Con người mất đi tự trọng
Thử thách nhân vật của mình, đói, đói đến cồn cào ruột gan, đói đến tay run, mờ cả hai mắt chính là Thạch Lam. Với biệt tài quan sát và mô tả chi tiết tâm trạng của nhân vật, Thạch Lam đã đi sâu vào sự biến đổi tâm trạng của nhân vật trước sự dồn ép của miếng ăn. Trong “Đói”, Sinh vốn là một người có cuộc sống dư dả, vô cùng phong lưu. Miếng ăn đối với anh ngày ấy chỉ là phù du, anh khinh bỉ trước những nhu cầu vật chất, ăn uống tầm thường. “Chàng cho rằng miếng ăn là một sự không đáng kể, chỉ có cái thanh cao, trong sạch của linh hồn mới là cần”. Mãi đến khi thất nghiệp, bị cái đói bủa vây, Sinh mới “cảm nhận rõ cái cần mạnh mẽ của miếng ăn là như thế nào”. Đúng là khi đủ mặc, con người thường ít để ý đến cái đói, những miếng ăn vặt vãnh. Trước gia cảnh khốn cùng của gia đình, vợ anh – cô Mai, người phụ nữ yêu kiều, xinh đẹp, tháo vát đã phải bán đi chút phẩm giá cuối cùng của một người đàn bà. Tấm thân cô đã đổi lấy được một chút thịt mỡ, khoanh giò và vài cái bánh tây. Khi phát hiện ra sự tình, Sinh nổi giận, quát tháo, đánh đuổi Mai nhưng chính anh cũng không cưỡng lại được cơn đói. “Cái đói lại sôi nổi dậy như cào ruột, xé gan, mãnh liệt, át hẳn cả nỗi buồn”. Anh ta nhìn quanh, không thấy Mai, cái nhìn hèn hạ của một gã bất tài, hắn ta vốc từng miếng thịt, ăn ngấu nghiến, nhai không kịp nuốt, rồi khoan khoái với bụng đã no. Lúc này, hắn mới nhớ về vợ hắn, nhớ về sự nhục nhã rồi bật khóc nức nở. Bản thân là trụ cột trong gia đình, hắn để cảnh nhà rơi vào sa sút không thể vực dậy nổi, khiến vợ anh phải đi bán thân để đổi lấy một chút đồ ăn trong nhà. Sự nhục nhã ê chề tràn ngập trong tâm trí, lòng tự trọng của một thằng đàn ông đã bị tổn thương. Nhưng đó có là gì khi đứng trước cái đói. Giữa hai sự lựa chọn về cơn đói và lòng tự trọng của một người chồng, hắn đã chọn lấy cái đói. Hắn ăn ngấu nghiến, mùi thơm của thịt mỡ khiến cho hắn không thể cưỡng lại được, phần “con” khi này lớn hơn, lấn át phần “người”.
Trong tác phẩm “Một bữa no” của Nam Cao, bà là người sớm goá bụa, con cái mất hết, chỉ còn đứa cháu mình dứt ruột nuôi từ ngày bé đang đi ở đợ nhà bà Phó. Đói đến sức cùng lực kiệt, bà khó nhọc tìm đến nhà bà Phó, xin được vào chơi với Cái Đĩ. Chơi là một chuyện, nhưng điều bà mong muốn là bữa ăn, bà đã nhịn bị nhín đói quá lâu. Trong mâm cơm, hứng chịu đủ mọi sự miệt thị từ bà phó và những người ở xung quanh, nhưng bà không làm lấy xấu hổ. Bà cứ thế ăn, ăn một cách miệt mài. Bà không ngại mình là khách, bà ăn đến những hột cơm còn sót lại trong nồi cũng vẹt nốt. Bà ăn mà không chú ý đến vẻ mặt xấu hổ của Cái Đĩ cháu bà với những người xung quanh. Bụng bà đã no. Đúng là không có gì đáng sợ hơn cái đói, nó có thể huỷ hoại nhân phẩm của cả một con người. Bà vốn là một người hiền lành, chất phác nhưng hoàn cảnh đã xô đẩy vào con đường bần cùng, đói khát. Phẩm giá lúc này với bà chẳng bằng một bát cơm, bà đã bị cái đói bóp méo, trở nên tha hoá, biến chất.
Dưới ngòi bút đậm tính hiện thực của Nam Cao và Thạch Lam, chúng ta đã thấy rõ được những hệ quả mà xã hội thực dân nửa phong kiến đã để lại. Xã hội tàn bạo ấy đã dồn ép, đẩy con người tới bước đường cùng, khiến cho họ - những con người lương thiện – đánh mất đi bản chất thiện lương trong sáng, nhân cách bị huỷ diệt
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về nhân cách con người trước cái đói phần 4