Quan niệm nghệ thuật về con người trong Bức tranh phần 2

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Bức tranh phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 16/09/2024

Bằng sự sáng suốt và nhanh nhẹn của mình, Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam đặc biệt thời kì đổi mới, Nguyên Ngọc đánh gía là “người mở đường tinh anh và tài năng”. Giai đoạn trước, ngòi bút của Nguyễn Minh Châu mang khuynh hướng sử thi, đậm chất chiến đấu và thiên hướng trữ tình lãng mạn. Thời kì sau, đặc biệt sau năm 1975 chuyển sang cảm hứng thế sự cùng những vấn đề mang tính triết lí nhân sinh cao cả.

Nguyễn Minh Châu ghi dấu ấn ngòi bút của mình trong thời kì kháng chiến chống Mỹ và qua các tác phẩm Dấu chân người lính (1972), Cửa sông (1966), Những vùng trời khác nhau (1970). Nhà văn đã đem đến cho thế hệ trẻ Việt Nam về nguồn cảm hứng yêu nước, số phận của con người trong chiến tranh. Tác giả đã vẽ lên một bức tranh sinh động về cuộc sống của người chiến sĩ, sự hi sinh, chiến đấu anh dũng, hào hùng. Thế nhưng khi bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với cuộc sống đời thường, Nguyễn Minh Châu đã cảm nhận được cần có sự thay đổi trong sáng tác. Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Quan sát những người ở xung quanh mình, tôi thấy người tốt vẫn chiếm đa số, Nhưng hình như họ luôn phải cưỡng lại một thứ gì đó ở bên trong bản thân, thiện và ác, lý trí và dục vọng, cái riêng và cái chung ở bên trong từng con người. Người ta vẫn tốt nhưng cái tốt hình như ít đi hơn xưa. Người ta phải luôn giữ mình để khỏi làm điều xấu và ác”.

Và đến với “Bức tranh” nằm trong tập “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” năm 1983 đã cho người đọc thấy được sự thay đổi về quan niệm một cách rõ nhất. Câu chuyện kể về người họa sĩ được triệu tập đem những bức tranh của mình để trưng bày chuẩn bị triển lãm ở nước ngoài. Ông họa sĩ cần có người hỗ trợ để cùng ông vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển ông đã bắt gặp người chiến sĩ nhiệt tình, chu đáo đã cứu ông thoát khỏi khe nước. Và người chiến sĩ luôn có một ước ao được chụp một tấm ảnh để gửi về gia đình báo tin rằng anh vẫn còn sống. Nghe được mong ước của người chiến sĩ ông đã vẽ bức tranh trong thời gian 30 phút và xin địa chỉ để gửi về cho gia đình. Thế nhưng bức tranh khi ông họa sĩ vẽ người chiến sĩ lại đạt giải nhất và trở nên nổi tiếng vì thế đã quên mất việc đem bức tranh đến nhà người chiến sĩ. Sau 8 năm ông họa sĩ tình cờ gặp người chiến sĩ và trở nên áy náy về việc làm của mình đã quên gửi bức tranh về nhà người chiến sĩ.

Câu chuyện dường như không có gì gay cấn, không có xung đột giữ người chiến sĩ và ông họa sĩ, thế nhưng ta lại thấy được xung đột trong chính con người của ông họa sĩ. Trước đó là trạng thái vui vẻ khi gặp được người chiến sĩ ân cần, thế nhưng sau 8 năm, vẫn là người chiến sĩ đó, ông họa sĩ lại cảm thấy sợ hãi, áy náy, xấu hổ. Cuộc đời của con người luôn biến thiên, quả thực ông họa sĩ đã không ngờ tới mình lại gặp người chiến sĩ năm xưa. Và cũng chính sự tình cờ này đã đẩy ông họa sĩ vào tình thế khó xử. Một là người lính sẽ tố cáo, trách móc, lên án vì chính việc làm của ông họa sĩ đã gián tiếp dẫn tới đôi mắt của mẹ người chiến sĩ bị mù. Hai là sẽ bỏ qua và tha thứ cho ông. Nguyễn Minh Châu đã đặt nhân vật vào tình huống tự chất vấn bản thân, giữa hai giá trị hoặc là cái thiện, cái cao đẹp hay là cái ác, cái thấp hèn để mọi chuyện được êm đẹp.

Bằng giọng văn sâu lắng, Nguyễn Minh Châu đã khiến người đọc đắm chìm trong từng dòng suy nghĩ của nhân vật, đắm chìm trong cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng, người đọc cũng không biết rõ chính bản thân mình nên ứng xử ra sao trong tình huống này. Sẽ có độc giả lựa chọn coi như chuyện chưa từng xảy ra, vẫn lựa chọn con đường giấu mình, giấu cảm xúc, giấu đi cái hổ thẹn để không phải nhận trách nhiệm lớn lao kia. Thế nhưng cũng sẽ có độc giả lựa chọn con đường “thú tội” để nhận mọi lỗi lầm về chính bản thân mình. Nguyễn Minh Châu đã hướng người đọc đến nhiều dòng suy ngẫm. Có lẽ đấu tranh nội tâm là điều khiến con người đau đớn nhất, khó xử nhất.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Bức tranh phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22