Con người đẹp nhất khi gần với bản chất nguyên sơ:
Có thể nói, Suối nguồn là bản diễn tấu tôn vinh con người một cách tuyệt đối. Ayn Rand đã đưa ra một quan niệm rất rõ ràng: con người là đại diện cho cái đẹp. Điều này được thể hiện rõ nét trong “vụ đền Stoddard", khi Roark đã tạo ra một ngôi đền không thờ thần mà thờ con người, một kiến trúc không có những rường cột chạm trổ cao vời vợi khiến con người kính sợ mà là một thứ rất gần với trần thế. Bức tượng của đền Stoddard là bức tượng khắc họa Dominique, người con gái với vẻ đẹp hoàn mỹ tựa như tuyệt tác tinh xảo nhất của tạo hóa. Vẻ đẹp hình thể của Dominique được nhắc tới nhiều lần, nhưng những gì tạo nên sự ấn tượng cho nhân vật này không phải là ngoại hình. Sau Roark, Dominique là người gần với con người cá nhân, con người tự do nhất. Cô sống như dạo chơi giữa cuộc đời, coi thường quyền lực và danh tiếng, coi thường những thứ tầm thường, vô nghĩa đang được đám đông tán dương. Dominique có đôi mắt sắc sảo đáng kinh ngạc và một tình cảm thuần khiết đến tuyệt đối. Vì Dominique rất gần với chính mình nên cô rất đẹp, không phải là cái đẹp giản đơn của đường nét mà các đôi mắt trần tục nhìn vào, đó là cái đẹp của nghệ thuật, cái đẹp bề sâu. Nhưng chính Dominique cũng đã nói, người nên là nguyên mẫu để khắc tượng thờ phải là Howard Roark, vì anh chính là con người lý tưởng nhất. Howard Roark là người duy nhất không có sự xung đột giữa bên trong và bên ngoài, vì thuần túy nhất nên cũng là đẹp nhất. Vẻ đẹp của Roark là thứ không phải ai cũng nhận ra, chỉ những con người là bề tôi của nghệ thuật như Dominique hay Gail Wynand mới thấy và cuồng si từ lần đầu tiên gặp anh hoặc nhìn những tòa nhà do anh thiết kế.
Con người tồn tại dưới tư cách cá nhân và nên sống như một cá nhân tuyệt đối:
Suối nguồn chính là bản tuyên ngôn cho chủ nghĩa cá nhân, ngợi ca con người cá nhân là mạch nguồn xuyên suốt tác phẩm. Ayn Rand đã dựng lên Howard Roark như hình mẫu lý tưởng về một con người cá nhân tuyệt đối, và hệ thống nhân vật xung quanh là sự đối lập để làm bật lên những phẩm chất của mẫu hình hoàn mỹ này.
Đầu tiên, ngoại hình của Howard Roark được miêu tả một cách rất đặc biệt: “Đấy là một cơ thể gồm toàn đường thẳng và góc nhọn, mỗi một đường uốn đều bị bẻ vỡ thành những mặt phẳng”. Ngoại hình của Roark cũng rất giống như những thiết kế của anh, giản đơn, khác lạ, đầy tính công kích. Tác giả miêu tả hình thể của Howard Roark như một loại nghệ thuật, không phải ai cũng hiểu nên không phải ai cũng thấy đẹp. Nếu như Dominique sửng sốt đến choáng ngợp trước vẻ đẹp ấy trong lần đầu gặp Roark thì những người xung quanh chỉ cảm thấy “anh ta rất nam tính, nhưng không thể gọi là đẹp trai được”. Điều tương tự diễn ra với những ngôi nhà được thiết kế theo phong cách hiện đại của Roark, người thích thì vô cùng cuồng si, nhưng người bình thường sẽ chỉ thấy nó thật lố bịch. Ở thế đối lập với Howard Roark, Peter Keating mang thẩm mỹ phù hợp đại chúng hơn với những đường nét mềm mại và hài hòa. Sự miêu tả ngoại hình cũng là ngầm ẩn cho mô tả tính cách và xu hướng hành động.
Tiếp đến, con người cá nhân sẽ phải là con người cô độc. Howard Roark là nhân vật duy nhất không được miêu tả các mối quan hệ cá nhân. Ta không biết cha mẹ hay bất kì thân nhân nào của Roark, không rõ anh đến từ đâu, có những mối quan hệ nào. Dường như Roark luôn được khắc họa trong trạng thái cô độc, anh luôn tự mình làm mọi thứ, và nếu có giao tiếp với người xung quanh thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ công việc. Roark có một thế giới riêng mà không ai có thể bước vào, cái nhìn của Roark luôn mang lại cho người khác cảm giác anh đang không nhìn họ, hay chính xác hơn là không quan tâm tới họ. Mẫu hình con người cô độc, tách biệt khỏi xã hội đã có mặt từ trước đó trong văn học phi lí; nhưng Suối nguồn đã đem lại một quan niệm mới: con người cô độc nhưng không cô đơn, con người nên cô độc và cần phải cô độc để được là chính mình. Roark chưa từng buồn phiền, băn khoăn hay bất lực về các mối quan hệ xung quanh, anh luôn ở một mình và tận hưởng cảm giác được ở một mình. Ngược lại, các nhân vật khác như Keating hay Toohey luôn được thể hiện trong mối quan hệ với người khác. Sự ảnh hưởng từ người mẹ, từ cộng đồng là yếu tố chính khiến cho Keating trở thành “kẻ sống thứ sinh”.
Văn học lãng mạn cũng đã khắc họa cái tôi cá nhân nhưng mới chỉ dừng lại ở việc mô tả cảm cảm giác cá nhân và con người như một nạn nhân của hoàn cảnh. Suối nguồn đã đi xa hơn khi tạo ra một con người cá nhân có khả năng vượt lên trên hoàn cảnh và thay đổi hoàn cảnh. Tất nhiên điều này không hề dễ dàng, sự khó khăn ấy được chứng tỏ qua Gail Wynand. Gail Wynand đã từng là một con người chính trực, và vẫn luôn là một người nhạy bén với cái đẹp, theo đuổi cái đẹp, nhưng hiện thực đã đánh gục và khiến ông trở thành kẻ chuyên viết những điều dối trá. Sự khác biệt để Roark vẫn luôn là chính mình dù bao biến cố xảy đến, dù bị đẩy đến nghịch cảnh nằm ở sự kiên trì và một niềm tin bất biến. Hay cao hơn, thứ có trong Roark là một đức tin, đức tin vào chính mình. Roark chưa bao ngờ nghi ngờ con đường mà mình lựa chọn kể cả khi bị xã hội lăng mạ và tước đoạt đi tất cả. Và trong Suối nguồn, sự kiên trì này đã chiến thắng, Roark có được thành tựu xứng đáng cho tài năng của mình.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Suối nguồn của Ayn Rand phần 4