Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 3

Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 16/09/2024
    1.  

Không gian “tha hương”

Không gian “tha hương” là không gian gắn liền với nhân vật Cừ - một con người được xem như cái mầm hư hỏng của gia đình ông Bằng – người đã từ bỏ tổ quốc, lên tàu trốn ra nước ngoài cùng một người phụ nữ. Đó là không gian được kể trong bức thư cuối cùng Cừ gửi về nhà, cũng là bức thư cuối trước khi anh từ bỏ cõi đời để trở về với những giá trị tinh thần mà anh đã trót từ bỏ.

Không gian ấy gắn liền với sự “trốn chui trốn lủi”, đó là một chiếc tàu cũ “chạy được hơn một ngày đã hết dầu”, là nơi có những con người “chỉ biết phó mặc đời cho sóng bể”, “hơn hai chục con người, bới lục từng cọng rau tới thanh gỗ mục để nhét vào mồm cho dạ dày đỡ lép”. Là nơi người ta tìm thấy hi vọng được cứu nhưng cuối cùng lại thất vọng và nhục nhã ê chề khi nhìn thấy trên chiếc tàu tới “cứu” họ lại nhảy xuống “bảy thằng Thái Lan trần trùng trục, xăm đầy ngực hình đàn bà loã thể”. Cuối cùng Cừ cũng trải qua những ngày lênh đênh trên biển, anh tới được “xứ sở” mà anh định tới, nhưng đó cũng là lúc Cừ nhận ra, đó “không phải là nơi mình định tới”.

Ở đất nước Canada xa xôi, Cừ sống trong “một trại tị nạn. Công việc là xúc tuyết và đổ xăng nhớt. Lương đủ sống”. Thế nhưng, lời nói của thằng lính nguỵ, việc Ngọc Liên – người phụ nữ cùng Cừ trốn ra nước ngoài – đi làm điếm, một chuyện “cay đắng với tâm lý người có lương tâm nhưng được nhiều người cho là bình thường ở đất nước này” và ngọn nến đêm 30 Tết đã gợi lại cho Cừ những giá trị đạo đức, những kỷ niệm xưa. Ở một xứ sở xa lạ, Tết không có hoa đào, pháo đỏ, bánh chưng xanh, Tết chỉ có duy nhất một ngọn nến và nỗi nhớ gia đình, Cừ đã nhận ra rằng “mỗi người chỉ có thể thuộc về một dân tộc nhất định, từ trong tâm hồn”, và rằng “cuộc sống là sự phát hiện liên tục. Hành trình của một đời người nếu làm sáng tỏ một chân lý nho nhỏ thôi thì cũng là có ích”. Đến cuối cùng, Cừ chọn cho mình thuốc ngủ liều mạnh, như một cách giải thoát bản thân khỏi những điều thất vọng, nhục nhã, một cách để sám hối cho những tội lỗi mình đã tạo ra và cũng là một cách để bảo toàn những giá trị đạo đức mà cha anh vẫn luôn muốn truyền đạt đến con cháu.

Tóm lại, không gian xã hội trong truyện không được miêu tả quá nhiều nhưng chỉ qua một vài nét bút chấm phá, người đọc cũng có thể thấy được thực trạng xã hội đương thời với rất nhiều khó khăn khi đất nước bước vào thời kì đổi mới. Trước hoàn cảnh ấy, con người phải thay đổi, phải nỗ lực thích nghi và đồng thời cũng luôn phải tự nhắc nhở bản thân để không đánh mất các giá trị đạo đức đáng quý của dân tộc.

  1.  

​​​​​​​Không gian gia đình

Nếu không gian xã hội trong tác phẩm chỉ được hiện lên với những nét miêu tả chấm phá thì không gian gia đình được tác giả tập trung khắc hoạ với không gian truyền thống của những ngày Tết đến xuân về, không gian căn phòng của từng gia đình ứng với đặc điểm tính cách của từng nhân vật.

    1.  

Không gian gia đình ngày Tết

Mở đầu tác phẩm, tác giả Ma Văn Kháng miêu tả căn nhà của ông Bằng là một căn nhà ở cuối phố, “một căn nhà gác nhỏ trong một khu vườn nhỏ, có cổng sắt. Một căn nhà không toàn vẹn, sau một trận hoả hoạn cáhc đây chục năm”. Đó là một căn nhà yên ắng gần như suốt ngày và quanh năm. Căn nhà đó, vào cữ đông rét mướt của chuỗi ngày cuối năm, cũng nhộn nhịp mỗi người một việc đón chờ năm mới đến. Từ chị Lý vừa đi sắm lỉnh kỉnh những đồ đạc nào gạo, nào mì, nào thịt, nào rau, … tất cả để chuẩn bị cho mâm cúng ngày cuối năm của gia đình. Đến cả ông Bằng, người cha già của gia đình cũng khệ nệ, ì ạch “bê một chậu cúc đại đoá từ ngoài sân vào” trang trí ở góc nhà mặc lời ngăn cản và muốn giúp đỡ của hai người con dâu.

Trong không khí giáp Tết, ngôi nhà nhỏ của ông Bằng đã được trang hoàng với “mâm ngũ quả, một chai rượu chanh, lấp lánh mấy khung ảnh”. Không khí dường như ngày càng tất bật với sự náo động trong căn bếp nhỏ. Lần lượt các món xào, nấu, hầm, luộc, rán, quay,… “hiện ra trên hai cái mâm đồng đánh sáng choang” dưới sự chỉ huy đâu vào đấy của Lý. Đúng giờ, lễ cúng gia tiên diễn ra trong sự trang trọng, kính cẩn, với không gian thờ cúng linh thiêng: “Hương cháy, uốn cong một đoạn tàn, bốc toả một làn khói ảo mờ. Hai cái bánh chưng bọc lá xanh tươi, buộc lạt điều, xếp cạnh mâm ngũ quả và những chén rượu xinh xắn đặt rải hàng ngang trước bệ thờ. Ngọn đèn dầu lim dim in cái chấm vàng vào dãy khung ảnh đặt sát tường. Ảnh song thân ở chính giữa; bên trái, ảnh bà Bằng mặt hoa da phấn, tóc vấn khăn nhung, phía trái, ảnh anh cả Tường áo trấn thủ ô quả trám, mũ calo nghiêng, nét trắng đen đã phôi pha”. Qua ngòi bút của mình, Ma Văn Kháng đã thành công khắc hoạ không khí tươi vui của một gia đình khi Tết đến xuân về, và ông cũng đã thành công ghi lại phong tục truyền thống lâu đời rất đáng trân trọng của dân tộc.

Nhưng đến kết thúc truyện, khi một lần nữa mùa lá rụng quay lại để chờ đợi Tết đến xuân về, không khí đón chào năm mới của gia đình nhỏ trầm hẳn đi sau những biến cố đã xảy ra. Dù “căn phòng vẫn được bày biện, trang trí y hệt năm ngoái. Hai góc phòng đặt hai chậu hoa cúc đại đoá” nhưng sau khi ông Bằng qua đời, Lý bỏ vào Sài Gòn, cái không khí của “buổi chiều ba mươi làm cơm cúng tất niên. Lý la hét, sai bảo Phượng và say mê chế tác các món ăn dành cho ba ngày tết và bữa ăn tối ba mươi sum họp cả gia đình lớn” giờ chỉ còn lại trong kí ức của Phượng. Chẳng ai có thể ngờ, chỉ trong thời gian một năm ngắn ngủi mà bao nhiêu biến cố hãi hùng đã xảy ra với gia đình nhỏ nơi đầu phố yên tĩnh này.

Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong Mùa lá rụng trong vườn phần 4

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22