Điểm nhìn, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật
Truyện “Con khướu sổ lồng” được kể theo ngôi thứ nhất, người kể xưng “tôi” chính là nhân vật người ba trong gia đình. Người kể chuyện tham gia vào các sự việc, nên có thể bao quát cảm xúc, hành vi của các nhân vật khác cũng như tái hiện khách quan các sự việc xảy ra. Trong truyện, người kể chuyện đã trưởng thành, đã lớn, nên có đủ khả năng để lý giải các sự việc bên cạnh việc tái hiện. Khi lần đầu tiên con khướu sổ lồng, “tôi” cảm thấy hụt hẫng, các con thì hốt hoảng, hoàng mang. Lúc con khướu bay trở về thì các nhân vật đều vui vẻ, sung sướng: “Cả nhà reo lên.” Sung sướng khi chim quay lại, sung sướng khi đã đưa chim quay lại cái lòng: “Cả nhà vừa lao ra vừa reo lên”. Nhưng riêng người ba trở nên suy tư, trầm ngâm về việc cái lồng giam hãm chim khướu quá lâu khiến nó chới với khi bay ra ngoài. Khi chim khướu sổ lồng lần thứ hai: các nhân vật không lo lắng như lần trước, vì đoán thế nào chim cũng quay trở về. Khi biết chim khướu không quay trở về nữa: người con trai vẫn kiên nhẫn chờ đợi, ngóng trông mong chim khướu bay trở lại, còn người ba đã thấu hiểu và chấp nhận sự thật. Việc đặt điểm nhìn từ nhân vật người ba có tác dụng khái quát cảm xúc của cả gia đình, với tư cách là người thân, một người từng trải và có nhiều kinh nghiệm sống, nhân vật “tôi” có thể đúc kết ra những triết lý, bài học cuộc sống từ việc đi tìm lại tự do của con khướu khi nó khước từ cuộc sống tuy nhàn nhã mà ngột ngạt trong lồng cũi.
Về ngôn ngữ trần thuật, truyện ngắn “Con khướu sổ lồng” sử dụng đan xen ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm. Ngôn ngữ đối thoại thể hiện qua những cuộc hội thoại giũa các thành viên trong gia đình qua những lần con khướu sổ lồng bay đi mất, rồi lại quay về, và tiếp tục đi kiếm tìm sự tự do trên bầu trời rộng lớn. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm được thể hiện ở nhân vật “tôi” – người ba trong tác phẩm, hiện diện trong câu chuyện, vừa là người quan sát, bộc lộ những nhận xét từ cách cảm nhận, suy nghĩ, dự đoán riêng của mình. Mặc dù rất quý con khướu và muốn tận hưởng cảm giác thanh thản yên bình mỗi khi nghe nó hót trong lồng, nhưng qua những ý nghĩ đó, dường như nhân vật “tôi” lại thể hiện sự “đồng tình” với việc sổ lồng của con khướu. Có hai lần độc thoại nội tâm thể hiện quan điểm của “tôi”, lần đầu tiên là khi con khướu quay trở về nhà trong niềm hân hoan chào đón của cả gia đình: “Riêng tôi, tôi nghĩ khác nhưng không nói. Nói đến tự do, người ta thường nghĩ đến đôi cánh. Khi nói đến đôi cánh, người ta thường nghĩ đến sự tự do, đôi cánh với tự do như đồng nghĩa. Con Khướu này, đôi cánh của nó đã dang ra bay vút trên bầu trời tự do rồi, sao nó lại khép cánh trở lại cái lồng nhỏ hẹp này. Có lẽ cái lồng này đã giam hãm đôi cánh nó quá lâu, khiến đôi cánh nó chới với và cái lồng ngực của nó bị ngộp thở trước cảnh mênh mông của đất trời. Có lẽ nó bỗng thấy cô đơn, bỗng thấy mình quá nhỏ bé giữa bầu trời?”. Lần thứ hai là khi con khướu đã quyết tâm rời xa lồng tìm đến nơi tự do mà nó thuộc về, nhân vật người ba cũng rút ra những chiêm nghiệm quý báu: “Lần này nó có đôi cánh của tình yêu, đôi cánh tình yêu đã đưa nó về với cảnh thênh thang của đất trời. Và nó là chim, mà chim thì phải bay. Chim bay...”. Thái độ của nhân vật “tôi” giúp người có thể rút ra được ý nghĩa của tác phẩm: Con người sống cần phải có tự do, phải sống là chính mình. Cần phải vượt qua giới hạn của bản thân để thoả sức tung bay trên bầu trời rộng lớ n. Dường như, tác giả đã gửi gắm tiếng lòng, tư tưởng nhân sinh của mình qua những lời bộc bạch, phát biểu của nhân vật “tôi” trong tác phẩm.
Về giọng điệu, tác giả kể lại với giọng điệu nhẹ nhàng, khoan thai, chậm rãi nhưng chứa đựng trong tác phẩm nhiều triết lý, bài học nhân sinh sâu sắc.
Thời gian, không gian trần thuật
Không gian trong tác phẩm chủ yếu chia thành không gian trong nhà nhân vật “tôi”, nơi có lồng giam con khướu và không gian bầu trời cao rộng – nơi con khướu bay đi để tìm về với tự do. Hai không gian lồng chim và bầu trời đối lập, tương phản, do đó khi con khướu sổ lồng, quyết định bay về với bầu trời cao rộng, nơi vốn thuộc về nó, điều đó thể hiện khát vọng mong cầu tìm được tự do, hạnh phúc cá nhân.
Thời gian trong tác phẩm là thời gian tuyến tính, truyện ngắn được kể theo trật tự thời gian, các sự kiện lần lượt nối tiếp nhau. Toàn bộ câu chuyện xoay quanh cuộc hành trình sổ lồng, thoát kén, quay trở về nhà cũ rồi lại tiếp tục bay đến những chân trời cao rộng mới của con khướu. Từ cuộc hành trình ấy, nhà văn phát biểu lên những tư tưởng, triết lý mình đúc kết được từ cuộc sống.
Đọc tiếp: Vận dụng thi pháp học vào dạy học văn bản Con khướu sổ lồng phần 4