Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 3

Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 27/05/2024

Trải nghiệm không gian trong “Mãi không tới núi” (Nguyễn Việt Hà)

Dù nhận diện Nguyễn Việt Hà như người kể chuyện thú vị về Hà Nội qua ngồn ngộn những tạp văn, nhà phê bình Trương Quý trong lời giới thiệu tập “buổi chiều ngồi hát” đã không thể không nhấn mạnh đặc điểm truyện ngắn của nhà văn như sau: “Ở đây, Truyện ngắn là cái áo vừa vặn của những nỗi bâng khuâng”. Như Sisyphus, các nhân vật của Nguyễn Việt Hà đè nặng trên vai những bi kịch số phận, luôn phải nhọc nhằn vần đẩy tảng đá lên ngọn núi cao, cứ thế và cứ thế. Cụ thể, họ loay hoay trong chính không gian sống của mình, tạo ra loại hình không gian nhân vật, trải qua những dời chuyển, kéo người đọc cùng nhập cuộc trên hành trình khám phá căn tính. Trong truyện ngắn “Mãi không tới núi”, nhà văn mở ra hai không gian chủ đạo: rừng núi và thành phố (Hà Nội). Chúng trở đi trở lại, không ngừng va đập vào nhau trong cảm nhận và góc nhìn của nhân vật Vọng, khiến thế giới tác phẩm không ngừng được giãn nở.

Chúng tôi xin được khái quát hóa quá trình vận động của nhân vật ứng với hai nơi chốn như sau: Từ Hà Nội với văn phòng làm việc, bệnh viện, nhà khách,…; Vọng bỏ vào Núi, lựa chọn giữa ngã ba đường rồi trôi dạt đến một tu viện với các tiểu không gian như căn phòng, nhà ăn, hành lang, nơi xưng tội,…Câu chuyện gợi lại ý niệm về những cuộc chạy trốn đã từng được tiến hành trong văn học – đến đích hoặc không, thỏa mãn hay bất an. Mỗi không gian cho nhân vật chính những trải nghiệm cùng kẻ-khác-mình, bên cạnh các vật thể còn có sự phóng chiếu những kí ức, tâm lý và suy ngẫm. Trên hành trình chuyển dịch ấy, người kể chuyện trao điểm nhìn quan sát cho Vọng, cắt ghép phân cảnh đan xen giữa hiện tại và quá khứ tạo ấn tượng tựa một mê cung “bất đắc dĩ” mà anh ta phải tìm cách hoặc thích nghi hoặc thoát ra. Chúng tôi cho rằng thao tác sơ đồ hóa không gian tác phẩm khó đươc thực hiện tối ưu bởi nó không theo đường thẳng, cũng chẳng tăng tiến đi lên mà cứ “trùng trùng điệp điệp”: mở ra rồi đóng lại, chờ đợi và vỡ lẽ, vừa riêng tư lại vừa như bị dẫn dắt. Qua đây, chúng tôi hi vọng nhận diện được cảm thức nơi chốn, diễn giải cơ chế sống và chọn lựa của nhân vật trên mỗi chặng của mình. Vậy Hà Nội trước sau có phải là một “thủ đô tráng men”, trong suốt và tráng lệ trầm mặc như những định hình thành phố qua văn chương trước đây? Rừng núi tìm về có đưa con người trở lại bản thể thuần hậu như nhiên của mình? Vọng và ta thực sự thuộc về đâu trong kiếp sống ngắn ngủi và nhiều vật lộn? Chính Nguyễn Việt Hà có lần đã chia sẻ về “Mãi không tới núi”: “Thỉnh thoảng, có một vài truyện ngắn rất quan trọng với những người viết tiểu thuyết, đặc biệt là khi nó lại của chính mình. Đại loại, nó tạo ra một sinh lực một khát khao muốn viết dài hơn rộng hơn. Với riêng tôi, Mãi không tới núi là một thứ như vậy”. Và có lẽ, chính việc kết bện các không gian là bước đầu tiên để nhà văn mở ra những chiều kích phong phú cho tác phẩm, thế giới mà nhân vật của ông – từ đầu đến cuối chỉ có một mình - cần đối diện và chấp nhận hơn là chối từ. Những trải nghiệm bắt đầu.

Đọc tiếp: Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 4

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22