Thời gian quá khứ
Thời gian quá khứ với những hồi tưởng
Thời gian quá khứ là thời gian "đã xảy ra" khi so sánh với thực tại của nhân vật, và được thể hiện thông qua những kí ức hồi tưởng của nhân vật. Hồi tưởng quá khứ cũng là biểu hiện của cuộc sống nội tâm. Trong nhiều sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn có xu hướng hồi tưởng những kỉ niệm quá khứ thời niên thiếu, nổi bật trong số đó phải kể đến như Ngồi khóc trên cây, Cho em một vé đi tuổi thơ và Cô gái đến từ hôm qua. Người kể chuyện trong đó thường là nhân vật chính "tôi" kể lại thời còn niên thiếu của mình.
Trong nhiều tác phẩm như: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc, Lá nằm trong lá…nhà văn lựa chọn người kể chuyện đồng thời là nhân vật, ngược thời gian kể lại câu chuyện tuổi thơ của chính mình. Thời gian hồi tưởng quá khứ không chỉ khiến nhân vật ngoảnh nhìn lại một lần nữa hồi ức tươi đẹp của mình mà còn giúp nhân vật bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình về những kỉ niệm ngày thơ ấu.
Người kể chuyện thường bắt đầu kể với một giọng điệu của cổ tích, với sự xuất hiện của những dấu hiệu ngôn từ mang tính phiếm chỉ của thời gian: "hồi còn nhỏ, nhỏ xíu", "dạo ấy"… Bởi thế, những câu chuyện dù được kể dưới một người kể chuyện xưng tôi, hay kể bởi người kể chuyện ẩn tàng thì đều tựa như một câu chuyện cổ tích về tuổi thần tiên.
Mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại
Với cách kể chuyện theo dòng hồi ức, tác phẩm sẽ có sự chênh lệch giữa thời gian trần thuật và thời gian sự kiện, người kể chuyện cũng có thể dễ dàng sử dụng các phương thức tỉnh lược, ngưng nghỉ, căng kéo… theo cơ chế của tâm lí hồi tưởng. Nét độc đáo trong cách tổ chức thời gian nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh là kiểu thời gian song hành giữa quá khứ và hiện tại tạo nên một chuỗi đối sánh không rời.
Ví dụ: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là hai mạch truyện song song, quá khứ thời tám tuổi của cu Mùi, Hải Cò, Tủn và Tí sún với bao trò chơi nhằm kiến tạo lại thế giới và hiện tại là nhà văn cu Mùi viết lại câu chuyện thời thơ ấu với khát vọng như một tấm vé trở về tuổi thơ.
Thời gian của tương lai
Thời gian tương lai là thời gian thể hiện qua dự kiến, ước mơ của nhân vật về điều “chưa xảy ra”. Vì thế thời gian thường gắn với những biến đổi tâm lý của nhân vật trong những tình huống và hoàn cảnh cụ thể.
Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh không xuất hiện nhiều thời điểm của tương lai nhưng gieo vào lòng độc giả niềm tin vào tương lai tươi sáng, tương lai của những điều tốt đẹp kì diệu qua dự cảm của nhân vật. Những từ ngữ ám chỉ tương lai xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh: Một ngày nào đó, mai mốt, ngày mai, tuần sau, hôm sau…thể hiện ước mơ của ông về một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em. Một khía cạnh ý nghĩa khác, đó là lời khẳng định những đứa trẻ giàu trí tưởng tượng, tốt bụng và luôn biết quan tâm đến mọi người và luôn tin tưởng vào một tương lai tương sáng với niềm hi vọng mãnh liệt.
Như vậy, thời gian trong truyện Nguyễn Nhật Ánh có hai mặt cơ bản là quan niệcủa nhà văn về thời gian và việc nhà văn tổ chức thời gian trong tác phẩm. Thời gian trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh có thể nhận diện qua ba bình diện chính: thời gian hiện tại, thời gian quá khứ, thời gian tương lai.
Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh phần 4