Quan niệm nghệ thuật về con người trong Suối nguồn
Bi kịch lớn nhất của con người là không được sống đúng với chính mình:
Suối nguồn có một hình thức kì lạ, khối lượng đồ sộ của 1200 trang được xếp đặt vào 4 phần, mỗi phần lần lượt được kể theo góc nhìn của một nhân vật (Peter Keating, Ellsworth M. Toohey, Gail Wynand, Howard Roark). Dù hình tượng trung tâm được xây dựng là Howard Roark, tác giả vẫn dành phần lớn thời gian trần thuật cho các nhân vật còn lại. Nếu như Roark là đại diện cho con người cá nhân lí tưởng thì hệ thống nhân vật khác lại được đặt ở thế tương phản, là những người hoặc bị cuốn theo cộng đồng, hoặc lợi dụng đám đông để có được tiền bạc, danh tiếng, hoặc bị hiện thực xô đẩy và sa ngã. Ayn Rand đã thành công xuất sắc trong việc xây dựng nhân vật điển hình, Peter Keating, Ellsworth M. Toohey, Gail Wynand hay bất cứ ai khác trong Suối nguồn đều dễ dàng làm ta liên tưởng tới ai đó, một nhóm người nào đó ngoài xã hội. Họ được thể hiện những nét tính cách, hành động và tâm lí một cách phong phú và phức tạp, tạo thành những kiểu mẫu đáng nhớ và không dễ nhầm lẫn; nhưng những nhân vật này đều có một điểm chung – đi theo dấu chân của kẻ khác, không thể hiện những thứ thuộc về chính mình. Ayn Rand dùng cụm từ “những kẻ sống thứ sinh” (second - handers) để gọi chung cho tất cả.
Peter Keating là hình mẫu đầu tiên được mô tả: ngôi sao của học viện Stanton, tốt nghiệp với bằng xuất sắc và dần gây dựng được danh tiếng của mình như một kiến trúc sư danh giá. Keating thuộc kiểu người mà nếu chỉ nhìn những thứ bên ngoài thì sẽ lầm tưởng đây là một con người hoàn hảo từ ngoại hình cho đến tài năng và cách ứng xử, là người dễ dàng tạo thiện cảm cho người khác nhờ sự giao tiếp khéo léo, là cũng là người đáng ngưỡng vọng khi có được tất cả những thứ mà mọi người đều khao khá – tiền bạc, danh tiếng, quyền lực, một người vợ xuất sắc. Nhưng trái ngược lại với sự hào nhoáng bên ngoài ấy, khi cốt truyện được kể dưới điểm nhìn của Peter Keating, ta thấy luôn hiện lên với dáng vẻ thấp hèn và bí bách. Cuộc đời của Peter bị chi phối bởi người mẹ luôn đặt kì vọng lớn và chối bỏ tài năng cũng như nguyện vọng trở thành họa sĩ của con mình. Peter Keating có tất cả, nhưng không thứ nào thực sự thuộc về anh ta. Anh ta tạo nên danh tiếng từ những bản thiết kế mà người làm ra nó lại là Roark – kẻ bị xã hội chối bỏ, có một người vợ xinh đẹp và cao quý nhưng không yêu anh ta, và cũng không phải người anh ta yêu. Keating đã luôn sống theo ánh nhìn của người khác, dễ dàng thỏa hiệp, tất cả những gì anh ta làm là trở nên giống với quy chuẩn mà xã hội yêu cầu. Đổi lại, cái giá phải trả cũng vô cùng đau đớn: ước mơ, tình yêu và phẩm cách. Đến cuối tác phẩm, dù Peter vẫn cứ là một kiến trúc sư có tiếng nhưng khung cảnh anh ta cố thử tìm lại chính mình một cách muộn màng đã tạo nên điểm kết cho khối bi kịch. Đã quá trễ để quay trở lại, Peter Keating đã bị mài mòn hoàn toàn, không thể theo đuổi giấc mơ, không thể đến với người mình yêu, anh ta chỉ có thể tiếp tục sống cuộc đời của kẻ khác, sống trong đau khổ và trống rỗng.
Con người có khả năng ý thức về chính mình:
Văn học hiện đại và hậu hiện đại nói chung đều tạo ra những nhân vật với nội tâm sâu sắc và phức tạp thông qua những sự đối thoại với chính mình, nhưng ở Suối nguồn, yếu tố này thậm còn được đẩy cao tuyệt đối đến mức các nhân vật không còn giống với con người trong thực tế. Hầu như tất cả những nhân vật trong Suối nguồn đều có khả năng ý thức về con người bên trong của mình ở tầng sâu thẳm nhất. Yếu tố này có thể được thể hiện ở rất nhiều phương thức khác nhau, có khi nằm trong lời đối thoại giữa các nhân vật, có khi ở những trường đoạn độc thoại nội tâm, có lúc ở hành động,... Catherine Halsey - người yêu của Peter Keating - được xây dựng như một kẻ u mê, bị thao túng bởi Ellsworth Toohey. Phần lớn thời gian Catherine đều thấy Toohey là người đáng kính (như cách mà xã hội này đang ca ngợi) nhưng trong một vài khoảnh khắc, cô đã cảm thấy con người này thật đáng sợ, và những hoa ngôn thốt ra từ con người vĩ đại ấy đều là dối trá. Khoảnh khắc tỉnh thức lóe lên trong chớp nhoáng nhờ trực cảm mạnh mẽ, nhưng lại nhanh chóng bị nhấm chìm bởi định kiến cố hữu. Peter Keating cũng đã từng muốn cưới Catherine và bỏ trốn cùng cô, vì đây là người anh yêu và cũng là người yêu anh nhất, nhưng đến cuối cùng lại quyết định cưới Dominique – người phụ nữ xuất sắc đến không tưởng nhưng vô cùng coi thường anh. Cách xây dựng mối quan hệ của nhân vật diễn ra vô cùng kì lạ vì sự tự ý thức rõ nét đến bất thường này, các nhân vật hiểu thấu chính mình và cũng hiểu thấu lẫn nhau, nhưng lựa chọn chối bỏ nó và hành động theo cách mà xã hội này quy định. Hành trình của nhân vật luôn là sự đấu tranh giữa việc làm theo ước muốn cá nhân hay làm theo quy chuẩn của cộng đồng, là sống đúng với chính mình hay sống nương theo ý chí của kẻ khác. Suối nguồn dù đã tạo dựng hệ thống sự kiện vô cùng phong phú và gay cấn, nhưng thứ ác liệt nhất không phải là xung đột của thế giới bên ngoài mà xung đột của không gian bên trong, là những khoảnh khắc nhân vật đứng trước những ngã rẽ cuộc đời và phải đưa ra sự lựa chọn.
Peter Keating biết rõ mình chỉ là kẻ ăn bám, Gail Wynand biết cũng biết rõ mình chỉ là kẻ dối trá. Do xung đột gay gắt giữa hiện thực và ước muốn, các nhân vật cố gắng che giấu đau khổ bằng sự phù hoa của danh tiếng và quyền lực. Cũng vì thế mà khi đối diện với Roark, tất cả đều có một sự sợ hãi vô hình dù con người này bị xã hội nhìn nhận như kẻ gàn rở, thứ đáng bỏ đi. Sự tồn tại của Roark – kẻ theo đuổi ước muốn thuần khiết và tự do tuyệt đối – đã bóc trần sự kiêu ngạo giả dối cùng cái bất lực của kẻ không được sống đúng với mong ước của mình. Người ta kính sợ Roark nhưng lại muốn đạp anh xuống, bắt anh quy phục, muốn nhìn thấy anh đau khổ; bởi lẽ con người này quá khác biệt với họ, cách sống của anh là điều mà họ vĩnh viễn không thể đạt tới.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Suối nguồn của Ayn Rand phần 3