Theo mạch cảm xúc của bài thơ, hình ảnh người lính lái xe còn hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn đáng mến, trẻ trung, lãng mạn, biến những khó khăn gian khổ thành sự thú vị trong cuộc sống. Không còn kính, nghĩa là không còn giới hạn với nguy hiểm nhưng cũng chẳng còn khoảng cách với thiên nhiên, để mà:
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái”
Với phép điệp ngữ quen thuộc qua động từ “nhìn thấy” như tạo một nút nhấn, nhấn mạnh tư thế chủ động mở ra những tầm nhìn bao quát của người lính lái xe. Trên những chiếc xe không kính ấy, người chiến sĩ lái xe phải tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài như đất trời, cỏ cây, chim thú. Xe bon bon với tốc độ nhanh, gió xoa dịu không khí nóng bỏng của chiến trường, gió mang bụi đến, rồi chúng dường như cùng thức, cùng hành quân ra trận với các anh. Và trên con đường ra trận, người lính lái xe được tự do quan sát, thoải mái chiêm ngưỡng vẻ đẹp không gian chiến trường. Họ không chỉ “thấy gió vào xoa mắt đắng” mà còn “thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Đó vừa là hình ảnh thực gợi tốc độ lao nhanh của đoàn xe trên đường đèo dốc đá núi, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ biểu tượng cho con đường của lí tưởng, con đường của lòng yêu nước của những người lính lái xe Trường Sơn. Con đường đó là con đường Cách mạng, con đường giải phóng miền Nam, con đường mà thế hệ trẻ đã bỏ lại thanh xuân để gìn giữ, bảo vệ. Chính lời thơ ấy còn giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, trẻ trung của người lính lái xe qua hình ảnh so sánh độc đáo: “cánh chim”, “sao trời”, “như sa, như ùa vào buồng lái”. Hình ảnh thơ gợi tả thiên nhiên như đồng hành cùng người chiến sĩ lái xe trên mọi nẻo đường ra trận. Có lẽ khoang lái trong xe không kính vốn là nơi nguy hiểm nhất nhưng đã trở thành một vũ trụ tí hon của các anh. Tác giả viết như vậy để gợi được phong thái ung dung, tư thế hiên ngang, sự bình thản của người lính trên con đường đầy khó khăn, hiểm nguy mà các chiến sĩ đang băng qua mỗi ngày. Tất cả điều ấy được tạo bởi ý chí và lý tưởng cao đẹp của họ. Nhờ thế mà tình cảm của những người lính trở nên trong sáng, gắn bó và lãng mạn hơn.
Trên con đường ra trận, người chiến sĩ lái xe phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy song họ càng sáng ngời với tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi gian khổ khó khăn để vượt lên tất cả. Điều ấy được thể hiện rõ ở hai câu đầu của khổ 3 và khổ 4:
“Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như ngườii già
Không có kính ừ, thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời”
Ở lời thơ trên lặp cấu trúc “không có...ừ thì…” được tác giả sử dụng khá sáng tạo đã phản ánh chân thực những khó khăn, gian khổ mà người lính lái xe phải vượt qua. Vì không có kính nên trong những ngày nắng lửa, bụi Trường Sơn đã vào “xoa mắt đắng”, giờ đây lại “phun tóc trắng như người già”. Rồi mùa mưa đến, mưa Trường Sơn xối xả, không có kính chắn nên mưa “tuôn”, mưa “xối” thẳng vào buồng lái khiến cho các chiến sĩ ướt “như ngoài trời”. Câu thơ với những hình ảnh so sánh “như người già”, “như ngoài trời”, kết hợp các động từ mạnh “phun”, “tuôn”, “xối” cùng lặp cấu trúc câu đã khẳng định rằng những người lính lái xe trên đường ra trận không hề có phương tiện thuận lợi mà chỉ có khó khăn, gian khổ. Đó là chưa kể đến những trận mưa bom bão đạn mà đế quốc Mĩ điên cuồng ném xuống chặn đường xe chạy, những người lính có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Như vậy, với hai lời thơ đầu chia đều ở hai khổ 3 và 4 đã phần nào giúp người đọc hiểu được những khó khăn, gian khổ sự hiểm nguy mà người lính lái xe phải trải qua. Hơn thế, chính tác giả Phạm Tiến Duật đã có hơn tám năm gắn bó với tuyến đường Trường Sơn, từng rất nhiều lần ngồi trong khoang lái của chiếc xe không kính. Vì vậy những cảm giác ấn tượng và sự gian khó của người lính lái xe đã được nhà thơ diễn tả một cách ngắn gọn và chân thực nhất.
Trước những gian khổ đó nhưng người lính vẫn lạc quan, yêu đời, sôi nổi và trẻ trung:
“Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Chưa cần thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi.”
Tác giả đưa vào lời thơ ngôn từ tự nhiên, mộc mạc đậm chất khẩu ngữ, tạo nên giọng thơ vừa dí dỏm, vừa ngang tàng đã diễn tả thái độ đón nhận mọi thử thách của người lính lái xe như một lẽ thường tình. Điệp khúc "chưa cần rửa, chưa cần thay" đã thể hiện sự lạc quan và bất chấp khó khăn từ thiên nhiên mà người lính đang trải qua. Điệp khúc ấy diễn tả vẻ đẹp ngang tàng, ý chí hiên ngang, kiên cường, thái độ bất chấp gian khổ, hiểm nguy của những chiến sĩ lái xe. Giữa không gian nồng nặc thuốc súng, đạn bom, lửa khói là tiếng “cười ha ha”. Tiếng cười hồn nhiên trong trẻo biết bao. Tiếng cười vút lên như thách thức kẻ thù. Tiếng cười lạc quan, sảng khoái của người lính làm tan biến những âu lo, mệt mỏi trên tuyến đường vốn nhiều lửa đạn. Tiếng cười ấy còn đọng lại trong ta một tâm hồn trẻ trung, lãng mạn của những người lính trẻ. Như người lính trong “Đồng chí” của Chính Hữu từng nếm trải những cơn sốt "biết từng cơn ớn lạnh" trong kháng chiến chống Pháp nhưng họ vẫn vui tươi, yêu đời và một lòng vì dân tộc Việt Nam.
Với hai khổ thơ ba và bốn tác giả đều dùng câu thơ đậm chất văn xuôi với giọng điệu ngang tàng mà thanh thoát đã thể hiện được người lính với tinh thần lạc quan, yêu đời bất chấp hiểm nguy. Chính cách viết giản dị, chân thật này đã tạo ra một phong cách Phạm Tiến Duật nổi bật trong làng thơ kháng chiến chống chống Mĩ.
Đọc tiếp: Vẻ đẹp người chiến sĩ lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” phần 3