Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 7

Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 7

Bởi Học văn cô Hà Huyền 27/05/2024

Trải nghiệm loay hoay kiếm tìm không gian

Sự thật là, hành trình ấy vẫn đang tiếp diễn mà việc đi vào núi là căn cớ thúc đẩy.

Vọng đã hơn một lần loay hoay đi tìm “cách sẽ đi vào núi như thế nào”: “Vọng loay hoay đi tìm”, “Loay hoay mất công rồi cũng chỉ đẩy vào những cánh cửa đã mở sẵn”. Có thật là mất công không thì hẵng vội kết luận, bởi trên chặng khám phá tưởng chỉ làm được một việc quay trở lại xuất phát ban đầu, nhân vật mới “vỡ” ra những phản tỉnh về một “cánh cửa đã mở” khác đã-không-được-bước-vào-trước-đây: ấy là bản thể Vọng với tất cả những khiếm khuyết, chấn thương toang hoác chưa được đắp rịt mà trở nên mưng mủ. Loay hoay cũng là cách đối diện và nỗ lực chữa lành đổ vỡ. Lời nói bên trong của Vọng “Chắc là Vọng đi đúng đường rồi” lẫn hành trình kiếm tìm nhắc nhớ đến truyện ngắn “Làng gần nhất” của Kafka khi nhân vật rốt cuộc không đến được cái làng ngay trước mặt. Cái phi lý của nhân sinh nằm tại những phi lý bám chấp của chính con người, là lực cản trở truy tìm tự do thực sự: “Xa xôi khuất sau nhà thổ chìm trong chịu đựng thường là có nhà thờ hoặc nhà chùa”. Đến cuối cùng, chiếc xe Mercedes chín chỗ cùng những đại diện văn minh vẫn cứ trở đi trở lại, không thể ruồng bỏ hoàn toàn (“thịt và cá hộp”, “tổng giá tiền kèm chữ ký nháy của bà kế toán trưởng răng vẩu mà Vọng rất ghét”, “môbai dang rung những vệt sáng có tín hiệu đến”); đi cùng với đó là núi rừng cứ không ngừng khác đi (“không thấy con suối lần trước Vọng đã lội qua, chỉ lác đác vài trảng cỏ ua úa nửa xanh nửa vàng vì thiếu mưa”) cứ như thể nó đã ở đó và cho dù thế nào cũng sẽ vĩnh viễn không buông tha cho con người. “Nụ cười nhàn nhạt” hay “mêu mếu cười” của anh là sự phản tỉnh cay đắng và đầy giễu nhại về cuộc đời nhiều uẩn khúc mà có lẽ, anh chỉ có thể chấp nhận nó thay vì ngông cuồng chối bỏ. Thay vì đi vào đi ra, bước lên bước xuống, hướng trái hướng phải – lựa chọn mang tính vật lý giờ đây không còn là mối bận tâm quá lớn, nhân vật hơn ai hết hiểu mình cần chọn không gian cho tồn tại căn tính.

Vậy, có không gian nào lý tưởng cho tồn tại hay chăng? Ernest Hemingway trong truyện ngắn “Một nơi sạch sẽ và sáng sủa” (A clean and well lighted place, 1933) đã để cho những nhân vật của mình khát khao một nơi chốn có bóng lá, sáng sủa và trật tự ngăn nắp, dù sau cuối, họ hoặc lạc lõng bước ra bóng tối hoặc trở về chiếc giường ngủ trước ba giờ sáng như những kẻ khác. Nhưng còn loay hoay, còn chấp nhận thực tế mình không dễ yên ổn với tồn tại lại chính là mấu chốt thúc đẩy một cuộc đời đáng sống – cuộc đời không rút kiệt vào mục đích “đổi đời”. Để làm người, quan trọng là không dừng lại trên hành trình vươn mình tìm đến và bù đắp phẩm chất người.

  

Nếu có một điểm tựa nào đó cho Vọng hay con người nói chung trên chặng đấu tranh không ngừng ấy thì không gì khác ngoài niềm tin. Ta loay hoay bằng niềm tin vào giá trị cốt lõi, dẫu cho kết cục của tất cả là Hư vô (Na đa). Chẳng phải vì không cần dựa vào Chúa mà trở nên kiêu hãnh, chớ đánh tráo khái niệm với những điều giả ngụy, ta có thể vin vào Chúa trong sự phóng chiếu với phẩm giá chính mình để cứ dần dần khám phá ra được “con đường đi vào núi”. Tin vào bên trong để biết Im lặng: “Khi đi ngang qua hang đá Đức Mẹ, thằng bé cởi balô quì xuống mấy lần cầm đọc Kinh Kính Mừng”. Im lặng để chí ít không đánh mất những “vương vấn dằn vặt” hiện thân cho tính người, “khinh ghét đám đông” nhiều xô bồ tha hóa. Đặc biệt, con mắt vô tư và nguyên ủy, cách ngăn với hàng hàng lớp lớp những đặt định chính là “báu vật” của nơi chốn, của phẩm tính con người – điều mà tận sâu bên trong là khao khát của Vọng: “Khi đi qua cầu Chương Dương buông mắt nhìn sông Hồng ngầu đỏ, Vọng khe khẽ lẩm nhẩm ca từ bài Phôi pha của Trịnh Công Sơn, bài tủ của Vọng lúc uống say ngồi giữa đám cave ở nhà hàng Hương Cảng phố Thi Sách. Vọng mang máng tự biết rằng suốt một trăm năm nay sau Tam Nguyên Yên Đổ thì Vọng hình như là người duy nhất dám treo ấn từ quan”.

Trong tác phẩm “Người mẹ”, Grazia Deledda đã để cho nhân vật tự vấn thế này: “Con người có thể sống mà không cần tin được sao?”. Xét cho cùng, ai cũng có quyền tin và được tin, bởi nếu không thế, con người sẽ dần xa lạ với bản ngã như nguyên, khước từ những giải phóng lưu đày vã mãi trốn chạy hèn nhát giữa các không gian. Cái nhìn “đùng đục nhìn Vọng bằng đôi mắt đẫm rượu” của viên trợ lý cùng lời khẳng định “Tại vì tôi không có đức tin” là chỗ đánh dấu cho những rạn vỡ không dừng lại được của anh ta trên mọi bước đường sống. Vọng có thể không cần “quỳ xưng tội” như cái cách trước nay anh vẫn thường nhưng ta hi vọng vào khát vọng được “cô đơn như núi mà hòa nhập vào thiên nhiên” vẫn cứ đeo đẳng cùng nhân vật. Thằng bé vác đồ dẫu “mất dạy” nhưng nó có “đạo” của riêng mình.

Vọng” – tên gọi của nhân vật trải nghiệm – đã hé mở cho lựa chọn hướng vọng về căn tính cốt lõi. Đây hẳn cũng là câu trả lời cho những hoài nghi và bề bộn đời sống. Lần thứ nhất, Vọng nhớ đến “gã họa sĩ trẻ đứng thút thít ở cổng triển lãm tranh nghệ thuật khỏa thân đầu tay của gã khi nhìn người Hà Nội ồn ào rủ nhau đi xem phim khiêu dâm” và hình ảnh ấy một lần nữa trở lại như là biểu trưng cho những khát khao cần được cất tiếng của mình: “Vọng nhớ lại cái cảnh gã họa sĩ trẻ sụt sịt khóc ở cổng triển lãm”. Trước những biến thiên thời cuộc, điều níu giữ cuối cùng chính là nỗ lực nuôi dưỡng tiếng nói bên trong, “độ trong” của bản thể - dẫu khuất lấp và vô hình - như cách mà Nguyễn Khải nói về bà Hiền (“Một người Hà Nội”): “Cô muốn mở rộng sự tính toán vốn dĩ đã rất khôn ngoan của mình lên thêm một tầng nữa chăng, cái tầng vô hình, không thể biết, nhưng phải biết là trên đời này còn có nhiều lý sự không thể biết để khỏi bị bó vào những cái có thể biết. Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”.

Đọc tiếp: Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 8

 

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22