NỘI DUNG
Quan niệm nghệ thuật về con người là một khía cạnh quan trọng trong việc khám phá và hiểu sâu về bản chất, tình cảm và trạng thái tâm lý của con người thông qua các tác phẩm văn chương. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học không chỉ giới hạn ở việc miêu tả những đặc điểm vật lý hay hành vi của nhân vật, mà còn mở ra khám phá và thể hiện những khía cạnh phức tạp và đa dạng của nhân cách. Đó có thể là những suy nghĩ sâu sắc, cảm xúc, mâu thuẫn nội tâm, khát vọng, niềm hy vọng, đau khổ hay sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
Trong văn học sau 1975, nếu như Nguyễn Khải đề cập tới những vấn đề của cuộc sống, tìm trong bề sâu, bề xa của cuộc sống những nét đẹp tiềm ẩn của con người; Nguyễn Minh Châu có những câu chuyện mang hơi hướng luận đề và nhận thức lại, thì Hòa Vang lại triết luận về bề sâu của một con người trần thế giữa một hiện thực bất toàn. Hòa Vang như một hạt bụi người bay ngược, suốt cuộc đời mình luôn bay ngược về miền quá khứ, bay ngược về mọi lẽ thường để tìm ra cái bình thường nhất, căn cốt nhất ở cõi người này vậy…
Hai truyện ngắn Nhân sứ và Sự tích những ngày đẹp trời có thể coi là những truyện ngắn nêu rõ quan niệm về con con người của Hòa Vang một cách đậm đà nhất.
Con người là “một hạt bụi” nhỏ bé giữa cuộc đời
Cuộc đời này trong đôi mắt của nhà văn Hòa Vang vốn là một cõi trắng – đen, phải – trái, xấu – đẹp lẫn lộn. Nó là một biển cát, một sa mạc mà ở nơi đó hội tụ không biết bao nhiêu những nghịch lý, những trăn trở về con người. Trong truyện ngắn Nhân sứ, ông có viết: “Ôi chao! Nếu như ở tầng thế giới thường nhân không phân biệt được yêu quái với người thường thì ắt táng gia, vong mạng; lầm lẫn Tiên Phật với ma quỷ thiì không thể thóat thiên la địa võng, trừng phạt khốc hại... ấy vậy mà, tu mãi, tu mãi, tu đến như ta đây là chưa nhằm nhò gì, còn tu nữa, mãi nữa, thì sẽ đến một thái độ nhập cả ba: Tiên Phật, người thường và yêu quái làm một”. Giữa nhân tình thế thái như thế, Hòa Vang nâng niu một hạt cát, một hạt cát nhỏ bé giữa hàng ngàn hàng vạn hạt cát, nhưng lại không hề vô danh. Hạt cát mà Hòa Vang nâng niu ấy chính là con người. Quan niệm cho rằng mỗi con người là một hạt bụi, là một hạt cát của Hòa Vang vốn không phải là ta chưa nghe nhắc tới bao giờ. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi…” Ca từ của Trịnh Công Sơn viết vẫn ám ảnh trong tiềm thức giới thính giả đam mê nhạc Trịnh suốt bao nhiêu lâu nay. Nhưng hạt bụi người trong sáng tác của Hòa Vang không giống với hạt bụi người trong nhạc Trịnh. Đối lập với quan niệm hạt bụi nhỏ bé, hư vô, vô danh, vô định của thiên tài âm nhạc; con người trong truyện ngắn của Hòa Vang là một hạt bụi lấp lánh lên sự độc đáo của riêng nó, là hạt bụi nhỏ bé nhưng lại có thể để lại dấu ấn riêng của mình trên cõi đời này. Mãi sau này ông mới cho ra đời tập truyện Hạt bụi người bay ngược, nhưng thực ra ngay từ cái ngày ông viết Nhân sứ, thì trong mắt văn sĩ này, con người đã vốn như một hạt bụi rồi: “Như hơi ấm đã quần bám, đã đi theo từng bước chân người họ Sa xuống dần, xuống dần, tít tắp tận dưới kia - nơi đám bụi vẩn hồng hồng vừa khỏa lấp, vừa thâu nhận thêm một hạt bụi người…”
Ngay tiêu đề đã khiến độc giả đặt ra câu hỏi, Nhân sứ là gì? Người ta chỉ quen nghe thấy thiên sứ - là sứ giả của cõi trời linh thiêng. Như vậy, nhân sứ chính là nhân chứng ngay giữa cuộc đời này. Nhân sứ cũng đồng nhất với hạt bụi người giữa chốn đời trần tục. Nhân vật trung tâm trong truyện là Kim Thân La Hán Sa Ngộ Tĩnh. Trước đây, xem Tây du kí chắc hẳn chẳng ai chú ý tới Sa Tăng. Nhưng Hòa Vang đã lật lại mọi vấn đề, tập trung vào tâm hồn lẫn sự mâu thuẫn của một nhân vật rất người ấy. Kim Thân La Hán bị mắc chứng mất ngủ, mà chứng mất ngủ này bắt nguồn từ một ý nghĩ chỉ bằng cái mắt muỗi nhưng trọn vẹn và rạch ròi: “Và thế là, cái đêm mịt mù từ khi ấy, chợt đội thốc tất cả lên cái đêm...Đường Tam Tạng đã khẽ khàng dén bước đến bên đống xươn g trắng của Bạch Cốt Tinh, rồi phục xuống mà khóc tầm tã ào ạt như mưa, như gió.” Hình ảnh từ thuở Tây du ám ảnh trong lòng Sa Tăng, khiến ông kinh hãi mà nghĩ: “Ôi chao! Với di cốt tan nát của một yêu quái đã bị Tôn sư huynh đánh chết, lại có thể khóc than, thương xót như thế, đến thế được chăng? Đêm ấy....chỉ một mình ta đã đứng chết, sững sởn hết gai người...Và bây giờ, nhớ lại, càng thấy ghê rợn, kinh khiếp. Phải chăng? Hay là?...Có lẽ nào, Sư phụ ta, Đường Tăng, lại chính là một siêu yê u quái?” Đây là cách mà hạt bụi tự thức tỉnh bản thân mình, với tất cả những mâu thuẫn và suy nghĩ thận trọng về cái thiện – cái ác, cái tốt – cái xấu, cái chân – cái giả, để con người tự ngộ quả chứng nhân.
Con người gắn liền với thực tại bất toàn, vì thế con người cũng không hề hoàn hảo. Dù Sa Ngộ Tĩnh có trở thành Kim Thân La Hán, sống ở chốn bồng lai tiên cảnh, thì cũng không thể nao quên cảm giác được là một con người, được sống giữa chốn hồng trần. Ước nguyện của Ngài cũng chỉ là “hạ sơn, độc cô hành Đông Du về lại sông Lưu Sa xưa, làm một người thường chài lưới trên sông nước, chiều chiều thổi một ống tiêu, nhấc một ngụm rượu, nướng con cá nhỏ, và đợi một người đàn bà, lấy vợ sinh con”. Hạt bụi người ấy chỉ thực sự cảm thấy đáng sống và muốn sống khi được đắm mình trong hơi thở của cuộc đời trần tục.
Tóm lại, Hòa Vang luôn coi con người là một thực thể vô cùng nhỏ bé trong vũ trụ với nhiều biến thể khác nhau: hạt cát, hạt bụi, và cả hạt muối. Trong Sự tích những ngày đẹp trời, ông có nhắc tới “những giọt mưa Thủy Tinh ấy nhỏ bé, tí xíu mà vẫn trọn vẹn mang hồn biển, nên nó rây bột muối lên cả thành cửa sổ, làm mặn cả ngoài hiên... Và, dẫu chỉ có một ngày mà khiến quanh năm vách gỗ phía đông cứ ầm ì tiếng sóng”. Dẫu là nhỏ như một hạt muối những vẫn trọn vẹn mang hồn biển. Dẫu nhỏ như một hạt bụi vẫn để lại dấu ấn trên cõi đời này. Đó là tất cả những gì mà Hòa Vang đau đáu về sự tồn tại của con người trong cuộc đời!
Đọc tiếp: Quan niệm về con người của tác giả Hòa Vang phần 3