Thi pháp nhân vật ông già trong Hạt gửi mùa sau phần 3

Thi pháp nhân vật ông già trong Hạt gửi mùa sau phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 09/11/2024

Những tưởng cái nếp của năm nay cũng như những năm về trước, song bởi hành động “giấu biệt” gói bông ủ những hạt năm ngoái của “tụi nhỏ” mà giờ đây ông già tìm kiếm trong tuyệt vọng”. Nhân vật được miêu tả với hình ảnh “rầu rĩ, nằm gác tay lên trán”, có lẽ ông vẫn đang mải miết truy tìm sự lặp lại của kí ức xưa cũ, khi chẳng mấy nữa thôi khắp mảnh sân vườn là muôn vàn sắc màu rực rỡ, náo nhiệt và cả gia đình sẽ cùng “sung sướng” trước cái tết đầm ấm vui tươi. Thế nhưng hiện tại, “ông già” chỉ thấy “ngày dài”. Chẳng còn thấy đâu sự bận bịu tưởng như phải mỏi mệt lắm kia, thay vào đó là sự chán chường khi chẳng có gì để được bận. Cũng vì thế mà “nằm chán, ông già ra đằng trước, nhìn cái sân chang chang nắng, thở dài ứ hự, mắt hoang vắng, thất thần.”. Và phải cho đến lúc này, “tụi nhỏ” mới hiểu được cái hành động mải mê trồng bông mỗi dịp tết đến xuân về của “ông già”, rằng ông “trồng bông không hẳn vì chúng đẹp (bởi thật ra chúng đâu có đẹp, thậm chí, bông vạn thọ hôi rình), trồng để thấy tuổi xế bóng còn làm được việc thần kỳ, còn có thể vun đắp sự sống từ bàn tay cứng quèo, gân guốc, trồng bông để nhớ cái thời sạ lúa trên đồng, và bông như một món quà Tết duy nhất ông có thể làm cho con cháu.”. Đến với nhân vật “ông già”, người đọc dễ dàng mà cảm nhận được cái vui thích của ông khi được trồng hoa tết, có chăng chỉ là một hoạt động như đánh dấu thời gian, hay để cho những ngày này trôi qua có ích, hoặc có nhẽ còn để nhớ lại những kỷ niệm xưa cũ…

Vì nhẽ đó, dù cho tìm mãi chẳng thấy, ông vẫn không ngừng tìm và tìm, rồi cuối cùng cũng trọn vẹn biết bao khi “Bữa sau, ông tìm được gói bông khô trên cái gióng cá khô treo đầu bếp.”. Tìm được rồi, “ông già” lúc này đây hạnh phúc xiết bao, “mừng quýnh” như quên hẳn mấy ngày rầu rĩ chán chường vừa rồi. Hiển nhiên, ông lại quay về với cái công đoạn quá đỗi quen thuộc, cùng tụi nhỏ “cuốc đất, lại gieo, lại đeo cây nước bơm từng thùng đem tưới.”.

Để mà nói ông giàấy cũng có vẻ như hơi chút lẩm cẩm, bảo thủ với cái suy nghĩ phải trồng cho kì được mảnh sân rực rỡ sắc màu, song người đọc càng thấy hân hoan nhiều hơn khi cái công cuộc đấu tranh đó được hồi đáp. “Nghe như một người tàn và bông hoa tàn đang hát thầm bài ca cuộc sống.”. Suốt cuộc đời, con người vừa phải lo cho công cuộc mưu sinh, lại cũng vừa lo mình phải sống sao cho ra sống, sống sao để khi ngoảnh đầu nhìn lại, con người ta thấy mình đã sống có ích và sống có ý nghĩa.

Quả thật, ông già dường như làm điều gì lớn lao hơn là giữ hạt.”. Nếu chỉ là giữ những hạt mầm cho mùa gieo sau thì thường quá. Điều mà đôi bàn tay thô ráp “cứng quèo, gân guốc” ấy muốn giữ là “giữ cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng”, “giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ…”, cũng là “giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà…”. Những câu văn nhuốm một nỗi buồn man mát, chạm đến tâm tư giấu kín của những đứa con xa quê, bởi nhẽ nào có ai mà lại chẳng muốn được chạy ùa về nhà để mà không ngần ngại hít hà, để mà ngóng trông, để mà ôm chầm những điều bình dị chỉ còn tồn tại trong ký ức những ngày ấu thơ.

Đọc tiếp: Thi pháp nhân vật ông già trong Hạt gửi mùa sau phần 4

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22