Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 8

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 8

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024
    1.  

Con người là một hiện-tính-thể có thời-tính

Tượng tự như vấn đề thế-tính/ không-gian-tính, quan niệm của Phạm Công Thiện về con người và thời gian được hiểu theo nghĩa “tính-thể” và “thời-gian” trong triết học của Heidegger.

Thứ nhất, về vấn đề thời-tính, thời-tính theo quan niệm của Heidegger được Phạm Công Thiện diễn giải không phải là thời gian theo cách hiểu truyền thống thông thường. Thời-tính là cái khai hoá ra thời gian. Thời-tính khai hoá ra thời-gian bằng cách tự thời hoá. Thời hoá là sự xuất-tính của thời-tính bằng cách: dự tưởng đến tương lai, phục hồi quá khứ và hiện hoá hiện tại. Trong đó, quá khứ, hiện tại, tương lai là các “xuất-thể” của thời-tính khi xuất tính ra bên ngoài, hay chúng còn được gọi là các “thời-thể”: quá-thể, hiện-thể, lai-thể. Ba xuất-thể/ thời-thể này có tính thống nhất với nhau ở chỗ chúng đều là sự [tự] xuất-tính của thời-tính.

Thời-tính thời hoá ra thời-gian hiểu theo nghĩa thông thường, tức là thời gian theo quan niệm truyền thống xuất phát và lệ thuộc vào thời-tính. Quan niệm về thời gian của Heidegger theo sự diễn giải của Phạm Công Thiện “đã vượt ra ngoài quan niệm thông thường của truyền thống về thời gian: truyền thống quan niệm thời gian như một chuỗi dài những cái “bây giờ” liên tục đến vô hạn, theo thể điệu hiện tiền thể (vorhanden)” [1; PL. 102].

Thứ hai, con người là một hiện-tính-thể có tính cách thời gian, tức là có thời- tính.“Tuỳ vào sự truy nhận của hiện-tính-thể về thời gian mà hiện-tính-thể có thể hiểu tự tính và tất cả mọi sự chung quanh mình: hiện-tính-thể cưu mang tính cách thời gian (zeitlich), nếu không hiểu được thời-tính thì không thể nào hiểu được hiện- tính-thể” [1;PL.99]. Về tính thời gian của hiện-tính-thể, Phạm Công Thiện giải thích: “hiện-tính-thể là tại-thời-tính, nhưng không có nghĩa ở trong thời gian như chiếc thuyền ở trong dòng sông đang chảy, vì hiện-tính-thể chính là thời gian: hiện- tính-thể tự thời hoá (zeitigen)” [1; PL.99].

Con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?là một hiện-tính-thể tồn tại trong thời-tính đông cứng của thường-nhật-tính (thế-tính) của đời sống thường nhật (thế-gian). Thời gian trong truyện ngắn ở thế vận động nhưng là sự vận động chậm chạp và tuần hoàn.

Toàn bộ truyện ngắn gồm bốn phần được phân giới bằng hai chữ in hoa đầu mỗi phần: phần một – MÙA HẠ; phần hai – MÙA ĐÔNG; phần ba - MÙA THU; phần bốn - MÙA XUÂN. Bốn mùa trong một năm là thời-gian có tính cách thường lệ và tuần hoàn, một thời gian “như thường lệ” bởi nó là một lẽ tự nhiên của đời sống. Bốn phần của tác phẩm đều có chung một cú pháp mở đầu “TÊN MÙA + có”: MÙA HẠ có…; MÙA ĐÔNG có…  ; MÙA THU có…; MÙA XUÂN có… Sự lặp lại của cú pháp này gợi sự lặp lại, tuần hoàn; đồng thời gợi lên trạng thái như thường lệ của tự nhiên.

Sự sắp xếp thời gian mùa của truyện ngắn có một sự không như thường lệ, trật tự bốn mùa của tự nhiên lần lượt là xuân-hạ-thu-đông, nhưng ở đây tác giả lại lựa chọn trật tự hạ-đông-thu-xuân, khởi đầu bằng mùa hạ và kết thúc bằng mùa xuân. Mùa hạ khởi đầu bằng những cái lạ lùng và xáo động tiềm năng; mùa xuân khép lại bằng sự thuận thế theo lẽ tự nhiên và sự im lặng của những xáo động, trả về cái trơn tru của của cuộc sống thường nhật với những cái như thường lệ. Mùa xuân kết thúc tác phẩm, nhưng nó sẽ lại là mùa mở đầu cho một vòng tuần hoàn của đời sống thường nhật. Mùa xuân có tính cách mở đầu nhưng là sự mở đầu của một tuần hoàn vòng lặp. Kết thúc bằng việc mở đầu một vòng lặp như thường lệ cho thấy mọi sự đã lại an định trong sự như-thường-lệ vốn-có của đời sống.

Thời gian trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?còn là thời gian lặp lại, trì trệ kéo dài. Ở phần Mùa Hạ thời gian là sự khởi đầu của một ngày như mọi ngày: “mỗi sáng” như mọi sáng, “mỗi ngày” như mọi ngày: “Như thường lệ, mỗi sáng, thức, đi xuống sân trường, đứng lại ngó lồng bóng rổ, không có bóng. Cỏ héo nhiều, thiên hạ trét xi măng lên đó” [2; 205]. Nhưng không ai nhận thức được cái vẫn-như- thế ấy, tất cả đã bị nhấn chìm và đông cứng trong cái “như thường lệ” của mỗi sáng, mỗi ngày: “Lúc nào không mở mắt, lúc nào không bước đi … Cái chết vẫn được gặp lại ở quán cà phê đầy nắng với hoa phong lữ thảo … Buổi sáng, ngoài đường xe cộ chạy vù vù qua cầu. Quên hết ngày hôm qua, quên hết ngày hôm nay … Mỗi ngày, người mình cứng như xi măng, cứng, cứng … Mỗi sáng, ít người biết rằng có gần một triệu người uống cà phê tại Sài gòn và những thành phố vây quanh Sài gòn. Mỗi sáng, ít nhất tại Sài gòn có gần một triệu người phải chịu đoạ đày mở mắt và làm những việc khả kính.” [2; 203-205].

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 9

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22