Nghệ thuật miêu tả nội tâm và bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du tiếp

Nghệ thuật miêu tả nội tâm và bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du tiếp

Bởi Học văn cô Hà Huyền 29/03/2024

Nhớ người yêu, nhớ cha mẹ những nỗi nhớ ấy đã nói lên nhân cách đáng trân trọng của nàng. Hoàn cảnh của nàng thật đau đớn, xót xa! Nhưng gạt bỏ cảnh ngộ của bản thân, nàng hướng yêu thương về người thân yêu nhất. Trái tim nàng thật giàu tình cảm và đức hi sinh, nàng thật sự là người tình thủy chung, là người con hiếu thảo một người có nhân cách đáng trân trọng.

            Nỗi nhớ chưa nguôi ngoại, Kiều lại quay trở về cảnh ngộ thực tại phũ phàng, đau xót của mình. Nỗi đau đớn ấy được thể hiện rõ ở tám câu thơ tiếp theo. Đây là những vần thơ có sức ám ảnh nhất của đoạn trích, diễn tả thành công “nỗi lòng cô quạnh, tê tái” của Kiều trong những ngày bị giam lỏng. Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả ngụ tình “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” để khắc họa rõ nét tâm trạng của Kiều qua đoạn trích.

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

            Hai tiếng “buồn trông” được lặp lại bốn lần trong đoạn trích như gói trọn nỗi lòng của Thúy Kiều khi bị giam ở lầu Ngưng Bích, cách sử dụng điệp ngữ của Nguyễn Du đã khắc họa những nỗi buồn khác nhau của Kiều. Nỗi buồn ấy mỗi ngày một tăng lên và tác động vào cảnh vật làm cảnh vật mỗi lúc lại buồn hơn.

Điệp ngữ “buồn trông” chứa đựng cái thoảng thốt, lo âu và sự xa lạ hút tầm nhìn cùng với dự cảm hãi hùng của người con gái lần đầu bước giữa cuộc đời ngang trái.

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Không gian xa rộng, hút tầm nhìn nơi cửa bể vào buổi chiều càng làm rõ hơn thân phận nhỏ bé, cô đơn của Thúy Kiều. Cảnh “chiều hôm” cộng hưởng với “cánh buồm” xa xa đơn độc, lẻ loi giữa sông nước mênh mông với ánh sáng le lói cuối cùng cũng như thân phận Kiều trong không gian vắng lặng của hiện tại, càng nhìn về tương lại càng thấy mịt mờ và vô vọng. Càng hướng ra xa thì con thuyền đó cứ dần mất hút theo chiều tà để lại cuộc đời lênh đênh của nàng giữa bốn bề tăm tối nơi đất khách quê người. Không tìm thấy sự hi vọng từ cửa biển, nàng đã hướng về “ngọn nước” gần mình hơn:

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Cánh hoa trôi trên dòng nước như gợi nhắc thân phận của Thúy Kiều, nàng càng buồn hơn khi chính mình đã nhìn thấy cuộc đời nhỏ nhoi đang lênh đênh, vô định “ba chìm bảy nổi” giữa sóng nước, cuộc đời sẽ trôi dạt và sẽ đi về đâu? Tìm đến với thiên nhiên đó mong sao vơi bớt mối sầu chất chứa trong lòng nhưng càng nhìn cảnh, tâm trạng lại càng rối bời. Dường như nước gợi lên sự lạnh lẽo, bất định, chảy trôi nên Kiều tìm về với bờ cỏ xanh, với mặt đất:

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Nhưng càng trông thì càng thấy buồn (rầu rầu), màu “xanh xanh” không còn là màu xanh của sức sống của tháng ngày êm đẹp trong những ngày Tết thanh minh nữa. Màu xanh ở đây chính là sắc xanh héo úa, mù mịt, nhạt nhòa trải dài từ chân mây đến mặt đất. Màu xanh của không gian gợi cho Kiều sự chán ngán, vô vọng và cô liêu. Sự vắng lặng bao trùm cảnh vật càng tô đậm tiếng lòng thổn thức của nhân vật trữ tình trong cảnh. Kiều cảm thấy cần một âm thanh của sự sống con người nhưng đáp lại nàng chỉ có những thanh âm hào hùng của thiên nhiên:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh.

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Dường như nỗi buồn càng lúc càng tăng, càng dồn dập. Cơn “gió cuốn” tạo nên tiếng sóng “ầm ầm” kêu quanh ghế ngồi như tiếng gào thét của lòng người trong cảnh ngộ bẽ bàng, tê tái. Âm thanh đó chính âm thanh dữ dội của cuộc đời bão táp đang ập xuống thân phận bé nhỏ của kiếp người trong xã hội phong kiến lạc hậu, đầy rẫy bất công. Tiếng sóng làm cho nỗi lo sợ, kinh hãi, đau đớn của nàng dâng đến tột đỉnh, nàng rơi vào thế tuyệt vọng và bất lực trước số phận nghiệt ngã của mình.

Cảnh trong tám câu thơ cũng có thể là cảnh thực, cũng có thể là cảnh tượng trưng ước lệ song đây chỉ là phương tiện để gửi gắm tâm cảnh. Tác giả Nguyễn Du đã miêu tả cảnh vật từ xa đến gần, từ đậm đến nhạt, từ tĩnh đến động để khắc họa rõ nét nỗi buồn sâu thẳm đến kinh sợ dồn đến bão táp nội tâm cực điểm trong lòng Thúy Kiều. Đó là cảnh được nhìn qua tâm trạng của Thúy Kiều theo quy luật “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu - Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Kết bài: Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình bậc thầy, Nguyễn Du đã khắc họa bức tranh phong phú, sinh động tả ngoại cảnh và tâm cảnh. Cái giá trị cốt lõi nhất mà tác giả muốn gửi gắm cho chúng ta không chỉ là cảnh vật mà là cái tâm hồn, tâm trạng, tác giả mượn cảnh vật để nói lên cảm xúc khổ đau, xót xa, bi thương của nhân vật trữ tình Thúy Kiều. Qua đó, cho thấy Nguyễn Du đã thực sự thấu hiểu, sẻ chia nỗi lòng nhân vật trong cảnh đời bất hạnh đồng thời ngợi ca tấm lòng cao đẹp của Thúy Kiều để giúp ta hiểu hơn về những số phận “hồng nhan bac mệnh”.

Đọc tiếp: Nghệ thuật miêu tả nội tâm và bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du (phần 1)

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22