Trải nghiệm lưu đày kí ức về Hà Nội
“It’s a trap” – Bẫy đấy.
Đến nơi chốn mới, tưởng đầy hứa hẹn về một viễn cảnh giải phóng bản thể của một cư dân bị vây chặt với ràng buộc đô thị, Vọng tiếp tục bị lưu đày. Mạch vận động phát triển của cốt truyện luân phiên tạo ra những khoảng không gian đặt nhân vật vãn hồi về Hà Nội, thậm chí khác với phần trước, những mô tả về Hà Nội trở nê dày đặc hơn. Nói cách khác, ngay khi nhân vật có trải nghiệm nơi núi rừng thì lập tức ký ức anh ta liên tục phóng chiếu đến những-điều-đã-trải nơi thành phố vừa rời bỏ cách đây không lâu. Tâm trí Vọng đã không thể thả lỏng mà ngược lại, níu chấp để sự thuộc về rừng núi là bất khả. Vậy ra, ngoài nhận thức luận về tính chất vật lý, không gian sống còn đậm đặc tính bản thể và rõ ràng không thể bứt lìa hoàn toàn khi con người vắng mặt khỏi nó, vẫn cứ bao bọc, đay đả và thậm chí cầm tù.
Khảo sát cốt truyện, chúng tôi nhận thấy có ba tác động đưa đẩy tình trạng bị lưu đày trong cảm thức về Hà Nội của nhân vật, được cụ thể hóa qua mô hình sau đây:
Hãy bắt đầu với sự tồn tại có tính xâm lấn của của các vật thể đặc trưng cho văn minh đô thị: “ca ra ô kê”, “mô bai”, “cạc mi ca”, “một cái lều giả gỗ xây bằng bê tông”, “pate Pháp và trứng cá Nga”, “biđông nửa lít bằng inox”. Chúng là hiện thân cho tính tiện nghi, có ích của xã hội hiện đại khi được tạo ra và quay ngược trở lại định hướng cho nhu cầu con người. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Việt Hà đa phần đi từ gốc từ tiếng Anh phiên âm sang tiếng Việt như là cách thức giễu nhại tính sẵn có của đời sống cung cầu – xã hội mà khi sống trong nó, tính chủ động của cư dân bị giảm thiểu đến mức tối đa, đưa họ vào vòng tròn khép kín thuộc về chuỗi lưu thông khổng lồ của nền kinh tế thị trường. Chính người vợ của Vọng hiện lên như một mắt xích thúc đẩy tiến trình ấy bành trướng trên diện rộng: “Vợ Vọng biết tính chồng, cẩn thận phiên nôm tên món bằng tiếng Việt dán giấy dính trên từng nắp hộp”. Con người do đó biến thành con rối của văn minh.
Tiếp đến là không gian núi rừng xa lạ được xem như một yếu tố quyết định đến sự ly gián nhân vật với chính nó. Một loạt những đặc tả hiện thân cho không gian tu viện nơi núi rừng: “cái hố xí bệt”, “con thạch sùng màu xám nhạt luẩn quẩn quanh cả bốn bức tường”, “cái khóa gỉ”, “ngai ngái một mùi mốc không hơi người”, thậm chí đến cả “hệ thống điện” cũng đang “trục trặc”, không có sóng kết nối. Chưa hết, núi rừng xa lạ chứng kiến bao lần Vọng phải loay hoay tìm cách thích nghi: “lúng túng xắn quần lội suối”, “Cái im lặng của rừng và núi làm Vọng ghê ghê”, “Vọng đã ở đây sang ngày thứ tư và chật vật lắm vẫn không thể quen”, “Không có mùi của các món xào, chỉ nặng chịch một mùi rau luộc”,.... Anh cũng đã cố gắng bắt chước, mô phỏng những gì mình chứng kiến thuộc về thực hành tu viện: “Vọng nối vào người đi sau cùng”, “Vọng theo mọi người vào bàn vụng về làm dấu rồi cố trang nghiêm nghe tiếng ngân nga đọc kinh”, “Vọng sẽ phải cắn răng chịu đau”,…Nếu ở trên, những cung cấp từ Hà Nội cho Vọng một sự đảm bảo thì ở đây, nơi chốn buộc anh phải tìm cách loay hoay. Cũng ứng xử với tâm thế bị động nhưng rõ ràng có tính bất trắc cao hơn. Nó không buộc chặt để nhân vật trở thành một phần nơi chốn mà thay vào đó, đẩy những kẻ như Vọng và ngoài Vọng bật ra xa hơn. Không thấy đích đã đành, hành trình đi đến nó làm con người trở nên đơn độc. Một Hà Nội mà anh ta đã sống quen xung đột với một vùng núi lần đầu trải nghiệm đã đưa nhân vật trong vô thức liên tục hoài nhớ như một sự an ủi, thậm chí tiến hành thói quen của thành phố: “…vội ngần ngừ làm hai nắp bi đông của mỗi loại mồi vã với hộp thịt bò nấu sốt cay”, làm nhẹ hóa cảm giác khó chịu với “ba lô căng phồng” mà người vợ đã chuẩn bị từ thành phố cho chồng đi xa.
Thứ ba, chúng tôi xét đến người đồng hành xuyên suốt hành trình “đi vào núi” của Vọng là thằng bé vác thuê tự nhận mình là “sinh ra ở vùng này nhưng chưa đi đâu xa”. Tuy nhiên đây chính là vai “đánh tráo” không gian lớn nhất trong truyện ngắn, dắt mũi được cả nhân vật và người đọc dù sau rốt, sự tráo giả đã không thể thành công. Nếu Judas khi xưa trong Kinh Thánh là kẻ phản chúa đáng phỉ báng thì thằng bé xa lạ này cũng là kẻ đi kèm có chủ đích (bội phản), từ đánh lừa đến gọi về những ám ảnh thành phố của Vọng. “Thế thì Vọng nhầm” ư? Không, anh đã chẳng sai khi liên tục nhìn – cảm cậu trong sự ngờ ngợ, soi xét. Chuyến đi của Vọng đã từ “không có kế hoạch” theo đinh ninh ban đầu hóa thành bị đưa đẩy và dẫn dắt. Và thế là, muốn quên mà không được phép, anh lần tìm về tội lỗi và sự tha hóa của chính mình. Nhân dạng “bờn bợt một màu đô thị hết hẳn vẻ sơn dã” và cử chỉ của thằng bé – vô tình hoặc cố ý – gợi liên tưởng đến “cô bé Thanh Hóa mười chín tuổi mới làm lễ tân ở văn phòng Vọng chưa đầy nửa năm rụt rè thông báo là mình có bầu”, ứng với đó là hành động gia nhập vào vòng quay buôn bán, tráo đổi thang bậc xã hội của môi sinh mà anh ta thuộc về: “Vọng đẩy dịch cái phong bì dày những tờ một trăm ngàn đồng ra góc bàn, anh khe khẽ cầm cả hai bàn tay cô bé gờn gợn chai áp nhẹ lên má mình”. Trên thực tế, thằng bé với màn diễn trò lố bịch tạo nên từ những dày đặc thói quen thành thị: “lại gần cái chỗ rơi cái điện thoại”; “hổn hển thở tháo hai cái balô ngót nghét chừng năm chục cân, lấy cả hai tay đấm mạnh cửa”; “sành điệu ngửa cổ hất trọn một trăm phần trăm”;…Đi kèm với đó là những phát ngôn đầy bất nhất: “- Chú đừng làm bẩn thế, bãi cứt trâu đấy”; “giọng nó không còn ề à sơn cước mà lanh lảnh ngữ điệu sành sỏi của bọn người đô thị”.
Chúng tôi bằng việc bước đầu phân tích cả ba loại tác động trên, đi đến truy xuất về bản chất của kí ức không gian lưu đày như sau: Vọng và thằng bé vác đồ vừa khác lại vừa giống. Họ xa lạ lẫn nhau trong động cơ bắt đầu chuyến hành trình vào núi và vai trò: một kẻ dựa dẫm, một kẻ phụ trợ dẫn dắt. Tuy vậy, cả hai đều đồng lõa trong cảm thức thành phố xa lạ với núi rừng, đều tố cáo kẻ khác và chính mình từ trải nghiệm không gian. Họ cứ thế vùng vẫy trong những cọ xát của bản thể với thế giới. Nơi chốn mà nhân vật trôi dạt đến trở mình qua những xâm lấn, từ đó núi rừng mất đi “độ trong” cần thiết: “Trên đấy chắc chắn không có người bình thường ở, hoặc phải là tiên hoặc phải là yêu quái”. Cái nhìn về núi rạn vỡ với tính can thiệp của mơn trớn đô thị: “Men rượu chầm chậm ngấm và không hiểu sao Vọng thấy dáng núi có những nét gợi dục. Những đường cong thiếu nữ lồ lộ, đã bao lần Vọng vừa uống rượu vừa ngắm”.
Con người dù đi đến bất cứ đâu đều luôn luôn vấp phải hình bóng nơi chốn thuộc về. Đó là cơ hội để họ cắm rễ sâu vào thực tại và đồng thời là rào cản lớn đem đến nguy cơ đánh mất chính mình.
Đọc tiếp: Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 6