Con người là một hiện-tính-thể tồn tại trong thế-tính và có thời–tính
Con người là một hiện-tính-thể tồn tại trong Thế-tính/ thế-gian-tính
Thứ nhất, không gian tồn tại của hiện-tính-thể là ở trong thế-tính của thế-gian. Tính-thể chính yếu của hiện-tính-thể chính là Tại-thế-tính (In-der-Welt-sein). “Tại-thế” ở đây không phải là “tại-thế” hiểu theo nghĩa “ở trong thế giới”. Chữ “thế” trong nghĩa “tại-thế” này có nghĩa là “thế-tính”, chính “thế-tính” này làm căn bản cho thế-giới. Điều đó có nghĩa là, hiện-tính-thể tồn tại trong thế-tính (hay không-gian-tính hoặc thế-gian-tính) của thế-gian chứ không phải trong không gian vật lý thông thường.
“Thế” là cái để cho hiện-tính-thể xuất hiện trong nó (ta có thể hiểu đó là toàn bộ thế-gian). Nói chính xác hơn, là hiện-tính-thể xuất hiện trong thế-tính của thế- gian, trong đó không gian vật lý chỉ là một yếu tố của thế-tính.
Thứ hai, không gian tồn tại của con người trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” là đời sống thường nhật. Hay nói cách khác, thế-tính/ không-gian-tính để hiện-tính-thể tồn tại và biểu hiện/ xuất thể trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” chính là thường-nhật-tính.
Trong truyện ngắn “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” các không gian cần được đặt trong sự kết nối thành một chỉnh thể thống nhất. Các không gian xuất hiện trong truyện ngắn bao gồm: không gian thiên nhiên, không gian xã hội, không gian vật chất, không gian gia đình, không gian văn hoá, không gian thành thị, … Tất cả những không gian đó phải được đặt trong sự kết nối thống nhất, bởi khi đặt chúng trong mối liên hệ nối kết với nhau thì đó chính là không-gian-tính/ thế-tính của thế- gian để cho hiện-tính-thể xuất hiện và tồn-tại. Như vậy, toàn bộ đời sống thường nhật [như là thế-tính của thế-gian] chính là không-gian-tính cho sự tồn tại của hiện- tính-thể trong truyện ngắn “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?”.
“Thường-nhật-tính” còn có thể hiểu là những bổn phận thường nhật, ví dụ như công ăn việc làm hàng ngày. Thường-nhật-tính là những cái có tính cách lặp đi lặp lại đến mức trở thành những cái như thường lệ trong đời sống. Trong truyện ngắn, câu chuyện lặp lặp lại của người mẹ, thói quen uống cà phê như một thông lệ vào mỗi sáng của người dân Sài Gòn và những thành phố xung quanh, việc lặp lại những ý, lời phát biểu nơi giảng đường, sự lặp lại của bốn mùa tự nhiên, hay sự lặp lại của những cái như thường lệ trong đời sống thường nhật, chính là thường-nhật-tính, thế- tính của đời sống thế-gian trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?”.
Cuộc sống thường nhật hiện lên trong một trạng thái “như thường lệ”. Trạng thái đông cứng của cuộc sống thường nhật không phải là sự đông cứng hiểu theo nghĩa không có bất kì một chuyển động nào, mà “mọi chuyển động như thường lệ” chính là sự “đông cứng” của đời sống thường nhật. Nói cách khác, những cái “như thường lệ” chính là sự đông cứng. Trong cái “như thường lệ” bao gồm sự chuyển động như thường lệ, và cả những bất động như thường lệ. Trạng thái “như thường lệ” đông cứng đời sống thường nhật bởi “thiên hạ trét xi măng trên đó” bằng những việc làm và những việc không làm.
Tất cả những sự việc của đời sống thường nhật đều diễn ra trong sự lặp lại: những âm thanh (tiếng con nít khóc, giọng ru của người mẹ, câu chuyện mẹ nhân vật tôi kể, âm nhạc lè nhè,…); những hành động (uống cà phê mỗi sáng của một triệu người tại Sài Gòn,…); sự im lặng (không có người nói); và cả cái chết (Cái chết vẫn được gặp lại ở quán cà phê đầy nắng với hoa phong lữ thảo); …
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 8