Tác phẩm tạo ra các cặp sóng đôi: hai con người, hai bức tranh, hai dòng suy ngẫm. Bức tranh thứ nhất là sự hối lỗi của người họa sĩ, bức tranh thứ hai là bức tranh của chính bản thân mình: tự họa chân dung của chính mình, tự suy ngẫm, nhìn thẳng vào mặt khuất lấp của mình. Dường như nhà văn tạo ra một cuộc hội thoại giả tưởng giữa hai con người trong tâm trí của người họa sĩ nói chuyện với nhau, chất vấn nhau: nhận lỗi thẳng thắn hay lảng tránh. Nguyễn Minh Châu còn đem đến cho người đọc cảm nhận một cách chi tiết về sự dè chừng, đắn đó trong lần quay trở lại để thú tội của ông họa sĩ “Tôi có cảm giác hồi hộp của một anh bộ đội giữa trận đánh đồn vừa vượt qua lớp lớp hàng rào để bám được vào cái đột phá khẩu. Lúc ban nãy, khi đạp xe vừa chớm đến quãng đường phố ngang với bức mành, chỉ chút xíu nữa là tôi đã nhấn mạnh chân vào bàn đạp cho bánh xe lăn thật nhanh như mọi lần”.
Cuối cùng ánh sáng của chân lý cũng chiến thắng, ông họa sĩ đã dũng cảm nhận sai lầm của chính bản thân mình “luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và phía trên đầu chiếu thẳng xuống”. Có lẽ đây chính là ánh sáng của cái thiện, của vẻ đẹp đạo đức. Đến đây, Nguyễn Minh Châu đã dẫn dắt người đọc đi tìm lại chính con người thật, bản tính thật, đạo đức thật của mình.
Không chỉ vậy, ta còn thấy được vẻ đẹp trong con người chiến sĩ, người chiến sĩ ấy vẫn nhiệt tình, vẫn chu đáo quan tâm ông họa sĩ, dù biết rằng người mà mình đang cắt tóc chính là ông họa sĩ đã vẽ chân dung mình năm xưa nhưng lại không gửi bức tranh về để báo tin cho gia đình. Nguyễn Minh Châu đã xây dựng nhân vật người chiến sĩ với phẩm chất tốt để từ đó ta thấy được sự hổ thẹn của ông họa sĩ. Người chiến sĩ vẫn trò chuyện với họa sĩ, không có ý định vạch trần, vẫn nương theo dòng suy ngẫm của ông họa sĩ và cũng chính vì lẽ đó mà ông họa sĩ càng trở nên đắn đo, dằn vặt.
Kết luận
Qủa thực sự đổi mới văn học giai đoạn sau 1975 đã khơi dậy được sự sáng tạo mới mẻ của các nhà văn, khai thác con người dưới nhiều góc độ khác nhau thể hiện về tự do, dân chủ trong sáng tác ghi đậm dấu ấn cá nhân và cá tính sáng tạo trong các tác phẩm văn nghệ của mình. Tuy vậy mục tiêu của văn học vẫn hướng tới bảo vệ những phẩm chất truyền thống của con người Việt Nam, lên án cái xấu, hạn chế tật xấu của con người, đồng thời phát triển thêm giá trị mới. Và Nguyễn Minh Châu giống như viên ngọc sáng, đem tới quan niệm nghệ thuật về con người thật sâu sắc: Hãy nhìn con người từ nhiều góc độ khác nhau, để ta thấy được những mặt khuất lấp trong tâm hồn họ, để rồi ta đồng cảm, thấu hiểu họ. Bản thân mỗi chúng ta cần nhìn nhận lại, suy ngẫm lại về chính mình từng giờ, từng ngày để tránh bỏ lỡ, bỏ quên những điều quan trọng trong cuộc sống.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Bức tranh phần 1