Phần mở đầu tác phẩm, MÙA HẠ, là hoàn cảnh sống thường nhật hiện lên trong cái nhìn của “tôi”, tức là các không gian được hiện lên thông qua nhận thức và trong ý-thức của “tôi”. Hoàn cảnh sống thường nhật ấy bao gồm hoàn cảnh bên ngoài và những diễn biến bên trong.
Những chi tiết về không gian thực chất là không gian được chiếu ra từ điểm nhìn của tôi, từ điểm nhìn tâm trí bộc lộ không gian trong tâm tưởng đến điểm nhìn vật lý bộc lộ không gian vật chất. Không gian thiên nhiên ở câu văn đầu tiên “MÙA HẠ có mấy con chim lội qua biển, vài ba đám mây, bên kia là trời, màu xanh, màu trắng” không phải là sự tả thực một không gian thực tế mà đó là hình ảnh đầu tiên của mùa hạ hiện lên trong tâm tưởng của tôi. Tiếp đó, ý thức nhân vật dịch chuyển điểm nhìn từ hình ảnh trong tâm trí đến các hình ảnh của không gian thực tế, không gian nơi ở của mình: cửa sổ, cầu thang, sân, nhà, phố xá, quán cà phê, thành phố Sài Gòn,…
Không chỉ ý thức về trạng thái đông cứng của đời sống, mà “tôi” còn ý thức được trạng thái đông cứng của chính mình trong cái như thường lệ: “…thiên hạ trét xi măng trên đó. Mỗi ngày, người mình cứng như xi măng, cứng, cứng” [2;205]. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thức được sự không có ý thức của “thiên hạ người ta” về trạng thái đông cứng của đời sống mà họ đang ở trong đó: “Mỗi sáng, ít người biết rằng có gần một triệu người uống cà phê tại Sài Gòn và những thành phố vây quanh Sài Gòn. Mỗi sáng, ít nhất tại Sài Gòn có gần một triệu người phải chịu đoạ đày mở mắt ra và làm những việc khả kính.” [2;205].
Phương diện thứ ba là “hiện-tính-thể ưu tư ấy có thể bị ứng cảm, ảnh hưởng, qui định bởi những vật-thể và nhân-thể của thường-nhật-tính” [1; PL.55]. Hiện-tính- thể trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” mặc dù có tự ý thức về sự vong-tính, bội-tính của mình trong đời sống thường nhật khi chịu theo những cái “như thường lệ” của đời sống nhưng vẫn không thể thoát khỏi sự thống ngự của những cái thường nhật đó. “Tôi” vẫn phải thực hiện trách nhiệm bổn phận của một đại đức khoa trưởng bằng một bài phát biểu hợp với lẽ thường của một trưởng khoa, vẫn không thể trái lại sự quyết định của người mẹ như một lẽ thường trong bổn phận làm con, không thể nói khác thường trong một không gian quen thuộc như thường lệ của một quán cà phê, …
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 5