Tóm tắt: Thi pháp học là khuynh hướng nghiên cứu văn học đã có lịch sử lâu đời, mở ra những khía cạnh tiếp cận mới mẻ cho độc giả tiếp nhận. Văn học không còn tồn tại sự rời rạc giữa cái gọi là nội dung và hình thức mà tồn tại dưới dạng chỉnh thể dựa trên mối quan hệ tương trợ giữa hai yếu tố trên. Quan niệm nghệ thuật về con người là một trong những đối tượng nghiên cứu của thi pháp học, là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự đóng góp của nhà văn, sự đổi mới và tính nhân văn của một nền văn học. Nguyễn Nhật Ánh nổi lên như một hiện tượng của văn học hiện đại, thông qua các tác phẩm của ông, quan niệm nghệ thuật về con người được thể hiện rõ nhất với hình tượng con người tự chữa lành – một quan niệm sáng tạo trong xu thế đổi mới của giai đoạn văn học sau năm 1975 đến nay. Truyện dài “Đi qua hoa cúc’ của Nguyễn Nhật Ánh là một minh chứng điển hình cho quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn.
Từ khóa: thi pháp học, quan niệm nghệ thuật về con người, con người tự chữa lành, Nguyễn Nhật Ánh…
Mở đầu
Văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay đã có những sự chuyển mình rõ rệt, cách tân mới mẻ trong việc khai thác đề tài và cách nhìn nhận về con người trong nhãn quan nghệ thuật của các nhà văn. Nguyễn Nhật Ánh và những sáng tác của ông cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Sự chuyển biến của lịch sử, của những nhận thức mới mẻ trong tư duy sáng tác của các thế hệ cầm bút là một trong những nhân tố thúc đẩy sự đa dạng, phong phú của quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học. Giai đoạn này, quan niệm nghệ thuật về con người đã quan tâm nhiều hơn đến dấu ấn cá nhân, đời tư. Chiến tranh đi qua nhưng những tàn dư mà nó để lại thì luôn hiện hữu, đặc biệt là trong tâm lý con người. Con người bi kịch, chấn thương từ chiến trường trở về, không tìm được sự hòa nhập trong cuộc sống. Con người nuối tiếc, đặt ra vấn đề giữa cống hiến và quyền, giữa cho và nhận. Vấn đề nhân tính ở con người, sự vênh lệch giữa hình thức và nội tại; con người tâm linh, mộng triệu, điềm báo. Con người là cái không thể hiểu nổi. Tất cả những quan niệm ấy xuất hiện phổ biến trong các sáng tác văn học sau năm 1975. Bên cạnh đó, thời kì quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thời kì đất nước đổi mới, đời sống tinh thần của con người cũng vì thế mà trở nên phức tạp, đa diện và những tổn thương tâm lý cũng nảy sinh từ nhiều nguyên nhân, một trong số ấy là tình yêu – khía cạnh sâu thẳm khó lí giải trong đời sống nội tâm của con người. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói: “Làm sao sống được mà không yêu/Không nhớ, không thương một kẻ nào?”, tình yêu là thứ tình cảm có nhiều cung bậc: nó khiến chúng ta hạnh phúc nhưng cũng lại đồng thời khiến ta đau khổ. Trạng thái được yêu và không được yêu luôn luôn tồn tại như một quy luật tất yếu trong chuyện tình cảm đôi lứa. Trong những sáng tác về đề tài tình yêu tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh, ta luôn bắt gặp nhiều câu chuyện tình đơn phương đầy nuối tiếc, dang dở và chính từ đó, xuất hiện quan niệm nghệ thuật đầy mới mẻ về con người của tác giả: con người tự chữa lành sau những tổn thương trong tình yêu của kẻ không được yêu. Con người tự chữa lành trong truyện dài “Đi qua hoa cúc” của Nguyễn Nhật Ánh là điển hình cho một kiểu quan niệm nghệ thuật về con người đầy tính nhân văn, một tư tưởng giải thoát về mặt tâm lý đang rất phổ biến trong giới trẻ hiện đại ngày nay.
Đọc tiếp: Con người tự chữa lành trong Đi qua hoa cúc phần 2