Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ, từ đó nên cảm nhận của em về tình bà cháu và tình quê hương, đất nước
Mở bài. Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm Bếp lửa. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
Bếp lửa là tác phẩm nổi tiếng của đời thơ Bằng Việt, một trong những bài thơ đi cùng năm tháng với nhiều thế hệ người Việt đặc biệt những ai có thời thơ ấu bên bà như tác giả. Bài thơ được khơi nguồn từ hình ảnh bếp lửa, gợi những kỉ niệm về người bà, về tuổi thơ và tình bà cháu, tình yêu quê hương đất nước. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua bài thơ “Bếp lửa” của ông.
Thân bài. Cần đạt được các nội dung sau:
* Mạch cảm xúc và hình ảnh bếp lửa
Bài thơ được sáng tác năm 1963 khi Bằng Việt đang du học ở Liên Xô. Bài thơ là lời của tác giả nhớ về bà với những năm tháng thơ ấu đầy kỉ niệm bên bà. Với mạch cảm xúc rất tự nhiên, đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm. Hình ảnh bà bên bếp lửa với bao gian khó, vất vả nhưng bà đã dành cho cháu tất cả tình yêu thương trìu mến. Nay cháu đã trưởng thành suy ngẫm và thấu hiểu cuộc đời bà, về lẽ sống giản dị mà cao quý, lớn lao của bà. Cuối cùng cháu muốn gửi về bà, về quê hương, đất nước lòng trân trọng, kính yêu và biết ơn sâu sắc.
*Hình ảnh bếp lửa luôn gắn với hình ảnh bà
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
- Ba tiếng “một bếp lửa” được nhắc lại hai lần đã trở thành điệp khúc mở đầu cho bài thơ. Với giọng điệu sâu lắng, khẳng định hình ảnh “bếp lửa” là dấu ấn không bao giờ phai trong tâm trí tác giả. Hình ảnh bếp lửa ấm áp giữa cái lành lạnh của sương sớm, thật thân thương với bao tình cảm “ấp iu nồng đượm” của bà kính yêu. Hơi ấm của ngọn lửa “chờn vờn” quyện hòa với hơi ấm của tình bà khiến đứa cháu xa nhà không thể nguôi ngoai nỗi niềm nhớ bà và xúc động mỗi khi hình ảnh bếp lửa hiện về trong tâm tưởng: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Sự nhớ thương về bà được người cháu bộc lộ trực tiếp và giản dị, đằng sau sự giản dị ấy là tất cả tấm lòng một sự thấu hiểu đến tận cùng những vất vả, nhọc nhằn lam lũ của bà.
- Từ hình ảnh bếp lửa và người bà tảo tần, lam lũ bỗng làm sống lại cả một thời thơ ấu trong lòng Bằng Việt:
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu.
Nghĩ lại đến giờ sống mũi vẫn cay.
- Cái nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã khiến hơn hai triệu người dân Việt Nam phải chết vì chính sách cai trị man rợ, tàn độc của bọn giặc Nhật, Pháp. (đói mòn đói mỏi) Tuổi thơ của tác giả đã nhuốm bóng đen ghê rợn của nạn đói mà có lẽ cả cuộc đời tác giả không bao giờ quên được. Cảnh nghèo đói đã ám ảnh trong văn chương Việt Nam một thời đến nỗi nhà thơ Chế Lan Viên đã từng tổng kết trong một câu thơ đầy đau đớn: “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”
- Hình ảnh “khô rạc ngựa gầy” cũng phần nào diễn tả được hoàn cảnh khốn khổ, thiếu thốn của gia đình tác giả trong bối cảnh 1945.
-Ấn tượng nhất đối với cháu trong những ngày tháng đói khổ là mùi khói bếp của bà - mùi khói hun nhèm mắt cháu, mà “nghĩ lại sống mũi vẫn còn cay”. Cái cay vì khói bếp khi cháu bốn tuổi là cái cay bởi xúc động khi cháu nhớ về người bà kính yêu. Quá khứ và hiện tại đồng hiện trên những dòng thơ cho thấy, mùi khói bếp của bà đã làm lay động cả thế chất và tâm hồn cháu.
- Nhớ về kỉ niệm là nhớ về bếp lửa “Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa” tám năm cháu nhận được sự yêu thương, bao bọc, nuôi dưỡng trong vòng tay ấm áp của bà, tám năm ấy khó khăn, vất vả nhưng cháu luôn nhận được sự chở che của bà. Nhớ nhất là hình ảnh bà bên bếp lửa mỗi sớm mỗi chiều: “Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”. Một mình bà ở nhà bao gian khó lo toan, bà vừa đảm nhiệm làm cha, vừa làm mẹ vừa làm bà nhưng bà vẫn vững lòng và làm trọn những vai đó cho người cháu bé nhỏ của mình: “bà bảo cháu nghe - Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”. Bên bếp lửa bà hay kể chuyện những ngày ở Huế để nhắc nhở cháu về truyền thống gia đình, truyền thống hiếu học và những đau thương mất mát của toàn dân tộc.
- Bà và bếp lửa là chỗ dựa tinh thần, là nơi sưởi ấm trái tim người cháu. Bếp lửa của quê hương, bếp lửa của tình bà lại gợi thêm một kỉ niệm tuổi thơ – kỉ niệm gắn với tiếng chim tu hú khi gọi hè:
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xaa?
Tiếng chim tu hú trong những câu thơ của Bằng Việt là tiếng chim quen thuộc gợi nhớ về người bà, những năm tháng mà tác giả được sống trong sự yêu thương của bà. Tiếng chim như giục giã, như khắc khoải một điều gì da diết khiến lòng người cháu trỗi dậy những hoài niệm, nhớ mong về tuổi thơ. Câu hỏi tu từ “Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà – Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa? Câu hỏi không có câu trả lời đã tạo nên sự xót xa, vắng vẻ, côi cút khi cháu nghĩ về người bà kính yêu của mình.
=> Những câu thơ như lời đối thoại tâm tình, cháu trò chuyện với bà trong tâm tưởng, cháu trò chuyện với chim tu hú trong tình yêu thương. Và tất cả đều là sự bộc bạch của cháu dành cho người bà kính yêu. Hình ảnh của bà, hình ảnh của bếp lửa và âm thanh của chim tu hú vang vọng trong một không gian mênh mông khiến cả bài thơ nhuốm màu thương nhớ về những hoài niệm ấm áp mà bà đã dành cho tác giả.