Một điểm đặc sắc nữa khi nhắc đến Suối nguồn là sự đối thoại giữa chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa tập thể. Ayn Rand tin rằng để tạo ra một xã hội phát triển thì phải tôn trọng con người cá nhân, và sự can thiệp, hủy hoại con người cá nhân chính là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Sở dĩ con người cá nhân là yếu tố quan trọng để nhân loại phát triển là bởi con người cá nhân chính là con người sáng tạo. “Nhữn g nhà phát minh vĩ đại, những nghệ sĩ, những nhà tư tưởng… đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên bị coi là con ác quỷ. Việc gây mê bị coii là tội lỗi… Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng.” Chủ nghĩa cá nhân cũng không phải là thứ tư tưởng đặt bản thân mình lên trên hết, con người đi theo chủ nghĩa cá nhân tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác, không hi sinh chính mình vì lợi ích của người khác, cũng không xâm phạm tới người khác vì lợi ích của mình. Trong suốt thiên truyện, ta thấy Roark chưa từng can thiệp vào cuộc đời của ai, không giảng đạo lí, không thao túng, không ép buộc người khác phải hành động theo một tư tưởng nào; dù đã có những lúc anh bộc lộ niềm nuối tiếc khi chứng kiến những người xung quanh đang hủy hoại chính mình.
3. Kết luận:
Khảo sát quan niệm nghệ thuật về con người trong Suối nguồn giúp ta không đọc và phân tích tác phẩm dưới góc nhìn giản đơn, tránh sự hiểu lầm rằng tác phẩm viết về ngành kiến trúc hay mô phỏng con người có thực. Nhân vật trong Suối nguồn đều là nhân vật mang tính quan niệm, là công cụ thể hiện tư tưởng của nhà văn. Suối nguồn cũng giống như những tác phẩm lãng mạn khác, không viết về “thế giới như nó đang là” mà hướng về “thế giới như nó có thể là và phải là”. Cụ thể ở đây, “thế giới như nó phải là” là thế giới nơi những con người cá nhân được tôn trọng và tự do phát triển.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Suối nguồn của Ayn Rand phần 1