Không gian và thời gian nghệ thuật trong Mùa hoa cải bên sông phần 4

Không gian và thời gian nghệ thuật trong Mùa hoa cải bên sông phần 4

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024
  1.  

Không gian chiếc thuyền

Chiếc thuyền là không gian gắn liền với cuộc đời của gia đình ông Lư, chiếc thuyền rất quan trọng đối với ông, nó là nơi sinh sống của cả gia đình ông. Khi vợ ông mất, nó càng trở nên quan trọng hơn cả. Chiếc thuyền giống như vỏ kén, ôm chặt lấy ông Lư, mang cho ông cảm giác được an toàn, được vỗ về. Chiếc thuyền chính là tượng trưng cho những suy nghĩ cổ hủ, ích kỉ, đen tối của ông. Ông không chỉ giam mình trong không gian chật đẹp, u tối của chiếc thuyền mà ông còn giam giữ trái tim, sự tự do, khóa chặt, kìm hãm tương lai của những đứa con. Gia đình năm người cùng sống trong chiếc thuyền nhỏ, không chỉ có Chinh, mà Cát – con trai thứ ông Lư cũng cảm thấy ngột ngạt, bí bách: “Tao chán cảnh này lắm rồi, cứ như ở tù”.

Cũng thấy rằng, ông Lư xuất phát xuất phát điểm là người cha tốt, ông muốn bảo vệ cho những đứa con của mình. Từ cái chết của vợ, ông nhận thấy sống ở trên bờ toàn những điều xấu xa, những người sống ở đó tàn ác, vô cảm. Nếu những đứa con ông “để gót chân chạm vào mặt đất đôi bờ thì trái tim chúng sẽ biến thành trái tim quỷ, chúng sẽ trở thành những con thú độc ác”. Ông Lư vì yêu vợ, thương con nên ông mới có những hành động và suy nghĩ như vậy. Ông Lư mang bi kịch của lòng tốt biến chất, từ một người đàn ông hiền lành, ông trở thành một kẻ ích kỉ, độc đoán, chỉ làm theo ý của mình, ép những đứa con phải sống cuộc đời giam hãm, tù đầy cũng giống như ông. Đến gần cuối của câu chuyện, khi phát hiện ra Chinh đã lên đất liền, gặp gỡ yêu đương để rồi có mang. Ông Lư “gầm lên”, “giáng một cái tát vào mặt cô”, tru tréo “Thế là nó đã lên bờ rồi. Nó đã đạp lên lời nguyền của ta. Nó giết chết cả gia đình này rồi” và “vung rìu chặt đứt mái tóc”, “rút chiếc cần câu trên mái liếp của nhà thuyền quất vào cô vun vút”. Vẫn trên chiếc thuyền – nhà tù với song sắt vô hình ấy, một lần nữa lại thành công bắt nhốt Chinh, nhốt cả đứa con của Chinh, cả những nỗ lực thay đổi số phận của cô. Tất cả khung cảnh ấy hiện lên đen tối, mang màu ám ảnh, nỗi day dứt cho người đọc.

  1.  

Không gian cánh đồng hoa cải

Không cánh đồng hoa cải là không gian thân thuộc của làng quê Việt Nam. Không gian rộng mở với cánh đồng hoa cải màu vàng tươi, trải dài khiến Chinh không thể rời mắt. Cánh đồng hoa cải xuất hiện khi cô mười bảy tuổi, đã trưởng thành, sẵn sàng rời xa vòng tay của người cha độc đoán. Cánh đồng hoa cải đánh dấu bước trưởng thành trong suy nghĩ và nhận thức của Chinh, thôi thúc Chinh đưa ra hành động táo bạo mang tính bước ngoặt - đó là làm trái lời cha. Khác với hai người anh hèn nhát, cũng thèm khát đôi bờ mà không dám vượt qua cái bóng quá lớn của người cha. Chinh dám đặt chân lên nền đất tơi, xốp, mềm mại, để được ôm lấy những chùm hoa cải ướt sương. Hành động táo bạo này thể hiện rõ tính cách mạnh mẽ, ương ngạnh, can đảm của Chinh, can đảm vượt qua định kiến cổ hủ của người cha để làm điều mà mình yêu thích.

Cùng với đó, không gian cánh đồng hoa cải cùng với mà đêm là nơi gặp gỡ, se duyên cho Chinh và Thao. Cánh đồng hoa cải mang lại cho cả hai hạnh phúc vô bờ nhưng cũng chứa đựng biết bao sự dằn vặt, khổ đau. Ban đầu chàng trai phát hiện có người ngắt nham nhở luống hoa cải của mẹ mình và quyết tìm cho được kẻ phá hoại, ai ngờ đó là là Chinh – một cô gái mang vẻ đẹp khiến Thao ngây ngất. Từ đó, hai người vào những đêm trăng, trên cánh đồng hoa cải, cùng nhau trò truyện, thấu hiểu và yêu thương, quấn quýt lấy nhau. Sợi dây tình yêu quấn chặt lấy họ, dần khiến Chinh quên đi những lời dặn dò của cha, quên đi mối thù của gia đình với những kẻ sống trên mặt đất, quên đi tất cả lời răn đe, áp bức của ông Lư để chìm đắm trong mối tình ngắn ngủi này. Những ngày tháng cánh đồng hoa cải còn vàng rực hai bên bờ, khi ông Lư vắng nhà, là những ngày hạnh phúc nhất đời Chinh. Dù hạnh phúc đó có ngắn ngủi nhưng đã phần nào giúp Chinh được sống là chính mình, giúp cuộc đời khô héo nơi con thuyền chật hẹp trở nên tươi mới, đẹp đẽ, đáng sống dù chỉ là trong một khoảnh khắc.

Không gian cánh đồng hoa cải với sắc vàng chói và màu xanh mướt dịu nhẹ của cỏ cũng biểu trưng cho một khởi đầu mới, cho sự sống nảy sinh. Cuối truyện, sau cơn sốt li bì, “Thao dậy sớm. Suốt cả bãi sông làng anh rực vàng hoa cải. Những bông hoa cải nhỏ nhắn, mềm mại, ấp áp đung đưa trong gió. Thao bỗng thấy trái tim rung lên đập hối hả. Anh chạy ùa xuống bến. Bỗng anh quỳ xuống bên luống cải. Trước mắt anh, trên mặt phù sa rụng lấm tấm những cánh hoa mỏng và từ đó kéo dài xuống bến sông là những dấu chân mỏng và nhỏ nhắn.” Kết thúc câu truyện là một ẩn số, ta không rõ Nguyễn Quang Thiều đang viết một cái kết có hậu hay không. Nhưng có lẽ cái kết này sẽ mở ra cho người đọc nhiều suy ngẫm và mở ra những điều tươi đẹp, cánh đồng vàng rực hoa gợi cho Thao về bóng dáng mỏng manh, đẹp đẽ, tinh khiết với tâm hồn đớn đau của Chinh, đồng thời cũng gợi ra một niềm tin mãnh liệt rằng hạnh phúc nảy mầm từ trong đau khổ, tuyệt vọng. Dù trong hoàn cảnh ngang trái khổ đau, con người vẫn có thể lựa chọn cách sống, tự định đoạt số mệnh của mình bằng niềm tin, sự dũng cảm vượt lên trên nghịch cảnh.

Đọc tiếp: Không gian và thời gian nghệ thuật trong Mùa hoa cải bên sông phần 5

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22