Ngôn ngữ
Ngôn ngữ của nhân vật ông già mộc mạc, giản dị được thể hiện qua một số các chi tiết nổi bật. Cách ông già gọi “mồng gà”, “vạn thọ”, “sao nhái” kêu là bông chứ không kêu là “hoa”, gọi “hột” chứ không phải “hạt”. Xuất phát từ quan niệm “hoa là hoa hồng hoa huệ gì đó” những thứ đẹp đẽ nhưng không hợp với ông, kiều diễm quá không phù hợp với mảnh vườn của ông. Nhận lấy phần nhỏ bé, mộc mạc, chân chất là thế làm rõ được cái nét thẳng thắn của người nông dân Nam Bộ. Cách sử dụng từ ngữ “một cách bảo thủ” nhưng không đem cho người ta cảm giác khó chịu, ngược lại người ta cảm nhận được sự ý thức về thân phận nhỏ bé, đôi khi có phần tủi thân của người nông dân, ta dễ gặp ở một cánh cò trong ca dao hay cái chim con kiến,...
Ngôn ngữ của người kể chuyện soi chiếu từ nhiều đoạn văn bản. Đó là cách sử dụng thành ngữ “tím ruột bầm gan”, hay cách sử dụng từ láy tượng hình “khệ nệ”, “tha thẩn”, “thất thần”, “khoan khoái” và tượng thanh “ứ hự”, “khà khà”, ta thêm thấy rõ nét hơn hẳn những hành động, trạng thái của các nhân vật. Ngôn ngữ đậm chất Tây Nam Bộ qua việc sử dụng thành ngữ, các từ địa phương “hột”, “trở chướng”, “sạ lúa” càng làm rõ ràng hơn nơi các miền quê còn khó nghèo ở miền Tây Nam Bộ.
Cách miêu tả nội tâm
Tuy phần nhiều sự tập trung của tác giả dành cho nhân vật thuộc về hành động, song vẫn có không ít sự gợi tả tinh tế thế giới nội tâm đơn giản và sâu sắc của nhân vật “ông già”. Trước hết đó là sự “coi trọng mớ bông vạn thọ, mồng gà khô” ở mức độ cao, “dữ”. Bởi nhẽ quá trình vun trồng, chăm bón mảnh sân vườn đã trở thành cái nếp riêng của ông, với ông mà nói, “Tết mà không trồng bông thì mất vui đi.”. Dẫu cực tới mấy thì ông vẫn sẵn sàng tưới tắm thật tốt cho khóm bông, bởi trong tâm ông cho rằng “Có cho đi, thì mới nhận lại, thử hỏi, ba ngày Tết, ngồi khề khà mấy ly trà, ngó ra cái sân vàng rực mênh mông, bông chật ních con mắt, có sướng không? Sướng!”.
Thực ra, ông già trồng bông không chỉ để “ba ngày Tết, ngồi khề khà mấy ly trà, ngó ra cái sân vàng rực mênh mông, bông chật ních con mắt, có sướng không? Sướng!” hay “ông đứng chống nạnh, khoan khoái đứng ngắm bông, hết đứng gần rồi lại lùi ra, cười khà khà khà, khoái trá” mà còn để nói như Nguyễn Ngọc Tư: “ông già dường như làm điều gì lớn lao hơn là giữ hạt. Giữ cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng (bệnh này đang lan nhanh dữ dội từ hồi chuyển sang làm vuông nuôi tôm). Giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ… Giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà…”. Thông qua những nghĩ suy nội tâm nhân vật, người đọc thấy được bề sâu tư tưởng được gửi gắm trong trang văn của tác giả. Ta hiểu được duyên cớ khiến “ông già” lại kiếm tìm trong khổ sợ, “vẫn long đong tìm kiếm” cái gói hạt bông, đến nỗi khi không tìm được thì cảm thấy “tuyệt vọng”. Quả là phù hợp với nhan đề “Hạt gửi mùa sau”.
Đọc tiếp: Thi pháp nhân vật ông già trong Hạt gửi mùa sau phần 5