Tóm tắt
Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông là tập truyện ngắn duy nhất được Kazuo Ishiguro xuất bản cho đến nay (5/2023). Đặt bên cạnh những tiểu thuyết kì vĩ, tuyển tập truyện ngắn có vẻ khiêm tốn này không hề lép vế, mà tạo nên một dấu ấn riêng, đầy sức ám ảnh. Một trong những phương diện tạo nên sức hấp dẫn ở tác phẩm này của Ishiguro chính là thế giới nhân vật đặc biệt: “xoay quanh tài năng nghệ thuật […] ai có và ai không” (Christopher Tayler, The Guardian). Tìm hiểu năm truyện ngắn từ góc độ thi pháp nhân vật sẽ góp phần lí giải thành công của tác phẩm, cũng như làm rõ vấn đề mà “bậc thầy phân tích nhân tính” (Hàm Đan) Ishiguro đặt ra trong đó: sự tàn lụi của nhân tính.
Từ khóa: thi pháp nhân vật, Ishiguro, nhân tính, nghệ sĩ, nghệ thuật.
Mở đầu
Chúa đã “làm ra con người” (Sáng thế), còn nhà văn thì “làm ra” nhân vật. Con người làm cho đời sống mà Chúa kiến tạo thêm phong phú, còn nhân vật làm cho thế giới nghệ thuật mà nhà văn sáng tạo trở nên độc đáo với những thông điệp giàu tính nhân văn. Vì vậy, khám phá tác phẩm văn học không thể tách rời yếu tố nhân vật, bởi qua đó, nhà văn đã trình xuất cái nhìn đời sống và đề xuất một lựa chọn về cách sống.
Nhân vật trong tác phẩm của Kazuo Ishiguro càng có tầm quan trọng. Trong các trước tác của nhà văn được trao giải Nobel văn học năm 2017, người “đã khám phá ra vực thẳm bên dưới cảm giác ảo tưởng của chúng ta về sự kết nối với thế giới”, nhân vật là sự phóng chiếu đời sống, là sự lắng kết của những thông điệp thẩm mĩ mà người viết gửi gắm, là kết tinh những sáng tạo nghệ thuật độc đáo của tác giả. Xuất phát từ quan niệm đó, chúng tôi nghiên cứu thi pháp nhân vật trong tác phẩm độc đáo của Kazuo Ishiguro - tập truyện ngắn duy nhất của ông - Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông.
Đọc tiếp: Thi pháp nhân vật trong Dạ khúc năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông phần 2