MỞ ĐẦU
Lí do chọn đề tài.
Bàn về thi pháp học, GS. Trần Đình Sử cho rằng: “Thi pháp học đem lại những phạm trù mới, những đề tài mới cho nghiên cứu văn học, như con người, không gian, thời gian, trần thuật, điểm nhìn, đối thoại, giễu nhại, mỉa mai... mở rộng các cánh cửa tiếp cận văn bản”. Tiếp cận văn bản văn học dưới góc độ của thi pháp học sẽ mang đến những góc nhìn sâu sắc, mới mẻ hơn việc đọc thuần túy, thông thường.
Vậy, tôi lựa chọn đề tài Thi pháp nhân vật trong tác phẩm “Hạt gửi mùa sau” của tác giả Nguyễn Ngọc Tư nhằm tiếp cận văn bản dưới một góc nhìn rõ nét hơn.
Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu.
Mục tiêu nghiên cứu
Thi pháp nhân vật trong tác phẩm “Hạt gửi mùa sau” của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
Phạm vi nghiên cứu
Tác phẩm “Hạt gửi mùa sau”, tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
NỘI DUNG
Thi pháp nhân vật “ông già” trong tác phẩm “Hạt gửi mùa sau” của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
Cách đặt tên nhân vật
Tác giả đã sử dụng các từ ngữ xưng gọi chung với nhân vật là “ông già”, “ông” chứ không có tên riêng. Nhân vật “ông già” hay cũng chính là hình tượng những con người nơi miệt vườn, sông nước Nam Bộ – những con người giản dị, chân chất, luôn tâm niệm gìn giữ nếp quê.
Cách miêu tả ngoại hình
Ngoại hình của nhân vật “ông già” được tác giả gợi lên qua các chi tiết, yếu tố kết hợp với tự sự mà không miêu tả tập trung trong một phần. Trước hết ta xác định được yếu tố tuổi của nhân vật là lớn tuổi, đã “già”. Tiếp đó, hình ảnh nhân vật lục tìm gói bông khô ủ hạt từ năm trước xuất hiện với chi tiết “đầu vướng đầy mạng nhện”. Hình ảnh này gợi cho người đọc có một ấn tượng ban đầu về nhân vật khá giản đơn, tập trung vào việc mình đang làm mà vô ý vướng phải những “mạng nhện” xung quanh.
Từ lời của người kể chuyện hàm ẩn, trong mảnh sân vườn trong những ngày trước Tết bấy lâu nay vẫn tồn tại hình ảnh một “ông già” luôn“lụi hụi” chăm chút từng vốc đất tơi xốp, từng mớ bông vạn thọ, mồng gà khô... Rõ là“bàn tay cứng quèo, gân guốc” – đôi tay thô ráp - làm ta liên tưởng tới những vụng về, cứng ngắc khi làm việc. Song thực tế, “bàn tay” ấy khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ chăm chút, tỉa tót cho từng hàng bông bụp, lồng đèn, vạn thọ, mồng gà, sao nhái, móng tay.
Đứng trước tình huống éo le bất ngờ không tìm được gói bông ủ hạt, “ông già” thay vì xuất hiện với sự vui sướng, tươi cười “khà khà” như đã từng những năm về trước thì lại được miêu tả với “mắt hoang vắng, thất thần”. Ấy là cái nỗi niềm “rầu rĩ” đến cùng cực khi “ông” nghĩ tới cảnh “Không thể tưởng tượng được, tết này lại không có bông” – một điều mà nhân vật cho rằng không thể xảy ra được.
Tết đến với những rực rỡ muôn bông nở rộ trước sân nhà, rồi tết đi qua để sự tàn lụi lại với con người xưa cũ, mà ở đây được ví với “như một người tàn” “đang hát thầm bài ca cuộc sống”.
Hình ảnh một “ông già” yêu thích và trân quý, thậm chí là cố chấp với việc trồng bông mỗi năm. Tình huống mà “Hạt gửi mùa sau” đặt ra không chỉ đơn thuần là sự tìm kiếm cái gói bông ủ hạt, tìm kiếm những hoa, những bông để gieo cho kịp tết đến, mà nó là cả quá trình kiếm tìm những nét đẹp xưa cũ, nâng niu những giá trị văn hóa của người xưa từ ngàn đời nay.
Đọc tiếp: Thi pháp nhân vật ông già trong Hạt gửi mùa sau phần 2