Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 6

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 6

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024
      1.  

Đoạ - tính: hiện - tính - thể bị bội - tính khi rơi vào trong "thiên hạ người ta"

Đặc điểm đoạ-tính của hiện-tính-thể được xem xét trong mối tương quan với thường-nhật-tính bao gồm ba đặc điểm:

Đặc điểm thứ nhất là “nói nhảm nhí. Nói nhảm nhí” (Gerede) ) là đọa thể của ngôn-thể-tính. Người ta nói ba hoa, nhảm nhí và chẳng hiểu mình nói gì, mình nói như mọi người nói, cái gì cũng nói được, cái gì cũng giải thích được, nói rất nhiều nhưng chẳng có gì đáng nói: hiện tính thể tự đánh chìm trong đời sống tầm thường của “thiên hạ, người đời” [1;PL.64]. Đặc điểm này khiến người đọc nhớ tới hình ảnh của các vị “đại đức, thất đức, khoa trưởng, thôn trưởng, ấp trưởng, xã trưởng” thường lấy sách “công dân giáo dục” học lại cho khả kính [2;206]. Đồng thời đó cũng là tình trạng của hiện-tính-thể “tôi khi phải nói những lời như-lẽ-thường mà mình phải nói, cho đúng với cương vị và bổn phận:“Chúng ta phải tìm lại một căn nguyên gốc rễ cho chúng ta. Tìm lại tinh thần văn hóa dân tộc... (tiếng micro lại xè xè như muốn réo pisse-pisse…)” [2;207].

Đặc điểm thứ hai là “tò mò tọc mạch. Tò mò tọc mạch (Neugier) là sự tìm kiếm mọi sự không phải để hiểu mà chỉ để thấy… Tìm điều mới lạ để rồi nhảy lướt qua sự mới lạ ấy mà đi tìm sự mới lạ hơn nữa. Nó chỉ đem đến tâm trí tản mạn, xao động cạn cợt và tâm trạng bất an, bất định, khiến cho hiện-tính-thể lấp lửng động đậy, không còn khả năng lắng hồn thanh thản và suy tư chín chắn. Nó tạo cho mình ảo tưởng là mình sống một đời sống nhộn nhịp hoạt động, “hào hứng”, “trí thức”, mình có ảo tưởng là luôn luôn thời thượng, cái gì thiên hạ biết mình cũng biết” [1; PL.65]. Đây chính là trạng thái của hiện-tính-thể “tôi” trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?, ý thức được về thực trạng của đời sống thường nhật đang bị đông cứng bởi những cái thường lệ, nhận thấy những tiềm năng xáo động nhưng rồi những nhận thức này cũng chỉ để đấy khi hiện-tính-thể bị đoạ đày vào thường-nhật-tính, từ “tôi” biến thành "thiên hạ người ta".

Đặc điểm thứ ba là “mơ hồ bấp bênh”. “Mơ hồ bấp bênh (Zweideutigkeit) việc bản thân không ý thức được về những cái mình không biết và về cả những cái mình đã biết. Nói cách khác, là mình ảo tưởng mình hiểu, biết tất cả nhưng thực chất là mình không hiểu, biết thực chất được điều gì cả. Mình sống một cuộc đời mà mọi sự đều xảy đến, nhưng thực ra trong sâu thẳm thì chẳng có gì xảy đến cho ra hồn” [1; PL.65]. Trạng thái sống không ra hồn chính là trạng thái của hiện-tính-thể “tôi” trong truyện ngắn Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” sau khi bị bội tính vào trong "thiên hạ người ta" bởi thường-nhật-tính. Một trạng thái sống vùi mình vào giấc ngủ buộc ý thức phải nằm im để cho qua ngày, đoạn tháng, mặc dù có thể anh ta vẫn đảm đương tốt [như-thường-lệ] những bổn phận của mình trong cuộc sống thường nhật nhưng đối với một con người đã từng có ý thức rõ ràng đến đối kháng về thực trạng như-thường-lệ đến đông cứng của đời sống cũng như tiềm năng thay đổi của nó thì trạng thái sống như thế quả đúng là một sự sống “chẳng ra hồn”. Tuy nhiên, trạng thái sống “không ra hồn” ở phần sâu thẳm của hiện-tính-thể “tôi” trong truyện ngắn là trạng thái vốn-có từ đầu. Ngay cả khi ý-thức có sự ưu tư về trạng thái đông cứng của thường-nhật-tính đối với con người và đời sống, thì quyết định trong hành động của hiện-tính-thể “tôi” cũng chứng tỏ nó luôn ở trong một trạng thái “chẳng có gì ra hồn ở phần sâu thẳm”.

Đặc điểm thứ tư là “đoạ-tính”. Đọa tính (das Varfallen) nói lên sự ưu tư bận bịu của hiện tính thể với thế giới công ăn việc làm của mình: hiện tính thể đánh mất mình trong đám đông thiên hạ người đời... họ có ảo tưởng rằng mọi sự đều tốt đẹp và mình cảm thấy âm hưởng an lành, nhưng sự xoa dịu này chỉ tăng trưởng “đọa tính”, khiến cho hiện tính thể có ảo tưởng rằng đời sống trơn tru và mình vẫn làm việc hàng ngày không ngừng, “phụng sự” và “cung phụng” như một cái máy, để rồi càng ngày càng thấy mình vẫn xa lạ đối với chính mình và bị rơi vào trong “vong thể”, “ly tính”; không còn biết đâu là khả tính độc đáo nhất, nội tại nhất của tính thể mình: hiện tính thể bị rơi té trong đời sống nhợt nhạt phều phào của thiên hạ người đời, vận hành trong sự quay cuồng của thế giới người ta, nói lên “tính cách bị bỏ rơi, quăng ném ra đó” của hiện tính thể giữa đời sống thường nhật” [1; PL.66]. Đoạ-tính chính là đặc điểm bao trùm của hiện-tính-thể “tôi” trong truyện ngắn Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?”.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 7

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22