Nội dung
Không gian nghệ thuật – phương tiện kiến tạo mô hình thế giới
Thi pháp học xem xét không gian là hình thức tồn tại quan trọng nhất của tác phẩm nghệ thuật. Nó là môi trường sinh tồn và hiện hữu của nhân vật, chứng kiến những biến chuyển trong cảm nhận, góc nhìn về thế giới – rộng mở hay thu vén, hỗn độn hay trật tự, bình an hay bất an. Nơi chốn, do đó, thuộc trải nghiệm trong việc kiến tạo mô hình thế giới mang đậm dấu ấn chủ quan, dựng nên trong mối quan hệ với cốt truyện, thời gian, nhân vật, điểm nhìn,... Nói cách khác, nhờ hiện diện con người, không gian trở nên sinh động, không chấp nhận một đơn nghĩa duy nhất.. Nói như Iu. Lotman: “Ngôn ngữ của các quan hệ không gian không là phương tiện duy nhất để mô hình hóa thế giới, nhưng nó là quan trọng nhất và cơ bản nhất để tạo nghĩa thế giới”. Câu chuyện sẽ đưa người đọc đi từ không gian này sang không gian khác, việc trói buộc và vượt qua các chặng đều “ghi” lại những khả thể trong việc “đọc” văn bản. Nhìn rộng ra, nó góp phần tạo độ “mở” cho sự vận động, phát triển của thi pháp học, khám phá bản chất và quy luật của thế giới nghệ thuật đa chiều hơn; chứ không chỉ dừng lại ở việc soi chiếu tác phẩm từ góc độ đề tài, cảm hứng xã hội hay chính trị đơn thuần.
Vấn đề đặt ra là: Khác với tiểu thuyết tái hiện thế giới trong tính toàn vẹn, bao quát của nó truyện ngắn chỉ có thể đặt nhân vật trong một không gian hạn chế hơn, liệu có nguy cơ làm hạn hẹp mô hình tạo nghĩa của tác phẩm? Không hẳn. Càng gọn gàng chặt chẽ, càng đòi hỏi ở nhà văn phẩm chất công phu tạo độ “dồn nén” trong việc xây dựng thế giới nghệ thuật, đặc biệt trong cách xếp đặt, mô tả mối tương quan giữa các phạm trù nơi chốn. Nó phân biệt với những mảng, những miếng đời sống “nhẩn nhơ vụn vặt” của tạp văn và cái “ăm ắp cồn cào” của mối liên hệ trong dòng chảy vận động của tiểu thuyết. Nói cách khác, xây dựng không gian trong truyện ngắn thành công đồng nghĩa với việc tạo ra một bầu khí quyển đậm đặc để đưa người đọc sống cùng, trải nghiệm cùng. Điều này thách thức những giới hạn mô tả, trong nhiều trường hợp sức chứa không gian của truyện ngắn có khả năng cạnh tranh với biểu đạt không gian của tiểu thuyết.
Tiếp cận tác phẩm từ góc độ không gian nghệ thuật, chúng tôi dựa trên gợi ý của phương pháp phân tích đi từ chiết xuất ra các cặp đối lập nơi chốn, nhận diện mối liên hệ giữa chúng thông qua sự lặp lại của những hình thức không gian – ngôn ngữ không gian, từ đây tiến tới cắt nghĩa mô hình thế giới.