Nhân vật
Nhân vật con người
Như đã phân tích ở trên, nhân vật “tôi” – người ba trong gia đình, chính là người kể chuyện, thuật lại toàn bộ hành trình sổ lồng của con khướu và đưa đến những quan niệm nhân sinh sâu sắc.
Nhân vật đứa con thể hiện sự ngây thơ, trong sáng của mình, hốt hoảng, hoang mang lo sợ trong lần đầu tiên con khướu yêu quý sổ lồng, bỏ nhà bay đi. Rồi sau đó khi thú cưng quay về thì vui vẻ, mừng sướng khôn xiết. Những lần tiếp theo con khướu bay đi rồi quay lại nhà như chuyện bình thường, cả nhà bắt đầu cảm thấy quen thuộc với những lần du ngoan bất chợt của con khướu nhà mình. Rồi đến lần cuối cùng, khi con khướu đã tìm được người bạn đồng hành, nó quyết tâm bỏ lại lồng giam chật hẹp để đến với thế giới rộng lớn ngoài kia, để bay đến những bầu trời cao rộng hơn trong tương lai. Lúc này, dù người bố, với kinh nghiệm của bản thân, đã hiểu và chấp nhận rằng con khướu chắc hẳn không quay lại, thì người con vẫn nuôi hy vọng, ngày ngày mong ngóng chú khướu sẽ quay trở lại lồng chim ấm áp, đầy đủ kia.
Nhân vật con khướu
Con khướu được miêu tả với ngoại hình “không đẹp như họa mi hay sơn ca, so với con cưỡng nó cũng không bằng. Lông một màu đen, trên đầu có một cái chóp trắng, trông nó như một lão già lụ khụ lúc nào cũng đội kết. Tuy vậy, nó có ưu điểm là sở hữu giọng hót nổi bật, dễ chịu: “tiếng hót của nó vừa vui vừa xao xuyến. Những buổi chiều mệt nhọc từ ngoài đồi trở về, ngồi trên mảnh vườn nghe nó hót, lòng bỗng thấy thanh thản, thấy gần với trời đất.” Con khướu được nuôi dưỡng rất chu đáo: nơi ở của nó là cái lồng tuyệt đẹp; trong lồng có ba cái lọ sứ Tàu để đựng thức ăn thức uống; quanh lồng có cây cảnh với phong lan, tuy không mưa nắng, nhưng vẫn nhìn thấy khoảng trời mênh mông... Con khướu đem đến niềm vui, tiếng cười, những giây phút thư giãn cho cả gia đình, từ lúc nào đó con khướu đã trở thành một phần không thể thiếu trong lòng mỗi thành viên gia đình này.
Con khước đã có hành động sổ lồng lần đầu tiên khiến cả gia đình hốt hoảng, đây cũng là sự kiện đánh dấu bước phát triển của hình tượng nhân vật này. Tuy nhiên, vài ngày sau nó lại trở về. Có lẽ sự “ưu ái”, điều kiện sống “thần tiên" chính là nguyên nhân để con khướu sau khi sổ lồng bay đi vẫn tìm đường trở về. Khi con khướu quay lại, mọi người trong nhà vui mừng và bàn cãi nhau về nguyên nhân. Có người bảo căn cứ vào “nhu cầu vật chất” của con khướu (quen với việc được uống nước đường); lại có người chú ý “nhu cầu tinh thần" (nó đã bị giam hãm quá lâu, bây giờ thấy cô đơn, quá nhỏ bé trước bầu trời). Cho rằng việc con khướu trở về do “yếu tố tinh thần” là cách lí giải có ý nghĩa góp phần thể hiện chủ đề của truyện.
Lần thứ hai con khướu bay đi, cả gia đình không còn lo lắng, trằn trọc như lần đầu nữa. Họ tin rằng nó sẽ quay trở lại, sẽ sà vào chiếc lồng và hót vang. Có thể thấy, niềm tin ấy được dựng xây, phát triển nhờ lòng gắn kết, thấu hiểu. Cậu con trai lớn của nhân vật "tôi" lại hành động giống lần trước, mang chiếc lồng ra treo ngoài trời để đón thành viên gia đình trở về. Không ai phập phồng, trông mong từng giây từng phút khoảnh khắc con chim bay vào lồng nữa, ngoại trừ con trai út. Chuyện con khướu bay đi mất rồi quay trở về đã chẳng còn là câu chuyện li kì, hấp dẫn sự bàn tán của mọi người. Câu chuyện ấy bình thường đến mức người ta có thể bình thản đối diện, không chút vội vã hay cuống quýt. Khi con khướu cánh kề cánh cùng chim mái, bay vút lên trời cao rồi từ đó, không bay về nữa, nhân vật người con lớn vẫn kiên nhẫn chờ. Một sự đợi chờ trong vô vọng, trong tối tăm. Ai cũng tưởng rằng con chim sẽ thuộc lối về, bay đi rồi bay về. Nhưng không, ở thế giới bao la ngoài kia, nó đã tìm được nơi đáng sống. Cuối cùng, giống như bao lần trước, chỉ có người ba - nhân vật "tôi" mới thực sự bừng tỉnh và thấu hiểu. "Tôi" cảm thấy bản thân có thể cho nó chiếc lồng đầy đủ, tiện nghi nhưng không thể cho nó tự do và đôi cánh tình yêu. Sau cùng, chim thì phải bay, phải cất cao đôi cánh tự do trên bầu trời xa xăm kia. Những ý nghĩ của "tôi" ở kết thúc truyện đã cho thấy nhận thức đúng đắn của nhân vật.
Nhà văn khéo léo đan cài tạo sự so sánh giữa chi tiết tiếng hót của con chim ở trong lồng và khi nó thoái ra ngoài, có người bầu ban. Ở trong lồng, tiếng hót của con khướu: “vừa vui vừa xao xuyến”. Tiếng hót của nó khi bay lượn giữa trời: “Tiếng hót của đôi chim rộn rã quấn quýt như tiếng cười tiếng khóc trong giọng rối rít của đôi tình nhân hàng thế kỉ mới tìm gặp nhau, vừa xôn xao vừa vang động cả trời chiều”. Như vậy, sống trong lồng, tiếng hót của con khướu có vẻ cô độc; khi sổ lồng bay đi, tiếng hót của con khướu không còn là tiếng hót cô độc của mình nó nữa, mà là bản hoà ca của đôi chim tự do bay lượn giữa bầu trời mênh mông. Sự khác nhau giữa hai kiểu hót cho thấy, chỉ khi tự do, con khướu mới thực sự là nó, nghĩa là mới thể hiện tất cả những tố chất đặc biệt của nó, qua tiếng hót.
Hình tượng con khướu tượng trưng cho những con người hiện đại đang bị trói buộc vào những mối quan hệ, những sự ràng buộc mà không thể tìm đến với tự do. Truyện ngắn không chỉ nhắc nhở mọi người bài học về tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với tự nhiên mà còn ẩn chứa trong đó thông điệp: hãy cố gắng bứt phá, thoát khỏi vòng kìm kẹp giam hãm để đến với tự do, hạnh phúc mà chúng ta hằng mong cầu.
Tổng kết
Qua việc sử dụng thi pháp học thể loại để phân tích tác phẩm “Con khướu sổ lồng” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ta thấy được rõ nét những đặc trưng của thể loại truyện ngắn được thể hiện trong tác phẩm. Từ đó, ta dễ dàng vận dụng được trong việc soạn giáo án, định hướng học sinh tìm hiểu tác phẩm, rút ra đặc trưng thể loại truyện ngắn và áp dụng vào việc đọc hiểu những văn bản truyện ngắn tiếp theo.
Đọc tiếp: Vận dụng thi pháp học vào dạy học văn bản Con khướu sổ lồng phần 1