Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận
Mở bài: Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới, thiên nhiên vũ trụ là nguồn cảm hứng dồi dào của ông và mang những nét đẹp riêng. Sau cách mạng thơ của Huy Cận tràn đầy niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống và mang hơi thở của sự phát triển xã hội chủ nghĩa. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được ông sáng tác ở Quảng Ninh năm 1958 nhân một chuyến đi thực tế dài ngày. Bài thơ là một bức tranh đẹp đẽ là bản hùng ca ca ngợi người dân lao động khi đất nước chuyển mình.
Thân bài:
Mở đầu bài thơ là khung cảnh vô cùng huy hoàng, tráng lệ là cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi lúc hoàng hôn buông xuống;
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Hai câu đầu tác giả khái quát thời điểm xuất phát của đoàn thuyền đánh cá bằng những hình ảnh đẹp và tráng lệ của thiên nhiên. Mặt trời xuống biển nhưng dường như không tàn lụi, không tắt mà nó như hòn lửa rực đỏ khổng lồ chìm vào đáy nước đại dương. Biển cả, vũ trụ bao la như nồng ấm lên và như một ngôi nhà khổng lồ của người dân đánh cá. Biển lúc này được ví như con người biết tắt lửa, cài then, sập cửa. Tác giả đã sử dụng đồng thời ba biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ để tô lên vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ và đầy sức sống của biển cả mênh mông chứ không đìu hiu, ảm đạm như lối thơ cổ. Màn đêm như tấm cửa khổng lồ đóng lại để chuẩn bị nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng ở đây thì không, đối với người dân chài lại là lúc họ ra khơi đánh cá, cất tiếng hát và căng buồm cùng gió, thiên nhiên vũ trụ là phông nền cho con người xuất hiện.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Đoàn thuyền lại ra khơi theo tuần tự, nhịp nhàng như cái nhịp sống không bao giờ ngừng nghỉ. Chữ “lại” trong câu thơ đã diễn tả điều đó, cho ta hiểu đây là công việc và hoạt động hàng ngày, thường xuyên của những ngư dân vùng biển. Mỗi chuyến đi là niềm vui sự hào hứng và tràn đầy hy vọng. Họ vui vì ra khơi mang theo câu hát, tiếng hát khỏe khoắn, bay cao, bay xa hòa cùng gió trời, gió biển, thổi căng cánh buồm. Tiếng hát, gió khơi, buồm căng là ba chi tiết nghệ thuật mang tính chất tượng trưng của biện pháp ẩn dụ diễn tả tinh thần phấn khởi, hăng say và khí thế của người dân vùng biển khi ra khơi, chinh phục biển cả.
Bốn câu thơ tiếp theo là tiếng hát phấn khởi làm nổi bật tâm hồn của con người dân chài, tiếng hát cất lên cầu mong cho những điều may mắn, thuận lợi:
“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng,
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!”
Như bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh, mỗi khi đi đánh cá là người dân lại mong ước trời yên, biển lặng để có một ngày bội thu thì trong tác phẩm này, tác giả cũng nói lên niềm mong ước ấy để thể hiện tấm lòng hồn hậu của ngư dân chất phác, thật thà nơi vùng biển. Giọng thơ ngọt ngào, trong trẻo ngân dài và vang xa: "Cá bạc", "đoàn thoi", "dệt biển", "luồng sáng", "dệt lưới" là những hình ảnh so sánh ẩn dụ rất sáng tạo đem đến cho người đọc nhiều liên tưởng thú vị về vẻ đẹp thơ ca viết về người dân lao động của Huy Cận.
Khác với hồn thơ của Huy Cận trước Cách mạng là vũ trụ bao la, rợn ngợp trong “nỗi sầu trăm ngả” thì nay lại hết sức gần gũi, thơ mộng. Tác giả đã nhìn đoàn thuyền như một bộ phận của vũ trụ bao la nơi biển cả:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng”
Con thuyền vốn nhỏ bé nhưng qua lăng kính của nhà thơ thì thuyền trở nên lớn lao và kì vĩ. Hình ảnh con thuyền được đặt song song và hài hòa với thiên nhiên như gió, trăng, trời, biển. Hơn thế, con thuyền lại lái gió với buồm trăng đang lướt đi trên biển và như bay trên tầng không gian, trên thì có mây cao dưới thì có “biển bằng” mênh mông sông nước. Con thuyền đó đang lướt sóng giữa không gian bao la vô tận của vũ trụ để chinh phục biển cả, chinh phục thiên nhiên. Thật ra, đây là cách nói đảo ngược của tác giả, thực tế là gió lái thuyền và làm cho cánh buồm căng gió còn ánh trăng chiếu vào cánh buồm nhìn xa xa như là “buồm trăng”. Những hình đó mà nhà thơ tạo nên qua góc nhìn của mình đã cho người đọc thấy một hình ảnh về con thuyền đẹp đẽ - vẻ đẹp khỏe khoắn, đầy sức sống là hiện thân cho con người lao động vùng biển Quảng Ninh.
“Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
Giữa bát ngát trăng sao, trời biển con người không hề nhỏ bé, ngược lại họ hiện lên là những con người ngang tầm với thiên nhiên với tư thế của người chiến thắng, họ ra dặm xa dò bụng biển để bủa lưới vây giăng. Họ làm việc bằng sự hăng say và lòng dũng cảm cùng một tâm hồn phơi phới trước sóng nước mênh mông. Nếu như ở đoạn đầu, thiên nhiên đã chìm vào trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi “mặt trời xuống biển”, “sóng đã cài then”, “đêm sập cửa” thì ở đây, người lao động đã đánh thức thiên nhiên, khiến thiên nhiên dường như bừng tỉnh, như cùng hòa vào niềm vui trong lao động. Những hình ảnh đó tạo nên một bức tranh giữa con người và thiên nhiên tươi tuyệt đẹp và đầy sức sống.
Đọc tiếp: Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận phần 2