Con người luôn trong trạng thái đối thoại với chính bản thể của mình
Trong văn học sau 1975, con người không còn là một thực thể giản đơn với suy nghĩ tuyến tính, một chiều nữa. Con người giờ đây được đào sâu, không chỉ trong mối quan hệ với thực tại mà còn trong mối quan hệ với chính bề sâu suy nghĩ của mình. Muốn đi tới tận cùng của hạnh phúc, các nhân vật trong truyện của Hòa Vang phải trải qua những mâu thuẫn, giằng xé, và cả những cuộc đấu tranh tinh thần, mất ngủ và đau khổ triền miên. Các nhân vật phải đối thoại với nhau, rồi đối thoại với chính mình để tìm ra ý nghĩa cuối cùng của sự tồn tại. Trong truyện ngắn “Sự tích những ngày đẹp trời”, Mỵ Nương không thể không nói chuyện với Thủy Tinh để hiểu được tấm chân tình của chàng. Nàng cũng không thể không nói chuyện với chính bản thân mình để hiểu được tình yêu của nàng thật sự dành cho ai. Quá trình khám phá và nhận ra bản thể của chính mình cũng vô cùng đau đớn và dằn vặt. Suốt bao nhiêu năm sống trong nỗi đau khổ và tuyệt vọng vì vuột mất người mình yêu, Thủy Tinh đâu có ngờ rằng cuối cùng cũng có một ngày được thổ lộ hết mọi điều với Mỵ Nương. Suốt bao nhiêu năm sống yên bình hạnh phúc bên người chồng đầy sự chắc chắn và tin tưởng là Sơn Tinh, Mỵ Nương cũng đâu thể ngờ sẽ có ngày nàng gặp lại Thủy Tinh và nhận ra tình yêu đích thực của đời mình.
“Hãy trở về đi và gắng sống như đã sống.” Thủy Tinh đã khuyên nàng như thế. Nhưng vào cái ngày giọt mưa thu đầu tiên rơi xuống bên hiên nhà, Mỵ Nương đã hoàn toàn hiểu nàng đã không thể sống như đã sống nữa rồi. Cái ngày đẹp trời mà mọi người vẫn thường hay bảo nhau ấy, chính là cái ngày con người khám phá được bề sâu bản thể của mình, hiểu được mình muốn gì, nhận ra mình cần phải làm gì để hạnh phúc. Đó chính là ngày Mỵ Nương hóa thành cơn gió thơm bay đi tìm Thủy Tinh, được sống thật với tình yêu của mình.
Nếu không có quá trình đối thoại với bản thể của chính mình thì con người sẽ không thể hiểu mình cần gì, cái đích mà mình muốn hướng tới là gì. Trong “Nhân sứ”, Kim Thân La Hán cũng đã phải đối diện với những suy nghĩ từ trong sâu thẳm vô thức của mình, để tìm ra được thế nào là Thiện, thế nào là Chân, thế nào là Mỹ. Rốt cuộc, như thế nào mới là một con người đúng nghĩa? Hòa Vang đưa ra một quan niệm khá đầy đủ và có lý lẽ riêng của mình: con người gồm có ba đặc tính là sự nhàm chán, phải gồng gánh suốt đời và tự ăn thịt đồng loại của mình trong lúc cùng quẫn. Nhạt nhẽo là thuộc tính thứ nhất của con người. Vì ông vốn cho rằng con người chỉ là một hạt bụi. Cuộc đời bể dâu có hàng trăm, hàng vạn hạt bụi như thế, mỗi một hạt bụi mất đi liệu có để lại chút xíu dư vị hơn một hạt muối? Nhưng không vì thế mà nhà văn coi thường sự tồn tại của con người. Con người luôn phải gồng gánh trên vai gánh nặng của cuộc sống. Không chỉ là cái đòn gánh vô hình hiện trên vai đứa trẻ sơ sinh, con người luôn nhận ra từ trong tiềm thức phải gánh gồng để sống, gánh gồng để tồn tại, và chỉ gánh gồng mới có thể ra đi một cách thanh thản. Và điều cuối cùng, con người không hoàn hảo, không đẹp đẽ như những gì xưa nay thường ca ngợi. Con người vốn cũng chỉ là sự kết hợp giữa phần con và phần người. Vì thế mà họ ăn thịt lẫn nhau, giết hại lẫn nhau, chà đạp lên nhau để tranh giành sự sống nếu rơi vào bước đường cùng. Nhìn nhận con người một cách sâu sắc như thế, Hòa Vang đã cắt lát tâm hồn con người ra để nhìn sâu vào nó, khám phá nó và khẳng định con người vốn là một sự tồn tại bất toàn.
Tóm lại, quá trình đào sâu, đối diện với chính bản thể của mình là một quá trình dai dẳng và đầy sự mâu thuẫn. Bởi cái cuối cùng mà con người muốn hướng tới trong hai truyện ngắn này của Hòa Vang là quyền được hạnh phúc. Sa Tăng đối diện, chất vấn bản thân mình để cuối cùng rút ra nguyện vọng được sống như một con người phàm tục, đó là hạnh phúc. Mỵ Nương và Thủy Tinh đối diện với tình yêu trong sâu thẳm hồn mình để rút ra hành động bỏ qua bổn phận để đi theo tiếng gọi của tình yêu, đó cũng là quyền được hạnh phúc!
Đọc tiếp: Quan niệm về con người của tác giả Hòa Vang phần 4