Quán thủy thần dưới góc nhìn hình tượng tác giả phần 4

Quán thủy thần dưới góc nhìn hình tượng tác giả phần 4

Bởi Học văn cô Hà Huyền 09/11/2024
  1.  

Cái nhìn huyền ảo

Trong tập truyện ngắn đầu tay của mình – Nguyễn Hải Yến đã cho người đọc thấy những sự huyền ảo của các nhân vật. Nhân vật đều là những “con ma”, ma dưới ngòi bút của Nguyễn Hải Yến không phải để doạ người như những thể loại kinh dị. Mà khoảng cách giữa người và ma, giữa thế giới thực và thế giới ảo gần gũi nhau hơn, khiến người đọc thấy tiếc thương, thấy man mác buồn về số phận người con gái. Dù đã chết nhưng với họ, cội nguồn luôn là nơi đón họ trở về.

Phía trước nhà có giàn mơ dại” là câu truyện về một cô gái tên Hoài đứng đợi xe nhưng xe đón cô không phải xe đang đợi vì xe đấy đi qua được nửa tiếng. Vì thế, cô gái đi chuyến xe này và giãi bày cuộc sống với người lái xe đường dài. Qua những lời kể của cô gái, cô là công nhân làm xa nhà tranh thủ làm thêm kiếm nhiều tiền để giúp mẹ với các em thoát khỏi cuộc sống địa ngục, nơi đó mẹ cô đã quên mất nụ cười, các em của cô không biết đến tuổi thơ là gì, bố luôn chìm trong rượu chè, hay ghen tuông vớ vẩn. Cứ tưởng đó chỉ là một chuyến đi qua đường, sẽ không gặp lại nhưng nó đã mở ra mối tình của chàng trai lái xe cùng với cô gái với lời hứa sẽ gặp nhau hôm ba mươi. Nhưng tất cả đều tan vỡ khi cô gái mất vì bị tai nạn, dường như thân thể cô mất nhưng linh hồn vẫn còn, có thể cô vẫn còn nhớ đến việc lo cho mẹ và các em, vẫn nhớ lời hứa với anh lái xe đường dài. Câu truyện nửa thực nửa mơ, nửa thật nửa ảo đó để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc khó tả.

Cây mẫu đơn hoa trắng” là câu truyện gia đình nghèo phải đưa con gái làm con nuôi nhà giàu để có tiền mua gạo ăn vì “lần đầu tiên chị được thấy nhiều gạo như thế”. Cô đến làm con nuôi ở nhà giàu cứ tưởng sẽ có cuộc sống tốt hơn, có thể giúp gia đình đỡ khổ nhưng hoá ra chỉ là một màn kịch. Gia đình nhà giàu nhận cô để làm thần giữ của cho nhà họ “Sống không phải người nhà họ Vương nhưng chết thành thần giữ của cho họ Vương”. Thế là cô chết, cô trở thành “con” nhà người ta, cô bị ép chết nhưng luôn cố nhớ về nhà, nhớ thầy, nhớ u.

Đó là đứa con 4 tháng bị phá vì là con gái trong “Đi giữa trời xanh mây trắng”, xuyên suốt truyện ngắn là lời kể của đứa con về lý do phải phá bỏ thai, quá trình mẹ đi khám thai và chuẩn bị phá thai. Giọng văn hồn nhiên của đứa trẻ “Con luôn ở bên cạnh mẹ mà. Mẹ ở chỗ nào là con ở đấy. Chỉ tội con bé quá, không che chở được cho mẹ mà thôi” nhưng lại khiến người đọc thấy chua chát. Đứa con dù có sống hay chết, dù được giữ lại hay bị phá bỏ thì luôn bên cạnh mẹ, dõi theo mẹ, luôn muốn bảo vệ mẹ - một người đàn bà phải chịu nhiều đau đớn.

Ở truyện ngắn “Quán thuỷ thần”, các nhân vật đều có thể chuyển kiếp, hoá thân cố gắng bám chặt lấy dòng sông vì khát vọng tình yêu. Mẹ của nhân vật “tôi” thực ra là Thuỷ Nữ đêm nào cũng vượt sóng lên bờ và có tình cảm với chàng trai đánh cá nghèo, tình yêu này còn ngang trái hơn khi cả hai có một bé gái – là nhân vật “tôi”. Vì cả hai đã phạm luật trời nên người con trai đã bị trừng phạt. Đến năm bé gái mười hai tuổi, người mẹ phải về với nước nếu không sẽ bị một trận hồng thuỷ cuốn trôi tất cả làng mạc, phá huỷ tất cả mọi thứ. Cứ mỗi năm một lần, cô con gái lại ra rót rượu dâng cho Thuỷ Thần để dân chúng được yên ổn.

Cô gái dành dành trong “Dành dành cánh kép” dù đã không còn trên trần gian nhưng cô vẫn luôn theo dõi chàng trai với hương hoa dành dẫn lối tình yêu hai người. Khi chàng trai nhận ra cô, cùng gặp nhau lần cuối thì cô mới đi “Duyên phận mình trời cho là như thế. Em biết mình phải đi. Từ mùa hoa năm ngoái, người phụ nữ trong miếu cổ cứ về giục em theo. Bảo em không cần chờ. Kiếp này anh phải về tìm em”. Điều đặc biệt của văn Nguyễn Hải Yến – bà luôn để những “con ma” cùng với các loài hoa như Hoài trong Phía trước nhà có giàn mơ dạiluôn có hình ảnh hoa mơ bên cạnh “quẩn quanh với hoa mơ kết tràng đeo cổ, với vòng mơ đội đầu”, với dây hoa xoè cánh hình chuông, nụ nhỏ lấm tấm như hoa cau. Và trong “Dành dành cánh kép”, cô gái cũng gắn liền với loài hoa đó khiến chàng trai chỉ thoáng ngửi thấy mùi hoa dành đã nhớ đến cô. Người chị chết để làm thần giữ của cho nhà giàu trong “Cây mẫu đơn hoa trắng” trước khi bị nhét bùa vào miệng cũng đã cố với ra cửa ngắt một cành mẫu đơn trắng để cội nguồn luôn ở bên cạnh mình. Hình ảnh hoa dành dành, hoa mơ, hoa mẫu đơn đều là những loài hoa gắn liền với sự giản dị, đời thường của khung cảnh đời thường làng quê.

Đọc tiếp: Quán thủy thần dưới góc nhìn hình tượng tác giả phần 5

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22