Phân tích bài thơ Đồng chí phần 2

Phân tích bài thơ Đồng chí phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 20/06/2024

Song góc nhớ thương đó không làm cho người lính mềm lòng, nhụt chí mà nó còn thôi thúc, động viên người lính vững chí, cầm chắc tay súng để dành lại tự do cho dân tộc.

            Tình cảm đồng chí, đồng đội đặc biệt thể hiện ở tinh thần vượt khó, vượt khổ trong những câu thơ tiếp theo:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn ta y.

            Địa bàn chiến đấu của người lính thời kì lúc bấy giờ ở nơi rừng thiêng nước độc, địa hình hiểm trở, cùng với sự thiếu thốn về vật chất. Những câu thơ miêu tả hiện thực đời sống người lính và nghệ thuật sóng đôi đã khắc họa tới từng chi tiết khó khăn, gian khổ, đói rét, bệnh tật hoành hành. Có những người lính đã phải bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc bởi cơn sốt rét hành hạ mà không có một viên thuốc bên mình. Gian khổ là vậy, các anh đói, rét, chân không giày, đầu không mũ, áo phong phanh, quần rách, đêm nằm trên lá khô và chịu những cơn ớn lạnh của núi rừng Việt Bắc. Mặc dù vậy, nhưng các anh vẫn nở nụ cười trong buốt giá, nụ cười như cất lên tiếng ngợi ca tình đồng chí xoa đi cái lạnh giá của mùa đông, cái gian khổ trong kháng chiến chống Pháp.

            Viết lên những dòng thơ này, Chính Hữu không phải định kể khổ để làm bài thơ trở nên bi thảm, lòng người bi quan mà để ngợi ca người lính: họ biết đồng cam cộng khổ: Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Câu thơ nhẹ nhàng, giản dị, đậm chất lính. Hai tiếng “Thương nhau” đặt lên đầu câu khiến nhịp thơ như lắng lại. Trong “thương” không chỉ có tình yêu mà còn có cả sự xót xa, cảm thông cho nhau. Chính trong tâm thế đó, những người lính tìm đến nhau trong cái nắm tay tình nghĩa. Đó là cái nắm tay thắm thiết, thân mật, siết chặt tình đồng chí keo sơn, truyền cho nhau hơi ấm để giúp đồng đội vượt qua sự giá lạnh nơi núi rừng cũng là cái nắm tay truyền ý chí chiến đấu, truyền ngọn lửa cách mạng. Cái bắt tay âm thầm lặng lẽ không ồn ào, không cần lời hoa mĩ, họ trao nhau hơi ấm từ lòng bàn tay, từ trái tim, vì họ đã hiểu rõ lòng nhau, vì họ “thương nhau”. Hơi ấm lan tỏa cả hai người, khiến họ nở một nụ cười, dù là “buốt giá”. Chính nhà thơ Chính Hữu từng tâm sự: “Tất cả những gian khổ của người lính trong giai đoạn này thật khó kể hết nhưng chúng tôi vẫn vượt lên được nhờ sự gắn bó tiếp sức của tình đồng đội trong quân ngũ. Cho đến hôm nay, mỗi khi nhớ lại tình đồng đội năm xưa, lòng tôi vẫn còn xúc động bồi hồi”.

Cuộc chiến đấu trường kỳ, ác liệt, gian khổ là thế, bộ đội ta chỉ có tình đồng chí đồng đội, sự đồng cảm giai cấp là nền tảng, là cơ sở duy nhất để tồn tại, tiếp sức cho nhau tiếp tục chiến đấu hướng đến thắng lợi cuối cùng

            Ba câu thơ tiếp theo cũng là câu kết thúc bài thơ đã khắc họa một bức chân dung của người lính trong đêm canh gác ở rừng.

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Hai câu thơ đầu là hình ảnh thực của người lính trên chiến hào truy kích giặc, câu thơ đã thể hiện tình đồng chí được tôi luyện trong thử thách và gian lao với phông nền “rừng hoang sướng muối” đầy khắc nghiệt của thiên nhiên. Hình ảnh đôi bạn chiến đấu "đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới" tạo nên tư thế vững chãi nương tựa vào nhau. Song giữa họ còn có người bạn thứ ba đồng hàn h trong những đêm phục kích, đó là trăng. Hình ảnh trăng bát ngát, chông chênh trên nền trời, rồi trăng cứ xuống thấp dần soi sáng tình đồng chí của người lính và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng.  Những đêm như thế, vầng trăng đối với người lính như một người bạn tri kỉ. Suốt bài thơ là bút pháp tả thực nhưng đến câu kết hiện thực đã pha chút lãng mạn, thơ mộng giữa cảnh vật và tâm hồn. Tâm hồn người lính không khô khan trước chiến tranh khốc liệt mà vẫn thấy rung động trước vẻ đẹp của cuộc sống, của thiên nhiên. Vì thế, súng và trăng, thực và mộng, thi sĩ và chiến sĩ đã hòa quyện tạo nên nét đẹp thơ mộng, tạo nên tình đồng chí cao đẹp, thiêng liêng giữa cuộc chiến đấu đầy gian khổ.

             Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” còn mang ý nghĩa tượng trưng. “Súng” là biểu tưởng cho lửa đạn chiến tranh, cho sự khốc liệt mà con người không muốn nghĩ đến. Còn “trăng” biểu tượng thiên nhiên cho sự hòa bình mà con người luôn khao khát.

             “Đầu súng trăng treo” là một trong những hình ảnh thơ độc đáo, bất ngờ và hay nhất là điểm nhấn cho đoạn thơ, là điểm sáng cho toàn bài thơ. Ba câu thơ cuối là bức tranh đẹp về tình đồng chí của người lính, là biểu tượng đẹp đẽ giàu chất thơ về cuộc đời người chiến sĩ trong gian đoạn kháng chiến đầy gian khổ.

Kết bài: Hình tượng người lính trong tác phẩm hiện lên qua bài thơ thật giản dị, chân thực và giàu sức biểu cảm. Nhà thơ đã khéo léo vận dụng ngôn ngữ tự nhiên, bình dị, những tục ngữ, thành ngữ dân gian làm cho lời thơ trở nên mộc mạc, thi vị, đi thẳng đến trái tim người đọc. Bên cạnh đó với những câu văn sóng đôi, những hình ảnh biểu trưng, ngòi bút hiện thực lãng mạn của ông đã tô điểm thêm vẻ đẹp sáng ngời của tình đồng chí, đồng đội. Lịch sử chiến tranh đã đi vào dĩ vãng nhưng bài thơ về tình đồng chí có lẽ sẽ sống mãi với quê hương, với Tổ quốc, với thế hệ hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau.

Đọc tiếp: Phân tích bài thơ Đồng chí phần 1

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22