NỘI DUNG
Cái nhìn nghệ thuật trong tập truyện ngắn “Quán thuỷ thần” của Nguyễn Hải Yến
Cái nhìn hiện thực trần trụi
Hiện thực trần trụi được Nguyễn Hải Yến thể hiện qua nhân vật ham giàu sang, ham quyền cao mà quên đi những người bên cạnh mình, quên đi nguồn cội của mình, những con người thà lăn lộn trên thành phố chứ nhất quyết không về quê, trọng nam khinh nữ, chồng gia trưởng, nhà chồng cưỡng ép con dâu vào ngõ cụt, chạy tiền để làm quan to, hiện trạng “đút tiền” để được khám trước,… Một xã hội mục nát, xã hội có quyền, có tiền mới có tiếng nói.
Thằng Toản trong “Giếng mắt rồng” là đứa con cả (hai vợ chồng lão Huy Nhớn phải chạy thuốc mãi mới có con, cùng với thằng em tên Tuân; vợ lão – mụ Huy do làm việc nhiều quá mà bị loà, bị điếc nên hơi chậm chạp) được cả nhà dồn tiền lo cho ăn học, và theo lão Huy Nhớn “Ba người ở nhà lá rau vảy cá thế nào xong thôi chứ thằng nhớn là phải đầy đủ. Phải có sức mới học được. Sau này nó công danh phát đạt mình hưởng chứ ai” Từ khi lên thành phố, thằng Toản không về thăm nhà, thăm quê lần nào, chỉ khi chuẩn bị cưới vợ thì mới về đưa cho vợ chồng lão Huy Nhớn một cục tiền để tổ chức đám cưới cho nó. Thằng Toản sau có thành đạt theo mong muốn của lão, lấy vợ rồi làm chức giám đốc sở xã hội thay bố vợ nghỉ hưu nhưng thằng con đó không còn nhớ về cội nguồn, chỉ biết chạy theo chức quyền, chạy theo sự xa hoa. Khi thằng Tuân – em trai Toản cưới vợ, làm ăn khấm khá hơn thì hắn lại về quê để muốn cướp phần của nhà em.
Đó cũng là Thanh Thưởng trong “Gió lên thả ngọn đèn trời” học dốt, trình độ bổ túc nhưng cũng đua đòi, chạy tiền để lên làm trưởng ban Văn hoá xã, lên Phó Chủ tịch xã. Để khi có tiền, có nhà cao cửa rộng tính toán chi li từng đồng với vợ con, để hết tiền để đi ăn chơi với bồ tên Hương. Hắn còn vạch ra kế hoạch lừa vợ ký giấy chuyển nhượng tài sản cho hắn “Con vợ vừa ngu vừa hắc lờ không biết rằng đã ký vào tờ đơn xin uỷ quyền chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho hắn. Có tờ giấy ấy rồi hắn sẽ gặp luật sư, tư vấn cách chuyển tài sản ấy sang tên em Hương. Sau này cưới em rồi làm thủ tục chuyển lại cho hắn là xong. Con vợ hắn bị lừa quả này, tay không ra khỏi nhà, chỉ còn nước sặc máu lên mà chết!”. Học ít nhưng không cố gắng trau dồi bản thân lên, chỉ biết cặp bồ, tị nạnh từng đồng bán hàng với vợ, bỏ mặt vợ con, dự định chuyển hết tài sản cho bồ. Đúng là một xã hội thối nát khi chỉ cần chạy chọt cũng trở thành Phó Chủ tịch xã.
Nhân vật “tôi” trong “Đi giữa trời xanh mây trắng” bị mẹ bỏ vì nó là con gái và mẹ nó đẻ hai chị gái trước khi có nó. Vì thế, mẹ nó phải đẻ được con trai “Con bé bỏng của mẹ ơi ! Bốn tháng con về với mẹ không đêm nào mẹ yên giấc. Mẹ ước bé bỏng của mẹ là trai, mẹ con mình đỡ khổ”, để bố không bị mất mặt, để không bị “đuổi xuống mâm dưới”. Xã hội xưa hay kể cả ngày nay, nhiều gia đình vẫn luôn có tư tưởng phải cố đẻ được con trai để khoe khoang với mọi người. Họ không cảm nhận hay cảm thông cho người phụ nữ khi mang thai và vật lộn với cơn đau đẻ. Con người vô tâm dẫn đến xã hội thối nát, sinh mệnh con người bảo phá bỏ là phá luôn. Trong truyện ngắn này, ta cũng thấy được hiện trạng nhận tiền trong bệnh viện để được khám nhanh hơn. Bệnh viện là nơi mọi người đến mong muốn tìm đến để khám, chữa bệnh, có người đi rất sớm để xếp hàng nhưng những ai đến sau đút tiền cho bác sĩ thì lại được khám trước. “Lương y như từ mẫu” nhưng có một số người họ chỉ nghĩ đến tiền của dân, xã hội xuống cấp, nơi họ muốn gửi gắm niềm tin lại là nơi “hút tiền” của họ.
Đọc tiếp: Quán thủy thần dưới góc nhìn hình tượng tác giả phần 3