Trên hết, họ vẫn là những con người yêu thương, che chở, đùm bọc nhau.
Nhưng trên hết, trước cái đói vẫn là tình yêu thương làm xoa dịu đi tất cả. Xóm nghèo của “Nhà mẹ Lê” thật ấm áp nghĩa tình biết bao. Mẹ Lê mất vì chó cắn, nhà không có gì, đàn con thì ngây dại, bản thân nhà của họ cũng túng bần nhưng vẫn góp tiền để mua một cỗ ván mọt rồi chôn cất cẩn thận. Hay nhân vật ông Giáo trong tác phẩm “Lão Hạc” rất đồng cảm và thấu hiểu sự khổ cực của lão Hạc. Hết lần này đến lần khác, ông giúp lão Hạc từ củ khoai, chén rượu cho đến tiền làm ma cho ông lão. Có thể nói, ông giáo là một trong ít những nhân vật trí thức tiểu tư sản của Nam Cao giữ được bản chất lương thiện, trong sáng của mình. Sự xuất hiện của những con người này khiến cho văn học Việt Nam 1930 – 1945 như được xoa dịu. Cả một giai đoạn chứng kiến sự bại hoại, tha hoá trong phẩm giá, nhân cách của con người, khiến cho lòng người sầu muộn, duy chỉ có tình thương mới có thể vỗ về tâm hồn nhà văn, tâm hồn người đọc.
Tổng kết
Như vậy, từ góc độ cái đói, các nhà văn đã trình bày nhiều quan niệm khác nhau về sự biến chất của con người qua việc xây dựng hình tượng các nhân vật. Ta có thể nhận thấy rõ, những nhân vật mà nhà văn hướng tới để khai thác thường là những người nông dân nghèo bình dị, lương thiện; là những người trí thức tiểu tư sản thanh cao với những ước mơ, quan niệm cao cả. Nhưng tất cả con người ấy đều không thể thoát khỏi sự bủa vây của cái đói nghèo, người thì tha hoá về nhân tính, người thì đánh mất cả lòng tự trọng. Tất cả mọi thứ đều bị bóp méo đến dị dạng. Nhưng trên tất cả, vẫn là tình thương xoa dịu con người. Tôi hi vọng, với bài viết của mình có thể đóng góp một phần ý kiến trong việc nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con ngươi của các nhà văn giai đoạn 1930-1945.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về nhân cách con người trước cái đói phần 1