Cách miêu tả hành động
Câu chuyện bắt đầu với những hành động diễn ra liên tiếp của nhân vật “Ông già như lật tung cái nhà lên. Ông chui xuống gầm giường, ông thò đầu vào lục lọi trong tủ chén.”. Người đọc ngay lập tức bị cuốn theo một loạt những hành động “lật tung”, “chui xuống”, “thò đầu” mà không rõ nguyên cớ vì sao nhân vật lại làm như vậy. Nguyên đoạn văn đầu tiên là những hành động, cử chỉ, những tiếng cằn nhằn của một ông lão có vẻ như đã già cả và lẩm cẩm lắm rồi. Cái thứ mà ông đang mải miết kiếm tìm đã bị tụi nhỏ “cương quyết giấu biệt”, dẫu người đọc vẫn chưa rõ ấy là cái gì, ẩn sau cách miêu tả không rõ ràng như vậy là dụng ý nghệ thuật của tác giả, nhằm dẫn dắt câu chuyện, góp phần tạo hứng thú, tò mò cho người đọc về những hành động tiếp theo của nhân vật.
Hóa ra nhân vật “ông già” ấy đang tìm cái “mớ bông vạn thọ, mồng gà khô” - những hạt giống được giữ lại từ mùa hoa năm trước. Mặc cho thời gian chảy trôi, chỉ cần thiên nhiên phát lại tín hiệu quen thuộc “mỗi lần chim én bay hấp háy, đậu trên đám chà dưới mé sông”, thì “ông già” như một thói quen “lại đi lật lịch thăm chừng”. Như một dấu hiệu của tự nhiên nhắc nhở con người kiểm tra lại xem thời gian của hiện tại là khi nào, để rồi nhân vật “ông già” sau khi xác định đúng lúc này rồi thì có một loạt các hành động rất đỗi quen thuộc, được sắp xếp theo lần lượt theo thứ tự nó thuộc về “đi lục lọi mớ bông để giống từ tết năm ngoái, rải hạt”, sau đó là “vác cuốc ra sân” rồi tới “xới nhừ mảnh sân trước nhà, lụi hụi tưới nước cho mềm xốp lại”. Tất cả những hành động đó đều nhằm một mục đích duy nhất, đó là để “Bông lại nở rực trước sân nhà”.
Quá trình vun trồng, chăm sóc mảnh vườn ấy tỉ mỉ và kĩ lưỡng vô cùng, khi mà ông già ngày ngày vẫn cứ “đứng tỉa lại hàng bông bụp, bông lồng đèn”, rồi “đứng chống nạnh” mà ngắm nhìn một cách sung sướng, khoan khoái, thậm chí di chuyển xung quanh “hết đứng gần rồi lại lùi ra” để ngắm cho kì hết cái sung sướng của lòng mình và “cười khà khà khà, khoái trá.”. Niềm vui sướng của nhân vật âu cũng thật giản dị, ông nâng niu và gìn giữ hết thảy từng chút giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, dẫu cho “tụi nhỏ” còn chưa thấu được nỗi lòng của “ông già”. Giữ không chỉ là để cho riêng mình thưởng ngắm, mà còn để truyền lại cho các thế hệ mai sau, để chúng cũng như “ông già”, mãi mãi “cũng sẽ nhớ hoài mùa bông cũ” và ông trồng “để thấy tuổi xế bóng còn làm được việc thần kỳ, còn có thể vun đắp sự sống từ bàn tay cứng quèo, gân guốc, trồng bông để nhớ cái thời sạ lúa trên đồng, và bông như một món quà Tết duy nhất ông có thể làm cho con cháu”. Lắm điều kì diệu ở con người phương Nam đồng đất ấy, qua những trang văn nhuốm màu xưa cũ, “ông già” vẫn chưa khi nào quên đi trách nhiệm của bản thân mình với con cháu, với quê hương xứ sở. Những hành động của nhân vật góp phần khắc họa hình tượng con người với tâm thức luôn hướng tới việc gìn giữ bản sắc quê hương, giản đơn như qua cái ý niệm dai dẳng phải trồng cho kì được những khóm qua quen thuộc ngày cận tết, dẫu chúng có bị gọi là quê mùa hay bị nhận xét rằng “chúng đâu có đẹp, thậm chí, bông vạn thọ hôi rình” đi chăng nữa.
Cứ như một lẽ thường “khi trời bắt đầu trở chướng” thì nhân vật “ông già” lại được miêu tả với những hành động “trở… chứng”, bởi ông “không chịu ở trong nhà”, rồi lại “Suốt ngày tha thẩn ngoài sân, sửa sang, uốn lại mấy bụi chùm rụm, tỉa hai cây sộp, chăm sóc đám bông…”. Ông trân quý những khóm bông ấy lắm, chỉ cần “thấy bông héo” do không được chăm sóc mấy ngày thôi là ông thấy buồn, thấy khó chịu, rồi ông lại “rầy tụi nó cả buổi.”. Quá trình chăm bẵm những bông phải là một vòng tròn khép kín, từ gieo hạt, chăm sóc khi còn là mầm cây, cho tới thưởng thức, ngắm nhìn sung sướng khi chúng nở rực, và rồi khi tết tàn, “ông già lại nâng niu đi hái từng bông hoa héo khô, rũ cánh, giữ hạt cho mùa sau”.
Đọc tiếp: Thi pháp nhân vật ông già trong Hạt gửi mùa sau phần 3