Cảm nhận của em về vẻ đẹp hình ảnh người chiến sĩ lái xe trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật
Mở bài:
Có những tác phẩm người đọc quên ngay khi gấp trang sách lại nhưng có những tác phẩm theo dòng thời gian cứ lưu giữ mãi trong tâm hồn độc giả, để lại nhiều giá trị sâu sắc cho thế hệ mai sau. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật là một bài như vậy. Đến với tác phẩm, người đọc thực sự ấn tượng về vẻ đẹp hình ảnh của những chiến sĩ lái xe Trường Sơn, tiêu biểu cho thế hệ Việt Nam thời chống Mĩ cứu nước.
Thân bài:
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được tác giả sáng tác năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Hàng ngàn sinh viên trên cả nước gác bút nghiên lên đường đánh giặc và điểm nóng lúc bấy giờ là con đường Trường Sơn huyết mạch nối liền hậu phương với tiền tuyến. Vượt qua mưa bom bão đạn của kể thù, đoàn xe vận tải vẫn ngày đêm bất chấp gian khổ, khó khăn để ra trận vì mục tiêu giải phóng đất nước. Phạm Tiến Duật đã ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc tiêu biểu của nơi khói lửa Trường Sơn, có thể nói hiện thực đã đi thẳng vào các trang thơ của tác giả và mang nguyên vẹn hơi thở của cuộc chiến. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, bài thơ với âm điệu hào hùng, khỏe khoắn không gò bó về vần đã trở thành bài ca quyết thắng cho tuổi trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ.
Ngay từ những dòng thơ mở đầu những chiếc xe không kính đã được tác giả giới thiệu rất đặc biệt.
“Không có kính không phải vì xe không có kín h
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.”
Với ngôn ngữ thơ giản dị cùng lời nói dí dỏm, tự nhiên và chắc khỏe như tác phong người lính đã để lại nhiều ấn tượng ngay khi đọc. Từ ngữ phủ định “không” được lặp lại ba lần, chuyển sang ý khẳng định: những chiếc xe không kính vốn không phải là một chủng loại riêng, không phải là thiết kế của nhà sản xuất. Mà nó là một sự bất thường, bất thường này được giải thích một cách rất thản nhiên: “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”. Câu thơ là lời lí giải nguyên nhân làm cho những chiếc xe không có kính. Điệp từ “bom”, kết hợp với các động từ mạnh “giật”, “rung” cho thấy sự ác liệt của chiến trường những năm chống Mĩ. Sự tàn bạo, dã man của đế quốc Mĩ ngày đêm không ngừng trút bom xuống tuyết đường huyết mạch Trường Sơn nhằm cắt đứt tuyến lưu thông duy nhất nối liền Bắc- Nam.
Hình ảnh những chiếc xe không kính xuyên suốt bài thơ và còn được hiện lên cụ thể hơn, trần trụi cùng sự hỏng hóc không thể nào tả xiết:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước”
Vẫn là phép điệp ngữ quen thuộc lặp từ “không có”, kết hợp với phép liệt kê tăng cấp: “không có kính”, “không có mui”, “không có đèn”, “có xước” cho thấy sự hỏng hóc càng tăng theo cấp số nhân, đó là quy luật tất yếu của sự huỷ diệt mà đế quốc Mĩ đã trút xuống Việt Nam. Tuy nhiên dường như càng ác liệt thì những chiếc xe càng dũng cảm, hiên ngang ra trận. Giọng điệu bình thản, lời thơ đậm chất văn xuôi, cái chất thực bề bộn, ngổn ngang của chiến trường đã tự nó là ánh hào quang. Vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng làm cho những chiếc xe không kính trở nên độc đáo trong từng lời thơ Phạm Tiến Duật.
Có thể thấy với cái nhìn tinh tế, tâm hồn thơ nhạy cảm, và vốn sống phong phú Phạm Tiến Duật đã chọn lọc được nhiều hình ảnh chân thực nhất để sáng tạo nên hình tượng thơ độc đáo- những chiếc xe không kính băng mình ra mặt trận trên chiến trường đánh Mĩ. Đó là những hình ảnh vốn không hiếm, không lạ, nhưng cái hay cái mới mẻ ở đây là “xe không kính”, có ý nghĩa thực chứ không mang ý nghĩa biểu trưng. Vì thế, đọc thơ Phạm Tiến Duật ta có cảm giác như đang đi thẳng vào giữa cuộc chiến, đến nơi trọng điểm ác liệt nhất, gặp những con người quả cảm nhất.
Bài thơ không chỉ hấp dẫn độc giả bằng hình tượng thơ độc đáo mà thông qua hình tượng ấy nhà thơ đã làm nổi bật chân dung người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa. Trước hết người đọc nể phục tư thế ung dung, bình thản, hiên ngang, điềm tĩnh đến lạ kì của người lính lái xe qua hai câu thơ cuối của khổ một.
“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳngg”
Với giọng thơ nhẹ nhàng, kết hợp từ láy tượng hình “ung dung” được đảo lên đầu câu có tác dụng nhấn mạnh, gợi tư thế đàng hoàng, bình thản, chủ động của người lính lái xe trước hoàn cảnh. Ngồi trên ca bin những chiếc xe không kính sẽ là mục tiêu nguy hiểm nhất, sẵn sàng dính bom đạn kẻ thù, vậy mà họ vẫn “ung dung”, nghĩa là không run, không lo, không sợ. Điệp từ “nhìn”, kết hợp phép liệt kê đã miêu tả sự quan sát thật cẩn thận, bình tĩnh của một tay lái làm chủ tuyến đường, làm chủ hoàn cảnh. Người lính lái xe “nhìn đất” để quan sát đường đi đầy hiểm trở gập ghềnh, “nhìn trời” để quan sát máy bay địch, “nhìn thẳng” về phía trước gợi tư thế chủ động thẳng tiến ra chiến trường đầy gian khổ, khó khăn và hi sinh nhưng không hề run sợ mà vững vàng, tự tin.
Đọc tiếp: Vẻ đẹp người chiến sĩ lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” phần 2