Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 1

Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 1

Bởi Học văn cô Hà Huyền 27/05/2024

TÓM TẮT

Bài viết tập trung phân tích, diễn giải truyện ngắn “Mãi không tới núi” của tác giả Nguyễn Việt Hà từ các loại hình không gian nghệ thuật. Qua đó, chúng tôi mong muốn trình hiện mối quan hệ có tính trải nghiệm xa lạ giữa không gian và con người, góp phần định hình căn tính và giá trị của cõi sống bộn bề. Mô hình thế giới hiện diện với nhiều phản ảnh, làm “vỡ” ra những chất vấn về định hình thường tại của chúng ta.

Từ khóa: thi pháp học, không gian nghệ thuật, xa lạ, cảm thức, căn tính, “Mãi không tới núi”, Nguyễn Việt Hà

Đặt vấn đề

Có nhiều người cho rằng chỉ cần bỏ đi, tới một miền đất khác sống thì đời họ sẽ khác. Nhưng cách đó không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bởi dù ở đâu chăng nữa, bạn vẫn sẽ mang theo chính mình” (“Câu chuyện nghĩa địa” – Neil Gaiman)

Mọi miền đất không bao giờ chỉ tồn tại như một không gian địa lý hay một địa danh trên bản đồ mà nó còn là giao cắt của cảm thức riêng – chung, mang dấu ấn một nền văn hóa. Văn học nghệ thuật đã chứng kiến những trình hiện và tái trình hiện không gian của con người trong suốt chiều dài lịch sử: đến và đi, quê ta và quê người, riêng tư và công cộng, xa lạ và gần gũi,…Hướng tiếp cận cảnh quan như một phạm trù nghệ thuật từ góc độ thi pháp học có thể xem là phương pháp nghiên cứu hứa hẹn nhiều triển vọng, mở ra  những kiến giải đa chiều đối với thế giới nghệ thuật.

Đa phần mỗi nhà văn đều gắn văn chương của mình với những không gian đặc thù, tự vận vào mình trọng trách vẽ chân dung nơi chốn. Nguyễn Việt Hà không là ngoại lệ khi chọn lấy Hà Nội – vừa xưa cũ vừa đương đại - như một điểm đến sáng tác, bóc tách không gian sống đô thị của những cư dân loay hoay kiếm tìm bản sắc. Từ thành phố này, ông mở thêm những ngả đường để ngòi bút cứ thế khả triển, soi chiếu qua bao vùng đất, vừa giống vừa khác. Nguyễn Việt Hà qua hơn hai thập niên không chỉ viết tạp bút – dù sung sức nhất trong mảnh đất thể loại này, ông còn định hình chân dung tự họa của mình và thành phố cùng cảm thức phận người qua tiểu thuyết (“Cơ hội của Chúa”, “Khải huyền muộn”, “Ba ngôi của người”) và truyện ngắn với tập truyện "buổi chiều ngồi hát". Trong bài viết này, chúng tôi lựa chọn truyện ngắn “Mãi không tới núi” gắn với cuộc trốn chạy từ Hà Nội về rừng núi như một trải nghiệm xa lạ, gợi nên những phản tư về cảm thức nơi chốn và căn tính con người, là “mạng lưới” tự sự luôn cơi nới những chiều kích phong phú để nghĩ cùng và nghĩ tiếp.

Đọc tiếp: Yếu tố không gian trong Mãi không tới núi phần 2

 

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22