Ở khổ thơ tiếp theo, Huy Cận đã tô điểm thêm bức tranh thiên nhiên cùng với hình ảnh chân thật nhưng đầy bất ngờ, độc đáo:
“Cá nhụ cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”
Tác giả sử dụng thủ pháp liệt kê: “cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song” với sự phối hợp màu sắc hài hòa, uyển chuyển như “đen hồng, vàng chóe” đã tạo nên một bức tranh giàu có của biển khơi. Mỗi loại cá có kiểu dáng, màu sắc khác nhau làm nên sự đa dạng và giàu đẹp của biển cả quê hương. Cái đuôi em quẫy dưới ánh trăng đã làm cảnh biển thêm sống động và rực rỡ lên, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy sức sống mà không mất đi vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình. Đặc biệt, tác giả gọi cá bằng em, một cách gọi trìu mến, cá không còn là đối tượng đánh bắt mà trở nên thân gũi với ngư dân.
Nhìn bầy cá bơi lội với những sắc màu phong phú, đa dạng nhà thơ đã lắng nghe tiếng sóng rì rầm với ánh mắt nhìn về xa. Câu thơ tiếp theo huyền ảo, lung linh: “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long” như đưa người đọc vào thế giới thần tiên trong truyện cổ tích. Bằng nghệ thuật ẩn dụ và nhân hóa tác giả đã biến biển cả bao la như một thực thể sống, tiếng sóng vỗ rì rầm được ví như nhịp thở trong đêm của biển. “Đêm thở, sao lùa” là hình ảnh độc đáo, sáng tạo và mới lạ trong nghệ thuật của Huy Cận. Có thể thể nói, tác giả phải có một tình yêu biển sâu nặng mới viết lên những vần thơ tuyệt bút và thơ mộng đến như vậy.
Với bút pháp lãng mạn và trí tưởng tượng sáng tạo, Huy Cận đã tạo nên những hình ảnh đẹp về vũ trụ bao la khiến công việc lao động nặng nhọc của người dân chài trở thành bài ca đầy niềm vui và sự tự hào.
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Hành động “gõ thuyền” là công việc thực của người đánh cá nhưng cái hay ở đây là trăng được tác giả nhân hóa như con người tham gia lao động và hòa cùng sóng biển. "Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao". Hơn thế tác giả đã so sánh ngang bằng biển như lòng mẹ dể nói lên sự bao dung, độ lượng và sự cần thiết, quan trọng của biển cả đối với người dân chài, đồng thời thể hiện lòng tự hào, lời cảm ơn đối với quê hương nơi đã nuôi ta lớn.
Một đêm trôi qua với tinh thần lao động hào hứng, hăng say thì trên bầu trời sao đã thưa và mờ dần chỉ còn lại cảnh kéo lưới là vẫn đông vui, tấp nập.
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”
Đây là chi tiết cụ thể về hình ảnh con người lao động hiện lên trong sớm mai thật đẹp, đó là hình ảnh khỏe mạnh, tươi tắn mà người dân làm trong lúc gặt hái được thành quả. “Kéo xoăn tay” là hành động mạnh, dồn hết sức lực để kéo cá từ biển lên với những chùm cá trĩu nặng. Thành quả mà ngư dân thu được là “vẩy bạc, đuôi vàng” trong sớm mai là hình ảnh vừa thực vừa mang nghĩa ẩn dụ, những con cá được ẩn dụ quí giá như vàng, như bạc mà biển cả bao la dành tặng cho người dân. Và rồi những khoang thuyền đầy ắp cá cũng là lúc bình minh vừa chớm nắng hồng, ánh nắng làm cho cảnh biển thêm đẹp và nhiều khởi sắc cho một ngày tươi mới, tràn đầy sức sống.
Trình tự theo thời gian đã được Huy Cận miêu tả rất tài tình và nhiều đặc sắc, ở khổ cuối là cảnh đoàn thuyền trở về với khí thế vui mừng và hoành tráng:
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Ở khổ đầu là câu hát căng buồm cùng gió khơi để đưa thuyền ra biển lớn, còn khổ 5 là tiếng hát gọi cá vào thì ở khổ này vẫn là tiếng hát nhưng đây là tiếng hát trở về với sự bội thu, thắng lợi và sức mạnh bởi họ đã thu được những khoang cá đầy ắp thuyền mà biển cả đã dành tặng. Đoàn thuyền trở về đất liền với tư thế nhanh, gấp gáp “chạy đua cùng mặt trời” tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa và nói quá để diễn tả cuộc đua giữa con người và thiên nhiên, cuộc đua không cân sức nhưng con người đã chiến thắng và đáp chân xuống đất liền khi mặt trời vừa nhô khỏi biển. Một màu của bình minh, màu của sức sống đã tạo nên một bức tranh biển kì vĩ, bao la nhưng chứa đựng nhiều nét thơ mộng. Ở câu thơ cuối “Mắt cá huy hoàng” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho cuộc sống tươi mới, nhưng ngày tốt đẹp đang đón chờ ngư dân và con người trong thời kì đất nước chuyển mình. Đó là một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên mà tác giả muốn gửi gắm trong câu thơ của mình.
Kết bài: Qua thơ Huy Cận chúng ta như được sống những đêm trăng đẹp trên biển Quảng Ninh cùng ngư dân làng chài. Cảnh đánh cá được miêu tả với cảm hứng lãng mạn cùng sự hăng say và niềm tự hào đã cho chúng ta những bài học về sự hi sinh, đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân. Thật vậy, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là một bài thơ hay đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng độc giả về con người và vũ trụ bao la rộng lớn.
Đọc tiếp: Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận phần 1