Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 3

Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 16/09/2024
  1.  

Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật

Không gian nghệ thuật

Nguyễn Quang Thiều đã sáng tạo ra một không gian nghệ thuật từ trong ngôn từ thơ đương đại, vượt qua những khuôn mẫu truyền thống, trở thành một trong nhưng nhà thơ dẫn đầu cho phong trào thơ được không ít nhà nghiên cứu gọi là “Thời kì Phục hưng” của văn học. Thơ của Nguyễn Quang Thiều gần gũi với ruộng đồng, với xóm làng, những không gian bình dị, thân quen.

GS Trần Đình Sử có viết: “Hình tượng động và không gian động là điểm cách tân, khác hẳn không gian tĩnh của thi ca truyền thống”. Không gian xuất hiện nhiều nhất trong thơ Nguyễn Quang Thiều là làng Chùa – nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả, nơi mà ông- với tư cách một nhà thơ đã tự cho phép mình phải tuyên ngôn về nó như một mệnh lệnh và tình cảm mà ông đặt cho nó cái tên là Bản tuyên ngôn của giấc mơ. Một điểm chung trong các bài thơ của Nguyễn Quang Thiều là làng Chùa lặp đi lặp lại trong những bài thơ, trở thành không gian hình tượng của thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những mảnh vườn, là ông bà và bố mẹ, là thế giới của côn trùng và loài vật, là nơi của cỏ cây hoa lá, là những người đàn bà quê tần tảo và những đứa trẻ có nước da nâu, là dòng sông Đáy dạt dào trong tâm thức... “Dẫn ta về hồ nước cũ/ Phăng phắc một lá sen già” (Lễ tạ) hay “Ta đi về đường quê cỏ nát/ Ngực ta gầy, rạc mãi tiếng quê hương” (Nghe tiếng con chim cuốc).

Đó chính là không gian thế giới hiện thực hiển minh và trầm tích, được nâng lên thành văn hóa, phong tục trong thơ Nguyễn Quang Thiều mà ông gọi là “nỗi buồn - báu vật cố hương tôi”. Một không gian nghệ thuật không thể không nhắc đến, hiện diện đa dạng trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đó là dòng sông. Dòng sông là nơi được nhà thơ nhắc đến nhiều (sông Đáy, Dòng sông, Những con thuyền sông Đáy, Cánh buồm), cũng là nơi miền không gian được nhà thơ ký thác tình cảm sâu sắc. Miền không gian tâm tưởng cùng với thời gian những chiều xa quê, chiều nay trở lại, tác giả vẽ nên bức tranh bảng lảng mưa sương và nỗi nhớ quay quắt: Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên/ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ/ nơi những chú bống đến làm tổ được dàn dụa nước mưa sông/ Sông Đáy ơi! Chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi (Sông Đáy). Có lúc đó là con sông Đáy có thực tron g quan hệ thiêng liêng, cụ thể của thi nhân, có lúc đó lại là dòng sông tâm tưởng trong tiềm thức, trong những quan hệ vô thức. Có khi dòng sông lại là những mảnh vỡ của tâm trạng nhà thơ. Từ dòng sông thật đến dòng sông tâm tưởng, Nguyễn Quang Thiều đã đi tìm hình bóng một người xa trong gập ghềnh nỗi nhớ: “Trong tiếng thở dài như dòn g sông cạn - Trong tiếng ho như con đường xóc - Tôi đi tìm em” (Cánh buồm). Nhưng rồi cuối cùng, dòng sông Đáy - con sông thật quê ông - lại đồng hiện trong dòng suy tưởng của ông. Để giờ đi xa còn nhói buốt những nỗi buồn. Dòng sông tượng trưng cho những gì mát mẻ, trôi chảy, sinh sôi; nhưng dòng sông trong thơ Nguyễn Quang Thiều có gì như uất nghẹn, quặn đau do cuộc sống khổ nghèo và do chiến tranh dai dẳng làm cho con người càng vất vả, gian lao.

Một không gian nữa xuất hiện trong thơ Nguyễn Quang Thiều, chính là không gian cánh đồng trong một buổi ban mai trong trẻo, không gian được Nguyễn Quang Thiều cảm nhận. Nét đẹp thuần khiết trong lành như nếm được vị của ánh sáng ban mai, nơi không gian dành cho người nông dân cày cấy, với những công việc thuần nông hằng ngày: Bóng tối đêm gần sáng như một con mèo nhung khổng lồ/ bước đi uyển chuyển/ Cái đuôi mềm của nó chạm vào tôi làm tôi tỉnh giấc/ Tôi cựa mình như búp non mở lá/ Ý nghĩ mỉm cười trong vắt trước ban mai/ Những xôn xao lùa qua hơi ấm/ Vọng về từ cánh đồng rộng lớn mờ sương/ Tiếng bánh xe trâu lặng lẽ qua đêm/ Chất đầy hương cỏ tươi lăn về nơi hừng sáng (Ban mai).

Trong quan niệm của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng “vạn vật hữu linh” (vạn vật đều có linh hồn). Vạn vật và con người khi chết đi, thể xác tan rữa, nhưng còn linh hồn tồn tại tụ tán, vẫn đi,về tham gia vào đời sống con người. Nguyễn Quang Thiều là người đem tâm thức làng vào thơ, không gian tâm linh của làng vào thơ, được bắt nguồn từ cuộc sống bình dị thường ngày: Trong ban mai đàn bò mỗi lúc vàng rực/ Và tan vào ánh sáng/ Những tiếng rống vọng lại/ Dàn kèn đồng trong xóm đạo nhỏ/ đang tập buổi cuối cùng/ để đón lễ phục sinh/ giờ chỉ còn những đám mây/ linh hồn của đàn bò/ bay trên cánh đồng/ của những con bò khác (Linh hồn những con bò)

Đến với những trang thơ của Nguyễn Quang Thiều, ta đến với không gian làng Chùa - sông Đáy, cánh đồng là nơi cư ngụ của miền ký ức quá khứ sâu thẳm, miền tâm linh huyền ảo, huyễn hoặc. Người ta tìm thấy nét đẹp tinh thần trong ký ức của Nguyễn Quang Thiều. Đó là sức sống muốn phục sinh, luôn dịch chuyển về nơi ánh sáng, hướng về tự do. Nơi đó có cuộc sống con người xôm tụ, quần cư với nhiều nét văn hóa giàu truyền thống dân gian, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đọc tiếp: Đặc điểm thi pháp trong thơ Nguyễn Quang Thiều phần 4

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22