Mối quan hệ giữa: hiện-tính-thể, thế-tính, thời-tính
Con người là một hiện-tính-thể có thế-tính và thời-tính. Theo diễn giải của Phạm Công Thiện về quan niệm của Heidegger, hiện-tính-thể khai thể cho không gian thông qua việc thời hoá thời gian. “Vì hiện-tính-thể thời hoá thời-gian cho nên mới phát hiện thế-gian; thế-gian không phải là một thực-thể …, mà thế-gian đồng phát khởi với sự “xuất tính” của những xuất-thể. Nếu hiện-tính-thể không “xuất hoá”, “xuất-thể hoá” thì không thể nào có thế-gian ở đó được” [1; PL.102].
Như vậy, hiện-tính-thể đối với thế-gian và thời-gian giữ thế chủ động chứ không phải là một sự tồn tại bị động theo lối “ở trong” không gian và thời gian theo nghĩa hiểu thông thường. Trong truyện ngắn “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?”, hiện-tính-thể “tôi” không có giữ được thế chủ động này trong thế-gian và thời-gian, tức là nó không làm chủ được thế-tính và thời-tính của chính mình. Hiện-tính-thể “tôi” bị đoạ vào thế-tính thường-nhật của thế-gian bởi không ý thức và tự thời hoá được chính mình trong thời gian. Bởi vậy, nên hiện-tính-thể đã bị xuất tính theo hướng bội-tính vào "thiên hạ người ta" thay vì là một xuất-thể nguyên-tính trong sự ý thức về thế-tính và thời hoá về thời-tính.
Đến cuối cùng, sau bao nhiêu quẫy đạp trong ý thức và hành động (dù còn mơ hồ), hiện-tính-thể “tôi” vẫn phải chấp nhận đoạ đày vào trong thường-nhật-tính (cái như-thường-lệ) của đời sống hàng ngày. Như thường lệ, mùa xuân có cúc vàng, có hoa anh đào; tôi im lặng, không làm gì chỉ ngủ, bởi chỉ khi ngủ thì ý thức mới thôi lên tiếng, đầu óc mới dừng ưu tư, suy nghĩ. Đến khi thức dậy thì mọi sự đã an định trong sự như thường lệ vốn có của đời sống. Ba ngày đầu năm là ba ngày của sự chuyển giao, sinh hoạt của con người có nhiều xáo trộn so với thường ngày, nhưng sau ba ngày Tết thì mọi sự lại quay về tiết điệu bình thường vốn có của đời sống. “Tôi” đã biến thành "thiên hạ người ta" trong thường-nhật-tính của đời sống hàng ngày thông qua những hành động theo lẽ thường, và sự im lặng của ý thức đối kháng.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 11