Thời gian tự nhiên thì vận động nhưng thời-tính của hiện-tính-thể thì đông cứng như bị trét xi măng. Con người bị đông cứng trong sự vận động như-thường-lệ. Không phải là con người không vận động hay chuyển động mà chính sự vận động, chuyển động như-thường-lệ của con người đã đông cứng họ, trước hết là đông cứng nhận thức của con người về thời-tính của chính mình. Con người là một hiện-tính- thể có thời-tính, thời-tính tự thời hoá/ xuất tính ra ba thời-thể: quá-thể, hiện-thể, lai- thể. Tuy nhiên, con người/ hiện-tính-thể trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” bị đông cứng cả ba thời-thể. Thời-tính của con người bị đông cứng trong cái vận động như-thường-lệ của đời sống hàng ngày: “Quên hết ngày hôm qua, quên hết ngày hôm nay, quên hết vỏ trái đất bị xáo trộn”. Con người phóng thể vào "thiên hạ người ta" đến nỗi không ý thức được mình đang thời hoá, rằng bản thân có thời-tính, rằng cuộc sống này còn có quá khứ, hiện tại và tương lai.
Thời gian của một ngày được trải ra bốn mùa, bởi ngày nào của mùa nào cũng như nhau, một ngày là mọi ngày mà mọi ngày cũng như một ngày. Sang phần Mùa Đông, thời gian là một ngày tiếp nối khởi đầu mỗi sáng, nhưng chúng không cùng một ngày với buổi sáng sớm của phần Mùa Hạ, ở đây là một ngày khác. Tuy nhiên, nếu coi đó là một ngày tiếp nối buổi sáng sớm ở đầu Mùa Hạ thì cũng không sai, bởi ngày hôm nay cũng là ngày hôm đó, chúng lặp lại nhau bằng tính như-thường-lệ của cuộc sống. Thời gian đổ về chiều ở phần Mùa Thu, sự sắp đặt thời gian này giống như lịch trình một ngày của con người trong đời sống thường nhật: buổi sáng dậy như thường lệ, uống cà phê như thường lệ, đi làm như thường lệ, làm những việc phải làm và nên làm như thường lệ cho đúng với bổn phận của mình trong đời sống, chiều tan làm như thường lệ trên con đường về như thương lệ, rồi tối vùi mình vào giấc ngủ như thường lệ. Dẫu bốn mùa của tự nhiên có vận hành nhanh chậm thì sự đông cứng vẫn cứ như vậy. Thời gian có lúc được đẩy nhanh “hai ngày sau, bốn tháng sau” trong một đoạn ngắn ở phần Mùa Thu, nhưng sự thúc đẩy thời gian này không tạo tính đột ngột, không tạo cảm giác chuyển đổi, mà chỉ góp phần gia cố thêm sự đông cứng trong nhận thức của con người về thời-tính của chính mình: “đã gần bốn tháng và tôi cũng chẳng nghe con Bích nó nhắc đến chó lần nào nữa. Ồ, con nít mau quên lắm” [2; 208]. Không chỉ con nít mà mọi người đều quên.
Cuối cùng, Mùa Xuân khép lại truyện ngắn bằng chuỗi thời gian chìm trong sự ngủ quên [hay cố tình quên] của hiện-tính-thể “tôi”: “Tôi lại nằm ngủ suốt ngày mồng một, đến ngày mồng hai, ngủ luôn cho đến mồng ba. Thức dậy thì đền đường đã tắt.” [2;208]. Nếu “tôi” phải ngủ để cố tình quên đi cái tiềm năng ý thức phản kháng của mình về đời sống thường nhật thì đó là bởi vì cả "thiên hạ người ta" đã ngủ quên trong thường-nhật-tính, còn “tôi” thì vẫn chưa thể nào thoát được ra khỏi cái "thiên hạ người ta" ấy, nên “tôi” phải cố quên để biến mình vào trong thiên hạ, để “tôi” trở thành "thiên hạ người ta" một cách yên ổn. “Tôi” cuối cùng lại thức dậy vào mỗi sáng, mỗi sáng của Mùa Xuân như mỗi sáng của Mùa Hạ ở phần đầu, lại vòng lặp lại một ngày của đời sống thường nhật, trong tuần hoàn bốn mùa của một năm. Một ngày như mọi ngày, một năm như mọi năm, vẫn vậy, một sự như thường lệ đến đông cứng như trét xi măng.
Con người trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” là một hiện-tính-thể có thời-tính, nhưng thời-tính đó đã bị đông cứng trong nhận thức của con người và trong đời sống thường nhật.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 10