Trải nghiệm chối bỏ trước ngưỡng của những không gian
“Vọng vội vã như trôi xuống cầu thang, đi dọc hành lang đi qua thư viện đi qua nhà nguyện và chắc cũng đã đi qua phòng xưng tội. Vọng đóng cửa phòng mình ngửa cả biđông mà tu rượu. Đám thạch sùng xám bám trên tường giương mắt lồi nhìn vọng. Vọng nhớ ra rồi, anh có gặp thằng bé ở phòng lễ tân của trung tâm mátxa Gốc tre xanh…thâm niên rất sành…Chính nó lúc gần sáng đã gọi cô bé nằm cùng phòng với Vọng ra mắng. Có tiếng chuông từ nhà nguyện. Vọng sụp xuống chân giường lỗ chỗ mối, tuyệt vọng xấu hổ lẫn tức giận. Vọng lẩy bẩy siết chặt con dao ăn giắt ở cạnh balô. Hình như Vọng đã đi ra cửa rồi Vọng lại trở vào”.
Phân đoạn gần cuối tác phẩm với dày đặc hành động được trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật mở ra một khả năng mới: kẻ đồng hành bội phản vô tình trở thành người dẫn lối theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vọng buộc phải chấp nhận một sự thật: Anh chẳng thuộc về thành phố và càng không chung sống được nơi rừng núi xa lạ. Anh đứng tại ngưỡng của các không gian, được chúng tôi cấu trúc lại như sau:
“hành lang” “thư viện” “nhà nguyện” (tiếng chuông) “phòng xưng tội” |
“Vọng nhớ ra rồi” |
“đóng cửa phòng”(“tuyệt vọng xẩu hổ lẫn tức giận”, “lẩy bẩy siết chặt”) |
Không gian cứu chuộc vô can trước đổ vỡ |
Bước ngoặt nhận thức |
Không gian lạc lõng chứng kiến đổ vỡ |
Lần đầu tiên, Vọng chủ động tiến tới chối bỏ, và ngay lúc “vội vã” nhất lại cũng là khi điềm tĩnh tỉnh táo lựa chọn nhất. Nhân vật chấp nhận lạc lõng nhưng chưa bao giờ anh ta thấm thía tình cảnh xung đột không gian rõ rệt như hiện tại. Có cảm tưởng Vọng như con quay quăng mình từ phía này đến phía khác mà nếu tiếp tục trì hoãn, chắc chắn sẽ còn thê thảm hơn hình ảnh Chúa Giêsu đóng đinh trên cây thập tự. Bao giờ anh mới thôi mắc kẹt, mới thôi “đi ra cửa rồi lại trở vào”? Không có câu trả lời tuyệt đối. Chỉ biết nhân vật thực hiện theo cách: đi vào núi là lựa chọn chủ động đầu tiên và chối bỏ núi là lựa chọn chủ động cuối cùng. Đi từ tin tưởng chờ đợi đến hoài nghi và cuối cùng là chối bỏ. Chúng tôi tiến hành cụ thể mối tương quan giữa không gian cứu chuộc và không gian lạc lõng ở trên thành một cấu trúc nới rộng đường biên khi kết hợp với các tín hiệu trong tác phẩm:
- Dẫn lối bằng im lặng (“im lìm không có tiếng đáp”, “không hỏi gầy gò nhìn”, “vẫn không nói gì ken két khép cửa lại”, “suốt dọc hành lang hun hút vắng vào giờ nguyện không thấy một bóng người.”…)
- Hứa hẹn cứu chuộc tội lỗi (“chỉnh tề ngồi giữa mịt mù khói thuốc”, “vài tu sĩ có tuổi trầm ngâm quỳ suy niệm”)
- Bệ đỡ giải phóng con người (“cái nhìn hiền từ của vị linh mục tóc bạc”, “muốn giãi bày với ông cha già”) |
Phản tỉnh |
- Đổ vỡ niềm tin: Chúa không dẫn lối (“Vọng run rẩy đã kêu lên một trong nhiều tên của Đấng thượng đế”, “Tại sao người ta lại phải quì dưới chân Chúa?”, “Tôn giáo rõ ràng là mơ hồ làm cho Vọng vừa không ưa vừa sờ sợ”, “Phòng xưng tội quả thật rất khó tìm.”) - Nhân vật mang tội (cả trong ý thức và vô thức: “vô thức lùi lại một bước suýt nữa anh quỳ sụp xuống mà xưng rằng, lạy cha con là kẻ có tội.”) - Tiếp tục chịu đày ải (“Rất nhiều lần Vọng sâu sắc thấy mình vừa hi sinh vừa cao thượng khi lưỡng lự không kí vào đơn li dị vợ.”) |
“cứ gõ là cửa mở” – vấn đề không phải là đóng lại hay mở ra. Cũng như tính chất ngưỡng, ta tự hỏi trung gian của tất cả những mắc kẹt là chính con người – họ là ai và trở-thành thế nào sau tất cả? Truyện ngắn để lại những khoảng trống theo cách đối thoại với người đọc, khiến họ buộc phải đối diện với chuyến hành trình tìm kiếm căn tính nhân vật: khởi đầu với “Anh đã đau khổ, đang sám hối và tự mình đi tìm Đạo trong một sự thanh tẩy”, ngập ngừng quãng giữa qua câu hỏi mang sắc thái tự vấn “Cháu có biết tại sao chú vào đây không?” và cuối cùng bơ vơ lạc loài giữa “hoàng hôn chiều bảng lảng của rừng, tuyệt không thấy núi”. Rốt cuộc, Vọng vẫn loay hoay ở ngã ba đường, vẫn bị động với những chỉ dấu của số phận. Nó đánh dấu kết thúc hay chỉ mới bắt đầu một hành trình khác?
Đọc tiếp: Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 7