên là bản chất của tuổi thơ.
Có thể nhận thấy điểm nhìn không gian trong nhiều truyện Nguyễn Nhật Ánh là điểm nhìn không gian mở. Nó không bị bó buộc trong không gian chật hẹp mà rộng mở thoáng đãng giao hòa với cây cỏ. Không gian ấy phù hợp với tâm lý hiếu động của trẻ nhỏ, hoạt động tinh nghịch và sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của các em. Từ đó tác giả khéo léo xây dựng những cuộc khám phá, phiêu lưu thú vị qua mỗi phần, mỗi chương.
Không gian cánh đồng, đồi cỏ
Cánh đồng, đồi cỏ là những không gian rộng nơi đó trẻ thơ có thể sống hết mình với các trò chơi khám phá, tung tăng bay nhảy, hòa mình vào thiên nhiên khoáng đạt, không còn lo âu về những phép tắc của người lớn. Trên những cánh đồng, đồi cỏ, nhân vật trong truyện còn phát hiện các bí mật thú vị, điều kì diệu của cuộc sống.
Bãi cỏ um tùm nhà ông Cả Hớn đã trở thành địa điểm lý tưởng để hai anh em Tường và Thiều ra tay trừng trị thằng Sơn trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tuổi thơ của hai anh em Tường và Thiều gắn với những bãi cỏ xanh mướt và um tùm. Trẻ em thôn quê luôn tìm cách biến mọi địa điểm có thể thành sân chơi của mình, bãi cỏ đằng nhà ông Cả hớn, sân thóc rộng nhà chị Vinh, hay thậm chí là nghĩa địa cũng trở thành địa điểm vui chơi lý tưởng.
Không gian khu rừng
Nếu không gian đồi cỏ, cánh đồng: vui tươi, trẻ thơ thì không gian khu rừng là một thế giới vắng bóng người, với đầy sự biệt lập, tĩnh mịch.
Không gian khu rừng trong Ngồi khóc trên cây không chỉ góp phần bộc lộ những nét tính cách mới lạ của cô bé Rùa mà còn mở ra trước mắt Đông một thế giới diệu kỳ. Bé Rùa bị những đứa trẻ cùng tuổi cô lập vì tính cách quái dị nhưng lại là một người bạn thân thiết của những con vật trong rừng. Nhìn ở góc độ nào đó, bé Rùa giống như một “phiên bản người” của khu rừng.
Không gian dòng sông
Nguyễn Nhật Ánh miêu tả dòng sông dưới con mắt trẻ thơ thật thú vị. Dòng sông Kiếp Bạc chính là một ví dụ điển hình “mùa hạ, sông Kiếp Bạc khô cạn. Lòng sông phơi những tảng đá đen, bây giờ đã mượt rêu xanh”. Dòng sông Kiếp Bạc xuất hiện ngay đầu truyện dài Ngồi khóc trên cây như biểu tượng đầu tiên về làng quê Đo Đo yêu dấu trong lòng Đông.
Trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, không gian dòng suối gắn với một “tích dân gian” mà đứa trẻ nào cũng nghĩ đó là thật, cho chuồn chuồn cắn rốn thì sẽ biết bơi. Thiều và Tường rủ nhau ra dòng suối để kiểm chứng tính hiệu nghiệm của lời tương truyền này và cuối cùng công cuộc tập bơi của hai anh em kết thúc bằng một câu chuyện buồn cười nhưng cũng rất thú vị.
Như vậy, không gian dòng sông, dòng suối đóng vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành của những đứa trẻ nơi thôn quê. Trên phông nền này, những đứa trẻ cảm nhận sự ấm áp, vỗ về của mẹ thiên nhiên và cũng có những trải nghiệm thú vị nhưng không kém phần sâu sắc.
Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 6