Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải phần 1

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải phần 1

Bởi Học văn cô Hà Huyền 26/03/2024

Mở bài: Xuân đến đánh thức ngàn cây cỏ đâm chồi nảy lộc và tạo cảm hứng bất tận trong tâm hồn thi nhân, thi ca. Mùa xuân đẹp, đất trời tươi mới đang rạo rực trong hồn thơ Thanh Hải, sự hoàn quyện của thiên nhiên và sức sống mãnh liệt đã tạo nên “Mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ sâu lắng, bình dị đã để lại nhiều ý nghĩa cho thế hệ hôm nay, mai sau.

Thân bài:

Thanh Hải là một trong những cây bút nổi bật thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ của ông luôn hướng tình cảm về miền Bắc xa nhớ, với hồn thơ giản dị đậm chất Huế, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị trong tâm hồn bạn đọc. Trước lúc rời xa trần thế vào năm 1980, Thanh Hải vẫn dành trọn từng giây từng phút cho văn chương nghệ thuật, cho đời và cho người. Thanh Hải viết những vần thơ thật nhân hậu và thiết tha, những vần thơ không hề gợn một nét u buồn nào của một cuộc đời sắp tắt. Vần thơ ấy, con người ấy mãi mãi trường tồn trong thi phẩm “Mùa xuân nho nhỏ”.

Luận điểm 1 Thanh Hải phác họa nên một bức tranh xuân giản dị, tươi đẹp và giàu sức sống.

"Mọc giữa dòng sông xanh,

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời"

Phân tích -> Khổ thơ mở đầu bằng hình ảnh “dòng sông xanh” gợi một dòng sông thơ mộng với vẻ đẹp lắng đọng của xứ Huế. Trên gam màu trong xanh “mọc” lên hình ảnh một bông hoa tím biếc. Màu xanh ấy không chỉ là màu xanh của nước mà còn là màu xanh của bầu trời, của cây cối quanh dòng sông. Động từ “mọc” được đặt ngay đầu câu là một dụng ý nghệ thuật để tạo ấn tượng về sức sống mãnh liệt của mùa xuân.

Bình luận, trình bày suy nghĩ -> Một cách viết khác lạ của Thanh Hải khi nói về mùa xuân không màu vàng rực rỡ của hoa mai, cũng không màu đỏ thắm của hoa đào đã tạo nên một nét độc đáo riêng biệt cho hồn thơ tác giả mang đậm bản sắc Cố đô Huế. Sự kết hợp giữa màu xanh và màu tím biếc đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy bình an và hạnh phúc.

-> Phải chăng, nét khác lạ, độc đáo ấy đã cho người đọc những ấn tượng khó phai khi cất lên vần thơ của Thanh Hải? Trong bức tranh tươi đẹp, thơ mộng đó không chỉ có màu xanh của lá, màu xanh của nước, của trời và màu tím của hoa mà còn có âm thanh xao xuyến, ngân nga của con chim chiền chiện hót vang bầu trời. Tiếng tiếng chim hót lảnh lót ngân vang trên bầu trời đã mở ra một không gian cao vời, trong trẻo chuyển bức tranh thiên nhiên từ tĩnh sang động đã làm lay động trái tim và tâm hồn tác giả. Một mùa xuân tươi đẹp đậm chất quê hương và chứa đựng sức sống mạnh mẽ của xứ Huế mộng mơ. Những từ ngữ cảm thán "ơi", "hót chi" của Thanh Hải  đã thể hiện rõ nét cảm xúc ngây ngất dạt dào đến ngỡ ngàng khi đứng trước vẻ đẹp của đất trời sang xuân. Tiếng hót đã vực dậy cả một tâm hồn tác giả đang phải đối mặt với bóng đen u ám của bệnh tật và sự ghê rợn của tử thần.

Say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp giản dị mà nên thơ của mùa xuân, tác giả bồi hồi, xúc động bằng cả trái tim xao xuyến của mình.

“Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”

“Giọt long lanh” gợi lên liên tưởng phong phú và đầy thú vị. Nó có thể là giọt sương lấp lánh qua kẽ lá trong buổi sớm bình minh của mùa xuân tươi đẹp, có thể là giọt nắng soi sáng trên bầu trời và cũng có thể là giọt mưa xuân đang rơi.

Bình luận -> Theo mạch cảm xúc của nhà thơ thì có lẽ đây là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện ngân vang, đọng lại thành từng giọt niềm vui, hi vọng rơi xuống cõi lòng rộng mở của thi sĩ, thấm vào tâm hồn đang rạo rực sức xuân. Cử chỉ “tôi đưa tay tôi hứng” thể hiện sự nâng niu, trân trọng của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời với cảm xúc say sưa, xốn xang và rạo rực. Nhà thơ như muốn ôm trọn vào lòng tất cả sức sống của mùa xuân, của cuộc đời.

Nhn xét nghệ thuật -> Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được tác giả vận dụng một cách tài hoa, tinh tế qua trí tưởng tượng phong phú. Thành Hải cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân bằng nhiều giác quan: thị giác (long lanh), thính giác (rơi), và xúc giác (hứng).

Tiểu kết Khổ thơ đầu mở ra một bức tranh xứ Huế thật đẹp và nên thơ, một bức tranh có đầy đủ hình ảnh, màu sắc và âm thanh được hòa quyện tạo nên sức sống mạnh mẽ cho mùa xuân. Bức tranh này có thể gọi là bức tranh vô cùng đặc biệt bởi bài thơ được sáng tác tháng 11 năm 1980- thời điểm mùa đông giá rét. Như vậy những hình ảnh xuân được miêu tả trong tâm tưởng của nhà thơ khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh và phải đối mặt với tử thần. Cái chết cận kề nhưng Thanh Hải vẫn hướng đến mùa xuân tươi trẻ, tràn đầy sức sống, thể hiện một tinh thần lạc quan, yêu đời, một niềm khát khao cuộc sống cháy bỏng.

Luận điểm 2 Từ vẻ đẹp tươi mới của mùa xuân, nhà thơ liên hệ đến mùa xuân của đất nước, mùa xuân của con người.

Tôi nện gót trên đường phố Huế

Dửng dưng không một cảm tình chi

Không gian sặc sụa mùi ô uế

Như nước dòng Hương mãi cuốn đi

Đó là Huế trong quá khứ nô lệ đen tối, lầm tha n. Thời gian trôi đi, Huế đã chuyển mình đổi khác, nay là Huế của những con người rạo rực sức xuân phát triển cùng đất nước.

"Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ"

Bốn câu thơ mang cấu trúc song hành cùng sự xuất hiện hình ảnh “người cầm súng”“người ra đồng” đã thể hiện rõ hai nhiệm vụ của nhân dân: chiến đấu bảo vệ tổ quốc và sản xuất phát triển đất nước. Các điệp ngữ “mùa xuân”, “lộc”, “người” như trải rộng khung cảnh hiện thực khi gắn với cuộc sống chiến đấu, lao động của nhân dân.

Phân tích -> Nét đặc sắc của đoạn thơ là hình ảnh “lộc” được sáng tạo rất độc đáo. Đối với người chiến sĩ, “lộc” là là cành lá ngụy trang để che mắt quân thù hơn nữa lộc còn là sự chiến thắng đem lại tự hào cho dân tộc. Đối với người nông dân, “lộc” là những mầm mạ non trải dài trên những đồng ruộng mênh mông, bát ngát báo hiệu một mùa bội thu với những hạt gạo trắng ngần, những bát cơm ngon ngọt cho đồng bào cả nước. Đặc biệt hơn cả, “lộc” là sức sống, là thanh xuân tươi mới đầy mơ ước, lí tưởng, đầy những hoài bão và khát vọng hiến dâng của tuổi trẻ, sôi nổi trong mỗi tâm hồn con người – tâm hồn của người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường nơi lửa đạn bom rơi – tâm hồn của người nông dân cần cù, hăng say tăng gia sản xuấtt. “Lộc” chính là thành quả hôm nay là niềm tin, hi vọng của ngày mai. Từ những nhiệm vụ đó tất cả dân tộc bước vào xuân mới với khí thế khẩn trương, náo nhiệt:

"Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao..."

Phân tích nghệ thuật -> Điệp ngữ “tất cả” và từ láy biểu cảm “hối hả”, “xôn xao” cùng nhịp thơ nhanh, nhà thơ đã khái quát được cả một thời đại của dân tộc. “hối hả” diễn tả nhịp điệu khẩn trương, tất bậtt của những con người Việt Nam trong giai đoạn mới, thời đại mới, trong công cuộc xây dựng hội chủ nghĩa. Còn “xôn xao” lại bộc lộ tâm trạng náo nức rộn ràng, nhộn nhịp, gấp gáp. Tất cả ý thơ đều thể hiện tinh thần phấn khởi của dân tộc cho một sự phát triển của đất nước.

Đọc tiếp: Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải (phần 2)

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22